Vừa băng qua những cánh rừng cao su trên Đường tỉnh 8, đập vào mắt chúng tôi là Khu nhà màng khép kín nhấp nhô của Khu nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao thuộc xã Phạm Văn Cội (Củ Chi- TP Hồ Chí Minh). Vùng đất trước kia “làm lúa khó giàu” nay trở thành khu NN hiện đại tầm cỡ quốc gia và là mô hình kiểu mẫu ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất NN thời kỳ hội
Vừa băng qua những cánh rừng cao su trên Đường tỉnh 8, đập vào mắt chúng tôi là Khu nhà màng khép kín nhấp nhô của Khu nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao thuộc xã Phạm Văn Cội (Củ Chi- TP Hồ Chí Minh). Vùng đất trước kia “làm lúa khó giàu” nay trở thành khu NN hiện đại tầm cỡ quốc gia và là mô hình kiểu mẫu ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất NN thời kỳ hội nhập.
Bà Hàng Châu Trang giới thiệu phôi nấm.
Cánh cửa nông sản Việt ra thế giới
Ông Từ Minh Thiện- Phó Trưởng Ban quản lý Khu NN công nghệ cao giới thiệu: Toàn khu rộng 88,17ha, có 3 trung tâm, sắp tới định thành lập thêm trung tâm đào tạo. Hiện khu NN còn hợp tác với các nước có thế mạnh NN như Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Israel... nhằm kết nối giao thương, sản xuất các giống chất lượng cao, sản xuất các sản phẩm theo quy trình công nghệ hiện đại. Hiện sản phẩm tại đây tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, xuất khẩu nằm ở phân khúc cao.
Ông Từ Minh Thiện cũng cho biết, khoảng 10 năm trước đây khu này còn rất hoang vắng, sau khi được đầu tư và hoạt động chính thức hơn 4 năm, khu NN đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Chúng tôi được sắp xếp cho tham quan Công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh nằm trong khu NN công nghệ cao do bà Hàng Châu Trang làm giám đốc. Điều thú vị khi biết giám đốc Hàng Châu Trang sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Long và hiện sống ở TP Hồ Chí Minh.
Với niềm đam mê cùng lợi thế “chồng tôi là giảng viên giảng dạy chuyên ngành công nghệ sinh học”, thường xuyên hướng dẫn sinh viên thực hiện các công trình nghiên cứu trồng nấm công nghệ cao, năm 2010, bà Trang bỏ ra hơn 7 tỷ đồng thành lập công ty chuyên cung cấp phôi nấm, nấm bào ngư.
“Ở đây mạt cây cao su nhiều, giàu chất dinh dưỡng, ổn định nguồn nguyên liệu hơn, giá lại rẻ nên là lợi thế sử dụng nguồn phụ phẩm này trồng nấm. Ban đầu người tiêu dùng cũng ngại nhưng khi họ tiêu thụ thì được đặt hàng làm không kịp”- bà Hàng Châu Trang bảo vậy.
Hiện mỗi ngày công ty làm từ 6.000- 10.000 bịch phôi/ngày, không chỉ tiêu thụ thị trường trong nước mà còn sang tận Campuchia. Ngoài ra, chúng tôi còn được “thưởng thức” nhiều sản phẩm chế biến từ nấm.
Công nghệ ươm lan con trong môi trường khép kín.
Hình ảnh về khu nhà màng khép kín với kỹ thuật tưới nhỏ giọt và phun sương tự động theo công nghệ nước ngoài được sử dụng để trồng dưa lưới, cà chua và dưa leo tiếp tục lôi kéo chúng tôi. Trên chiếc xe điện chuyên dụng, chúng tôi tiếp tục đến Công ty TNHH Cuộc sống tốt lành (Good life Factory). Anh Mai Văn Phúc- Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công ty- dẫn chúng tôi xem quy trình sơ chế bảo quản trái cây, đóng gói trước khi xuất khẩu với công nghệ của Nhật Bản.
Theo anh, trung bình mỗi tháng công ty xuất bán khoảng 100 tấn trái cây sang nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand,… Để đảm bảo trái, công ty phải xây dựng các vùng nguyên liệu trái cây đạt chất lượng, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Và khi trái cây nhập sang nước nào phải có các chuyên gia nước đó đến giám sát mọi công đoạn.
“Sắp tới sẽ xuất khẩu chuối già, xoài ra nước ngoài. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tại nhiều nơi, bởi như trái thanh long thì hiện trồng nhiều, trái quanh năm nên không sợ thiếu hàng, còn như xoài hay chuối già phải có vùng nguyên liệu vì nguồn hàng khan hiếm”- anh Phúc cho biết thêm.
Càng cảm nhận được hơn thế nào là NN công nghệ cao khi đến vườn lan của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NN công nghệ cao bởi những cánh hoa lan khoe sắc, đủ màu, đa dạng chủng loại, bên cạnh công nghệ ươm cây giống độc đáo, tỉ mỉ, công phu mà chúng tôi được giới thiệu.
Chuyển giao công nghệ cao
Trước năm 2009, UBND TP Hồ Chí Minh đã có ý định thành lập các khu NN ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển ra các vùng lân cận với mục tiêu đạt hiệu quả cao trên diện tích nhỏ, do đất đai ngày càng bị thu hẹp.
Ông Từ Minh Thiện cho biết, quá trình đô thị hóa mỗi năm thành phố mất gần 1.000ha đất. Trong khi những địa phương như huyện Củ Chi trước đây làm lúa năng suất thấp, còn trồng rừng thì vài chục năm mới thu hoạch được, vậy phải làm gì tăng thu nhập cho người dân thật sự là bài toán đặt ra.
Sau khi tham khảo các mô hình của thế giới, UBND thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở thành phố.
Cũng trong thời gian này, rất nhiều chương trình đẩy mạnh chuyển đổi khuyến khích cụ thể như trồng rau, nuôi bò sữa, cá sấu... nhằm tạo nhiều sản phẩm “lạ” thay thế gia cầm một khi gặp dịch bệnh. Trong đó, quyết định thành lập khu NN công nghệ cao được xem là một bước chuyển đổi khá quan trọng.
Hiện khu NN công nghệ cao có 3 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển NN công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo NN công nghệ cao, Trung tâm Khai thác hạ tầng và 14 nhà đầu tư thuê 100% diện tích.
Khu NN công nghệ cao là khu vực tập trung cho lĩnh vực trồng trọt theo hướng NN đô thị, với những sản phẩm chính là hạt giống rau, dưa lưới, hoa lan, các chế phẩm sinh học,...
Để lan tỏa công nghệ, khu đã thành lập Trung tâm Ươm tạo và nghiên cứu phát triển công nghệ cao nhằm xây dựng mô hình chuẩn để chuyển và đã chuyển giao hiệu quả công nghệ lai tạo giống lan, chuối, rau cho nông dân và mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục tấn giống chất lượng cao, đào tạo cho cả ngàn lượt nông dân, doanh nghiệp. Hiện nay, chuyển giao công nghệ là một trong những chức năng chính của khu NN công nghệ cao, nhiều công ty chuyển giao và có sản phẩm bày bán trên thị trường.
Ngoài khu NN công nghệ cao hiện tại, những năm tới, sẽ mở rộng thêm 2 khu nữa khoảng 200ha chuyên về chăn nuôi (Bình Chánh) và thủy sản (Cần Giờ). Theo ông Từ Minh Thiện, những khu mới này cũng để cho các nhà đầu tư triển khai các mô hình sản xuất các loại rau, hoa và cá cảnh.
Trong khi đó, khu NN công nghệ cao ở Bình Chánh sẽ chuyên về lĩnh vực chăn nuôi (bò, heo, gà) theo hướng khép kín và an toàn thực phẩm. Khu thứ ba chuyên về nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các loại thủy hải sản đặt tại huyện Cần Giờ với diện tích khoảng 90ha.
Từ 2010 đến quý I/2014, khu NN công nghệ cao đã cung cấp cho thị trường 59,5 tấn hạt giống F1, chất lượng cao các loại (bầu, bí, ớt, khổ qua,…), 8.097 tấn thành phẩm (dưa leo thủy canh, bí đau thủy canh, nấm rơm…), 11.438 lít chế phẩm sinh học, 61.400 túi meo giống nấm, 647.000 bịch phôi nấm với doanh thu đạt hơn 262 tỷ đồng, ước tính giá trị tạo ra 2,3 tỷ đồng/ ha/năm.
Bài, ảnh: HOÀNG MINH - THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin