Bánh mì an toàn vệ sinh thực phẩm

07:09, 29/09/2023

So với các loại thức ăn nhanh khác, bánh mì là món phổ biến nhất vì dễ ăn, dễ mua và giá bình dân. Đối với người dân từ thành thị đến nông thôn, một ổ bánh mì pate, xíu mại, chả lụa, thịt quay, kèm dưa chua, nước sốt (hoặc nước tương) là đã có một bữa sáng "lót dạ" bắt đầu một ngày làm việc mới.

So với các loại thức ăn nhanh khác, bánh mì là món phổ biến nhất vì dễ ăn, dễ mua và giá bình dân. Đối với người dân từ thành thị đến nông thôn, một ổ bánh mì pate, xíu mại, chả lụa, thịt quay, kèm dưa chua, nước sốt (hoặc nước tương) là đã có một bữa sáng “lót dạ” bắt đầu một ngày làm việc mới.

Mới đây nhất, vụ ngộ độc thực phẩm cho nhiều người ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) khiến dư luận xôn xao bàn tán. Đến ngày 27/9, cơ quan chức năng tỉnh này đã thông báo kết luận vụ ngộ độc, các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt.

Theo kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang, có 7/12 mẫu thực phẩm là thịt heo xá xíu, chả heo, xíu mại, rau răm, xà lách, hành, dưa leo tại tiệm bánh mì Phượng 2 cho kết quả dương tính với các loại vi khuẩn gây ngộ độc là salmonella spp và bacillus cereus.

Qua kiểm tra, cơ sở bánh mì này đã có 5 hành vi vi phạm về quy định trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó hành vi nghiêm trọng nhất là chế biến thực phẩm gây ngộ độc cho hơn 5 người (mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), theo Nghị định 115 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Tổng mức phạt tiền cơ sở bánh mì Phượng 2 cho các hành vi vi phạm là khoảng 110 triệu đồng. Đồng thời cơ sở cũng sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 3-5 tháng, rút giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra cơ sở còn phải khắc phục hậu quả như chịu chi phí điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc, xét nghiệm mẫu thực phẩm.

Qua vụ việc trên cho thấy, việc kinh doanh hay ra bán một xe bánh mì không hề đơn giản. Nhiều người vẫn nghĩ “bán bánh mì dễ lắm” chỉ cần bỏ ra ít vốn, đầu tư điểm bán, lò giao bánh mì tận nơi, mua vật liệu thịt heo, rau củ… là “ok rồi”. Mặc dù người mua bánh mì khá dễ tính “dồn gì vào ổ bánh mì” cũng được; tuy nhiên, những nguyên liệu như pate, chả lụa, rau sống, dưa chua… người bán dồn vào ổ bánh mì có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì vẫn là điều người tiêu dùng quan tâm.

Nên chăng ngành chức năng cũng cần tăng cường giải pháp quản lý, thường xuyên kiểm tra an toàn thực phẩm với loại hình buôn bán cần có điều kiện này. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã quá muộn!

LÝ AN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh