Trong khó khăn, cho cá tra “nhịn đói”

Cập nhật, 06:58, Thứ Ba, 30/10/2012 (GMT+7)

Thời điểm cá tra “dễ nuôi, dễ ăn” đã qua. Những năm gần đây, người nuôi luôn gặp “sóng gió” bởi giá cá luôn ở mức thấp. Để xoay xở trong giai đoạn khó khăn này, biện pháp giảm giá thành trong quá trình nuôi đang được nhiều người áp dụng.


Nuôi cầm chừng “giữ ao” diễn ra khá phổ biến ở huyện Mang Thít.

Ăn 7 ngày, ngưng 2 ngày

Đây là phương pháp nuôi đang được Chi cục Thủy sản Vĩnh Long khuyến khích nhân rộng nhằm hạn chế lượng thức ăn. Kết quả sau khi áp dụng tại một số mô hình, tỷ lệ cá sống của ao cho ăn liên tục là 66,2% và ao cho ăn 7 ngày ngừng 2 ngày là 74,23%. Chi phí sử dụng thuốc và hóa chất ở phương pháp mới này cũng giảm đáng kể.

Theo giải thích của nhiều người nuôi, trong các mô hình nuôi cá tra hiện nay chi phí thức ăn sẽ chiếm từ 70- 80% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Nếu người nuôi thực hiện một ngày cho cá ăn, một ngày nghỉ sẽ vừa tiết kiệm thức ăn mà cá vẫn tăng trưởng tốt.

Cũng áp dụng phương pháp hạn chế thức ăn trong quá trình nuôi cá nhưng theo kinh nghiệm của ông Trương Hồng Hải (Khóm 3- thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) thì không nên hạn chế số ngày mà nên hạn chế số lần ăn trong ngày. Ông Hải giải thích: “Nếu cho cá nhịn ăn từ 1- 2 ngày sẽ làm cá yếu đi, sức ăn giảm sẽ làm lượng mỡ trong cá bị tiêu hao để bù vào lượng cá không ăn, không có thức ăn cá sẽ cạp đất ăn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cá”. Khoảng 2 năm nay, ông Hải áp dụng khá thành công cách nuôi này cho ao cá của mình. Trước đây trung bình cho ăn 2 lần/ngày, tốn khoảng 500kg thức ăn thì hiện cho ăn 1 lần còn chỉ 300kg, tiết kiệm khoảng 30% lượng thức ăn.

Vẫn cần gói hỗ trợ

Hạn chế số ngày hoặc số lần cho cá ăn nhằm giảm chi phí được xem là biện pháp hay cần nhân rộng. Tuy nhiên, về lâu dài người nuôi cá tra vẫn rất cần gói hỗ trợ của Nhà nước để giảm bớt khó khăn. Bởi theo ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long: Giá thành nuôi cá tra hiện nay lên tới 24.000- 25.000 đ/kg, nhưng giá bán cá chỉ còn 22.000đ, người nuôi lỗ khoảng 2.000 đ/kg. Giá thành tăng cao, theo ông Hồ Văn Vàng, do hao hụt khâu con giống khoảng 30%, giá thức ăn tăng 40% so với cùng kỳ và nhiều hộ phải chịu lãi suất ngân hàng quá cao.


Người nuôi cá khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Liên quan gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng đã được Chính phủ thông qua để cứu ngành cá tra, ông Trương Hồng Hải cho biết: Nghe báo đài thông tin nhiều về gói hỗ trợ này nhưng đến nay chưa tới tay người nuôi cá. Hiện ông Hải có 5 ao nuôi, diện tích gần 9.000m2, với gần 600.000 con cá tra. Trung bình mỗi ngày phải mất khoảng 60 triệu đồng để mua thức ăn. “Bây giờ doanh nghiệp khó khăn lắm, trước khi mua họ kiểm tra liên tục xem thịt cá có trắng, đạt trọng lượng không, lơ mơ họ chê liền”- ông Hải nói.

Ông Ngô Minh Nguyên (ấp Hòa Khánh- Vĩnh Thới- Lai Vung- Đồng Tháp) băn khoăn: Hiện cũng không biết rõ phương thức cho vay như thế nào, có thế chấp gì không, vì vậy nguồn vốn hỗ trợ này xem ra còn quá xa xôi với người nuôi cá.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long: Từ đầu năm đến nay, đã có 68 cơ sở nuôi cá tra ngừng hoạt động. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 235 cơ sở nuôi cá với diện tích mặt nước thả nuôi 308ha, giảm 16ha  so với trước. Nhiều hộ cho các công ty thuê ao nuôi, có hộ “treo ao” do không còn đủ vốn đầu tư tiếp.

Ông Hồ Văn Vàng cho biết: Do thời gian dài người nuôi cá tra không thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ 9.000 tỷ đồng nên mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất với các khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất 11% cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Vàng: “Không dễ vay tí nào bởi bây giờ có ông nào nuôi cá tra mà còn tài sản để thế chấp hay không bị nợ xấu nên thực tế có gói hỗ trợ này xem ra người nuôi cá cũng không thể tiếp cận”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- THẢO LY