Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"
Nhiệm kỳ mới, hội tập trung phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. |
Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... xây dựng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Quyết chí làm giàu từ nông nghiệp
Là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, ông Nguyễn Việt Bằng (ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh, TX Bình Minh) đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, quyết chí làm giàu từ nông nghiệp và giúp cho nhiều nông dân cùng vươn lên làm giàu.
Ra riêng với 2 công ruộng, bằng tình yêu với nghề nông và học tập theo Bác Hồ ở tinh thần cần cù, sáng tạo, luôn giúp đỡ mọi người... đến nay ông Bằng có trong tay tròm trèm 100 công đất. “Để vươn lên làm giàu phải tính hiệu quả kinh tế trên mảnh đất đó chứ bao nhiêu đất không quan trọng. Dù nhiều cũng phải tính hiệu quả, lợi nhuận, chớ không để đất phí”- ông Bằng đúc kết.
Hiện, với mô hình kinh tế vườn và kinh doanh vật tư nông nghiệp đã đem đến cho ông Bằng lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và làm việc theo mùa vụ khoảng 15 người.
Trong sản xuất, ông nạo vét mương vườn để trữ nước ngọt chủ động nước tưới cho vườn cây trong mùa khô; xây hồ để ngâm phân bón tưới cây, giúp hạn chế lượng phân bốc hơi; đồng thời sử dụng công nghệ tưới phun giúp giảm chi phí chăm sóc cây, tăng lợi nhuận. Ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, sử dụng thuốc BVTV hợp lý giúp nông dân vươn lên làm kinh tế.
Trong xây dựng NTM, ông Bằng hiến 1.500m2 đất xây trường học và hiến 700m2 đất xây đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, sửa chữa cầu đường; vận động Nhân dân tham gia xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp...
Là một trong những nông dân đi đầu trong chuyển đổi cây trồng ở địa phương, ông Lê Vĩnh Trà (ở Ấp 3, xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình) đã chuyển từ đất ruộng sang vườn trồng 7 công bưởi da xanh và 4 công sầu riêng Ri 6. Học ở Bác đức tính siêng năng và đam mê với công việc, đã đem đến cho ông cuộc sống ấm no với nghề nông. Lợi nhuận từ kinh tế vườn khoảng 600 triệu đồng/năm.
Cùng với việc xây dựng mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu trên cây sầu riêng, ông Trà còn trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP. Dự kiến sắp tới, ông sẽ xây dựng mã số vùng trồng trên cây bưởi. Ông cho rằng: Nhờ sản xuất theo chuẩn VietGAP nên cây cho trái đẹp hơn, bán được giá hơn. Hiện, ông bán trực tiếp cho mối chuyên bán bưởi chưng, bưởi đẹp ở TP Hồ Chí Minh.
“Tuy sản xuất theo quy chuẩn cực hơn, nhưng bù lại là được người tiêu dùng tin tưởng và giữ được mối. Đây là hướng đi tất yếu nên tôi chấp nhận làm cực hơn, để người tiêu dùng ăn sản phẩm do mình làm ra có chất lượng sạch, đảm bảo”- ông Trà chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Như Nguyện- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thạnh, thông qua phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi, ý thức của người dân về vượt khó, lao động sáng tạo ngày càng được nâng lên vì “ai cũng muốn làm giàu trên mảnh đất của mình”. Trước đây, ở địa phương có phong trào bỏ ruộng vườn đi làm công ty, nhưng bây giờ nhiều người muốn quay lại làm nông nghiệp vì nhìn thấy tiềm năng.
Hiện, xã Hòa Thạnh đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, đem lại thu nhập khá cho nông dân như: mô hình trồng măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, nuôi bò sinh sản, nuôi cá bột, nuôi dế...
“Thời gian tới, hội định hướng nông dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ với hệ thống tưới thấm, tưới nhỏ giọt, phun phân thuốc bằng máy bay, sử dụng lúa chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu”- ông Nguyễn Như Nguyện cho hay.
Hội đề ra mục tiêu xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, người nông dân văn minh, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng, năng lực đổi mới sáng tạo. |
Nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ông Bùi Văn Chiều- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội đã vận động hơn 487.540 lượt hội viên, nông dân tham gia đăng ký thi đua SXKD giỏi, phong trào đã tạo sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho hội viên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Qua bình xét, toàn tỉnh có 336.040 lượt hộ nông dân được công nhận hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm 69% số hộ đăng ký và đạt 138% so nghị quyết.
Qua phong trào đã xuất hiện nhiều hộ hội viên có mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao tiêu biểu nhân rộng ở địa phương.
Các cấp hội đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức: giúp về vốn, cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật với kinh phí hơn 104,3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 14.500 hội viên; hỗ trợ hơn 42.000 ngày công lao động, vận động sửa chữa và xây mới 181 căn nhà tình thương hỗ trợ hội viên nghèo còn khó khăn về nhà ở, với số tiền gần 7,5 tỷ đồng.
Qua đó, đã giúp hơn 2.300 hộ hội viên thoát nghèo, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chăm lo về nhà ở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân.
Theo ông Bùi Văn Chiều, với tinh thần “Dân chủ- Đoàn kết- Đổi mới- Hợp tác- Phát triển”, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028 xác định phương hướng chung là: “Xây dựng Hội Nông dân vững mạnh; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng NTM, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững”.
Các hội viên, nông dân đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, quyết chí làm giàu từ nông nghiệp và giúp nhau phát triển kinh tế. |
Cùng với đó, sẽ xây dựng các cấp hội vững mạnh về chính trị, tổ chức và hành động, là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, xây dựng giai cấp nông dân; nâng cao chất lượng hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và quảng bá sản phẩm...
Đồng thời, hội sẽ tiếp tục vận động hội viên, nông dân tích cực thi đua SXKD, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng an toàn thực phẩm; khuyến khích, vận động các nông dân SXKD giỏi, nông dân xuất sắc phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; tích cực tham gia hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân khác phát triển SXKD, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh đề ra mục tiêu: có 60% hộ hội viên đăng ký phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi” và có 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu “Nông dân SXKD giỏi các cấp”; thành lập 60 mô hình “Điểm kết nối tiêu thụ nông sản” và thành lập 8 CLB “Nông dân tỷ phú” cấp huyện. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN