NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ:

Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái

Cập nhật, 06:59, Thứ Tư, 31/10/2012 (GMT+7)


Chú Út Ân bên vườn lan vừa “hái ra tiền” vừa là niềm vui tuổi về chiều.

Tận dụng diện tích, tạo không gian xanh hay tăng mỹ quan cho môi trường sống… là những mô hình nông nghiệp đô thị đang được nhiều nông dân TP Vĩnh Long linh hoạt lựa chọn- khi mà đất nông nghiệp ngày càng đô thị hóa. Tất nhiên, những mô hình nông nghiệp này phải đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lợi nhuận cao

Hiện trên địa bàn TP Vĩnh Long có các mô hình nông nghiệp đô thị như trồng: hoa lan, rau mầm, kim thanh mai, măng tây xanh; nuôi các loại: ếch ba ba, rắn ri voi… Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Lĩnh- Trưởng Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long cho biết, đây là những mô hình rất có hiệu quả kinh tế và phù hợp với môi trường đô thị. Riêng hoa lan là mô hình lâu năm nhất (từ 2007), với khoảng 30 hộ tham gia.

Là Tổ trưởng Tổ Hợp tác hoa- kiểng Vĩnh Long và cũng là một trong những hộ trồng lan đạt kết quả cao của thành phố, chú Trương Văn Ân (Út Ân) ở Khóm 3 (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho biết: Năm 2007- 2008, mới có vài hộ trồng nhiều (chừng 2.000 gốc) mà cũng không có thị trường tiêu thụ. Đến nay, đã lên mấy chục hộ với khoảng 30.000 gốc lan cymbidium, mokara, vanda, dentro… và có thị trường khá ổn định là các shop hoa tươi trong thành phố.

Lan được bán ra thị trường đa số là lan cắt cành (giá 800 đ/bông, giá mỗi cành tùy vào số bông), còn lại là bán chậu (từ 40.000 đ/chậu). Trước đây chú Ân có gần 5 công vườn trồng xen nhãn, cam… nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên 4 năm nay, chú bắt đầu trồng lan. Hiện chú đang sở hữu khoảng 8.000 gốc lan cho thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Chú vui vẻ: Trồng lan khá nặng vốn đầu tư (khoảng 400 triệu đồng/1.000m2) và cực vì suốt ngày quanh quẩn ở vườn nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cao, “bán mê lắm, có khi 2- 3 ngày cắt một đợt nhưng cũng có khi mỗi ngày mỗi cắt. Nhất là lúc sốt hàng, vườn này lại í ới gọi vườn kia chia sẻ”.

Nhiều người cho rằng, trồng lan rất dễ nản vì nếu không biết cách chăm sóc thì cây sẽ không ra hoa. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 4 năm trong nghề (tất nhiên không ít lần gặp thất bại và rút kinh nghiệm), chú Út Ân cho rằng mình hiểu tính nết từng loại hoa “chỉ cần đi ngang là biết nó đang bị gì, cần gì”. Chú vui vẻ: “Theo tui thì lan không phải là loại hoa khó tính, ăn thua ở chỗ mình cảm nhận, tính toán từ thực tế chớ không chỉ chăm chăm dựa vào sách vở”. Cô Nguyễn Thị Bé Nhỏ- vợ chú Ân cũng nói: “Lúc đầu chỉ có vài chậu làm kiểng cho đẹp mắt nhưng sau thấy ổng mê quá nên tui cũng học chút ít để phụ ổng thêm. Thích nhất là lúc cả vườn nở hoa, cắt không kịp bán, dần tui cũng mê theo”.

Hiện chú đã tự nhân giống thành công gần 3.000 cây giống lan con như hồ điệp, dentro… Chú nói: lợi ích của việc tự nhân giống không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư mà về tình hình sâu, bệnh cũng hạn chế vì cây vốn đã thích nghi, không bị sốc như cây từ nơi khác mang về.

Mô hình trăm triệu

Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân thành phố cũng mạnh dạn chuyển đổi giống vật nuôi với chi phí đầu tư không hề nhỏ như nuôi rắn ri voi, ba ba…

Tận dụng diện tích chuồng trại nuôi heo trước đây, chú Nguyễn Duy Thanh (Khóm 4- Phường 5) thả nuôi 3.000 con ba ba và 350 con rắn ri voi. Chú Thanh nhẩm tính: “Chi phí đầu tư hơn 500 triệu đồng rồi vì ngoài tiền giống, thức ăn, còn phải xây thêm hồ, mua thêm lu khạp…”. Chỉ tay qua mấy trăm lu mới mua để phối giống rắn ri voi, chú nói: “Số lu khạp đó cũng đi đứt 50 triệu đồng”.


Hiện đàn rắn ri voi của chú Thanh đã lớn, giá đang ở mức cao.

Chú cho biết thêm, rắn con mua về chừng 0,3 kg/con nuôi 12 tháng mới đạt trọng lượng chừng 0,8- 1kg, ba ba giống chừng 0,5 kg/con, nuôi từ 20- 24 tháng trọng lượng khoảng 1- 1,5 kg/con thì có thể bán. Chú Thanh thừa nhận: “Tui chịu đấm ăn xôi đầu tư 3 năm rồi nhưng biết chắc chắn có lời nên mới làm”. Bù lại thời gian nuôi dài, giá thường ở mức cao do là “hàng độc”: Ba ba hiện từ 120.000- 350.000 đ/kg (tùy loại nhất, nhì…) và thường có giá cao quanh năm, rắn ri voi đang có giá 300.000- 500.000 đ/kg, cao điểm như tết của người Khmer có thể bán tới 800.000 đ/kg. “Vừa rồi, bán được 1 đợt ba ba nên đã lấy vốn rồi, được giá sẽ bán chừng 500 con nữa. Còn rắn thì đang chăm sóc cho 100 con sinh sản, xong đợt này thì lời được vài chục triệu đồng”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Lĩnh cho biết, mô hình nuôi rắn ri voi, ba ba đòi hỏi cao về kỹ thuật, thời gian chăm sóc dài và chi phí đầu tư khá cao nhưng rất hiệu quả. Cũng theo Trạm Khuyến nông thành phố, hiện có 5 hộ nuôi ba ba ở Phường 5, Phường 3, xã Trường An, Tân Ngãi. Ông Võ Hữu Xuân- Phó Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long cho biết, thời gian qua các mô hình nông nghiệp đô thị có phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Sắp tới, sẽ chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, gần gũi với thiên nhiên để tạo vành đai xanh, tăng tính thẩm mỹ, kết hợp với du lịch vườn sinh thái…

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY