Nông dân Mỹ Thuận tìm lối đi riêng

Cập nhật, 05:07, Thứ Tư, 04/01/2017 (GMT+7)

Xã Mỹ Thuận (Bình Tân) vốn không có thế mạnh rau màu, nhưng nhiều nông dân mạnh dạn học tập vùng rẫy lân cận, mở rộng diện tích trồng xà lách xoong, các loại rau màu khác. Có người còn mày mò trồng mấy công hẹ “mồ côi” giữa xung quanh toàn ruộng lúa. Nhờ vậy mà “khá lên... hồi nào hổng hay!”

Còn bà con ở ấp Mỹ Trung A từ nhiều năm nay đã khá giàu lên từ một loại cây trồng “cũ mà mới”, men theo con rạch Trà Cuồng, Trà Kiết toàn là những vườn sơ ri nối liền nhau xanh mướt. Bà con giờ còn đổi tên Trà Cuồng là con rạch “sơ ri”.

Làm giàu nhờ chuyển đổi cây màu

Những ngày nghỉ Tết Dương lịch, đường sá vắng vẻ, nhưng trên đồng ruộng thì nhịp độ lại tất bật. Bà con nông dân đang chuẩn bị cho mùa vụ giáp tết, ở xóm rẫy thì 3- 4 giờ sáng đã xôn xao khi mối lái liên tiếp đặt những đơn hàng với giá cả rất khả quan. Nông dân không sợ cực, không quản nhọc nhằn, hễ giá cả ổn định là vui lắm rồi.

2 công hẹ “mồ côi” của anh Tư Oai, ấp Phú Tài, xã Mỹ Thuận.
2 công hẹ “mồ côi” của anh Tư Oai, ấp Phú Tài, xã Mỹ Thuận.

Đó là tâm trạng phấn khởi của bà con nông dân xã Mỹ Thuận, dù trong những ngày nghỉ, nhưng lãnh đạo xã vẫn sẵn sàng hỗ trợ và bố trí người đưa chúng tôi xuống thăm bà con, một xã vùng sâu có nhiều khó khăn nhưng đang khởi sắc từ những nông dân dám mạnh dạn học tập để chuyển đổi cây màu thành công.

Anh Tư Oai (Lê Văn Oai, 54 tuổi, ấp Phú Tài) là một điển hình cho việc chuyển đổi cây màu trên đất lúa truyền thống. Cây lúa gắn bó máu thịt với gia đình Tư Oai mấy đời rồi. Hồi những năm 1980- 1990, cả gia đình mấy anh em còn khăn gói vô tận rốn phèn Đồng Tháp Mười khai phá hàng trăm công đất.

Từ hồi đất có giá bằng mấy giạ lúa một công, lần hồi cho đến khi gần 4 chỉ vàng một công, biết bao nhiêu người... “bỏ của chạy lấy người” nhưng mấy anh em Tư Oai bám trụ thành công cho đến giờ.

Anh khoe: “Riêng tui còn 30 công ruộng trong đó, cho thuê hơn 2 triệu đồng/công/năm, mỗi năm bỏ túi trên 60 triệu đồng. Coi như vốn “cứng” lo tương lai mấy đứa nhỏ, hàng chục năm nay về làm mấy công ruộng gần nhà”. Nhưng cái máu “đột phá” trong người anh nông dân này chưa chịu ngừng nghỉ.

Mấy năm trước, anh mày mò đi ra ngoài xứ rẫy Thuận An học hỏi rồi về chuyển 2 công lúa sang trồng hẹ thử coi. Xung quanh toàn là ruộng lúa, 2 công hẹ của Tư Oai khác nào ruộng hẹ “mồ côi”, vậy mà thắng lớn.

Nói nghe dễ ăn, thực ra để chuyển qua cây hẹ thì cái khó lớn nhất là cần phải lót đệm với đất cát, thì mới trúng và ăn bền được, chi phí ban đầu nặng chỗ đó, nhưng với giá hẹ hiện nay trong tầm 7.500 đ/kg là bà con sống khỏe.

Cứ 2 tháng cắt 1 đợt, trên 2,5 tấn, tính ra đã cắt đến đợt thứ 7 rồi, tính sơ Tư Oai đã thu lại hàng trăm triệu đồng rồi.

Anh chia sẻ: “Chỉ tiếc cái là ruộng mình thiếu đất cát, không thôi tui đã chuyển hết ruộng lúa sang trồng hẹ lâu rồi”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận Nguyễn Hữu Đức, cho biết: “Dù giáp ranh với vùng rau màu xã Thuận An, nhưng xã Mỹ Thuận vốn không có thế mạnh về cây màu.

Ở ấp Phú Tài này có anh Tư Oai là đi đầu chuyển đổi trồng hẹ. Ngoài ra, một số bà con ở vùng cận xã Thuận An thì mới dám mạnh dạn chuyển sang trồng xà lách xoong trong mấy năm gần đây”. Giá rau màu giữ ổn định đã đem lại thu nhập cao cho bà con trồng màu.

Làng sơ ri bên rạch Trà Cuồng

Vườn sơ ri lâu năm tạo dáng rất đẹp, có bóng mát có thể khai thác dịch vụ ăn uống ngay tại vườn. Trong ảnh: Anh Phan Thế Trường (phải) trong vườn sơ ri nhà mình cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận Nguyễn Hữu Đức.
Vườn sơ ri lâu năm tạo dáng rất đẹp, có bóng mát có thể khai thác dịch vụ ăn uống ngay tại vườn. Trong ảnh: Anh Phan Thế Trường (phải) trong vườn sơ ri nhà mình cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận Nguyễn Hữu Đức.

Vừa rẽ vào đầu con rạch Trà Cuồng ở ấp Mỹ Trung A, đã thấy toàn sơ ri. Sơ ri vây kín nhà, sơ ri được trồng ra tận mé đường, mé rạch, thỉnh thoảng thấy bà con ngồi lựa sơ ri chất đống hàng trăm ký. Chúng tôi ghé nhà Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ Trung A Phan Khắc Tài.

Ông đã đưa bà xã đi TP Hồ Chí Minh khám bệnh rồi, chỉ có người con trai là anh Phan Thế Trường (32 tuổi) tiếp chuyện. Đây là một trong vài hộ đầu tiên của ấp “khởi sự” nhân rộng cây sơ ri và cũng là điểm thu mua trái cho bà con.

Anh Tài cho biết, ban đầu nhà có vài gốc sơ ri, giờ đã gần 30 năm tuổi, chỉ hái bán lai rai trong xóm, bỏ mối vài ký ngoài chợ Bình Minh.

Dần dần khi có được mối lái từ các địa phương khác thu mua số lượng lớn thì nhân rộng ra. Bà con ở xóm cũng làm theo vì cây này rất dễ trồng, giờ gia đình đã có trên 300 gốc.

Thuận lợi là cây này phát triển nhanh, bung cành lá xum xuê, nên khi nhân rộng ra thì cứ chiết nhánh trong vườn rồi trồng, không phải tốn kém gì, mỗi công trồng được khoảng 30- 36 gốc.

Theo anh Tài, hiện nay có nhiều đầu mối thu mua sơ ri từ TP Hồ Chí Minh, Long An, Thủ Đức, Cà Mau, Cần Thơ,... nên đầu ra rất ổn định.

Hiện mỗi ngày, trong ấp có 3 chỗ thu mua trái cho bà con khoảng 500kg đến 1 tấn, còn khi rộ lên đến 4- 6 tấn trái/ngày. Giá cả dao động trong khoảng 7.000đ đến trên 10.000 đ/kg.

Sơ ri thì cho trái quanh năm cứ tầm 2 tháng thu hoạch một lứa được khoảng 50 kg/cây. Đây là giống cây dễ trồng, ăn bền và không đòi hỏi kỹ thuật. Nhiều gia đình có thể tận dụng trồng ở khoảng sân trước, sau nhà cũng có thu nhập, có tiền sinh hoạt hàng ngày.

Để chứng minh cho giống cây cho lợi nhuận cao, anh Tài cho biết, trong xóm có cô con dâu ông Ba Giá, mấy năm trước về đây tay trắng, chỉ đi hái thuê trái sơ ri, mỗi giờ được 15.000đ nhưng đã tích lũy gầy dựng được vài công sơ ri, giờ đã có dư hàng trăm triệu đồng xây nhà mới.

Chuyện làm giàu từ cây sơ ri, là điều ngạc nhiên đáng mừng của bà con ở ấp Mỹ Trung A. Còn anh Đức- Chủ tịch Hội Nông dân xã thì thích thú cho rằng: “Cái làng này, nếu được quan tâm, hỗ trợ xây dựng làng du lịch sẽ hay lắm đây”.

Đúng là một ý tưởng rất khả thi, bởi những vườn cây rất đẹp, thoáng mát, bà con còn nuôi cá cho ăn bằng trái sơ ri chín rụng, cá rất mau lớn, thịt rất thơm ngon.

Những vườn cây trên chục năm thân cây uốn éo, xù xì một cách tự nhiên tạo thế kiểng đẹp mắt, cũng là một giá trị kinh tế khác nếu khai thác theo hướng cây kiểng, bonsai.

Anh Tài cho biết: Có nhiều mối đến hỏi gốc sê ri về làm kiểng, có người đặt mua mấy chục gốc, đối với giống cây này nếu muốn thay gốc mới không khó, chỉ cần trồng xen vài năm là cho trái rồi, nhưng gia đình không muốn bán. Bởi đào cả cây hàng chục năm bán đi, cũng chẳng được bao nhiêu tiền, nhưng không khéo lại tạo ra phong trào bán cây, gây xáo trộn và ảnh hưởng không tốt đến kinh tế vườn của bà con.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG