Tạp hóa - chuyển đổi để thích ứng

Cập nhật, 13:48, Thứ Sáu, 11/11/2022 (GMT+7)
Nhiều người tiêu dùng thích mua hàng ở tạp hóa.
Nhiều người tiêu dùng thích mua hàng ở tạp hóa.
Tiện lợi, thân thiện... nên từ lâu, tạp hóa là kênh bán hàng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, tạp hóa cần cải tiến, chuyển đổi để thích ứng.
 
“Cạnh tranh, lời ít”
 
Nhiều chủ tiệm tạp hóa cho biết, gần đây sức mua giảm đáng kể. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống và do kinh tế khó khăn, giá cả tăng… nên người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”. Đáng nói, sự cạnh tranh gay gắt giữa các tiệm tạp hóa với nhau và cạnh tranh với các kênh bán lẻ hiện đại. Đồng thời, xu hướng mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt đã nhanh chóng tạo ra sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng nên khó khăn mà các cửa tiệm tạp hóa truyền thống phải đối mặt ngày càng cao.
 
Mở tiệm tạp hóa rộng 4m2 ở đường Trần Đại Nghĩa (Phường 4, TP Vĩnh Long) hơn 3 năm nay, cô Nguyễn Thị Năm chia sẻ: “Căn nhà thuê giá 3 triệu đồng/tháng được ngăn đôi để ở và bán tạp hóa kiếm đồng ra đồng vô”. Cô Năm cho biết thêm, bán tạp hóa cho khách quen xung quanh là chủ yếu, tiền lời đủ trả tiền thuê nhà (chứ chưa tính tới tiền điện, nước). Từ lúc bán thêm nước giải khát, bia, gạo... thì kiếm thêm được một khoản đủ sống, có khi còn bù lỗ cho hàng tạp hóa lúc bán chậm. Cũng theo cô Năm, người bán tạp hóa bây giờ hầu như không còn chọn theo hình thức gối đầu vì lo rủi ro nợ nần, thay vào họ đầu tư vốn để mua đi bán lại. “Ngày càng có nhiều chỗ bán nên chỉ cần món hàng mình bán ra nhỉnh hơn 1.000đ là khách không mua. Do đó, bán tạp hóa theo kiểu muốn lời nhiều thì chắc chắn không có khách” - cô Năm nói.
 
Tùy vào nguồn vốn, sức mua và những biến động của thị trường mà chủ tiệm tạp hóa sẽ tính toán số lượng hàng hóa cần nhập vào. 10 năm bán tạp hóa trên đường Mậu Thân (Phường 3 - TP Vĩnh Long), cô Hồng tâm sự: “Người bán tạp hóa phải biết liệu cơm gắp mắm, không phải có vốn mạnh là thẳng tay nhập hàng ồ ạt mà phải tính số lượng hàng đã bán, coi sức mua của mặt hàng này mạnh hay yếu thì lần sau nên nhập bao nhiêu là vừa”. Về sức mua thời gian gần đây, cô Hồng cho biết: “Tôi bán đã lâu năm, lượng khách cũng ổn định nhưng thấy sức mua không bằng lúc trước”. Cô Hồng cho biết thêm, tiệm chỉ có cô với ông xã chia nhau bán, lúc đông khách có người hỏi “sao không mướn thêm người bán phụ cho đỡ cực” nhưng “nghề tạp hóa bây giờ muốn kiếm đồng lời đã khó nên phải chịu cực để lấy công làm lời”.
 
Chị Phượng - một chủ tiệm tạp hóa ở Phường 8 (TP Vĩnh Long) than thở: “Tiền lời đã ít mà còn bị chôn vốn vì nhiều người mua thiếu, có người thiếu lâu chưa trả. Nợ ghi sổ lên đến 70 - 80 triệu đồng”. Cũng ở Phường 8, chị Lan - chủ một tiệm tạp hóa lớn có 2 mặt tiền tại ngã ba thì cho biết: “Nhà tui 3 người đứng bán suốt từ 6 giờ sáng tới 9, 10 giờ đêm, lễ Tết càng không thể nghỉ vì sợ mất mối. Rất vất vả mà tính ra tiền lời cũng không nhiều nên đang có dự định nghỉ bán, chuyển sang cho thuê mặt bằng”.
 
Cần chuyển đổi
 
Dì Phạm Thị Ba ở Long Hồ nhớ lại, hơn 20 năm trước cả xóm chỉ có mấy tiệm tạp hóa, mà nhà nào khá giả trong xóm mới mở được tiệm. Vì ngoài bán lấy tiền liền, các tiệm này còn bán thiếu tới mùa lúa trả. Sau này, đường sá mở ra nhiều hơn, tạp hóa lớn nhỏ cũng có nhiều đổi khác.
 
Tan tầm, chị công nhân Lê Hồng Liên ở Tân Phú (Tam Bình) ghé tạp hóa ngay đường rẽ về nhà mua gia vị, sữa bột và bánh kẹo... Chị Liên cho biết, tranh thủ mới lãnh lương mua các thứ đủ dùng cho một tháng. Chị cũng cho biết thêm, thường chọn các tiệm tạp hóa lớn có nhiều mặt hàng để mua cho tiện, khỏi ghé nhiều nơi.
 
Không chỉ chọn mua ở tạp hóa lớn, đầy đủ các mặt hàng, nhiều người còn thích mua ở những nơi có các phương thức tính tiền hiện đại, giao hàng tận nơi… Chị Phạm Quỳnh Trang ở Tân Hạnh (Long Hồ) cho biết, vài lần ghé các tiệm tạp hóa gần nhà nhưng không mang theo nhiều tiền mặt, hỏi chủ tiệm “có nhận chuyển khoản không” thì chủ tiệm trả lời “không có”.
 
Trong khi, tiệm tạp hóa ở một số nơi khác không chỉ nhận chuyển khoản mà còn có cả máy quẹt thẻ, máy tính tiền; có chương trình mua hàng tích điểm đổi quà, giảm giá và còn có giao hàng tận nơi. Theo chị Trang, tạp hóa cần hiện đại hóa như các cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, cần quan tâm chất lượng, nguồn gốc hàng hóa đảm bảo chất lượng để người tiêu dùng an tâm chọn mua.
 
Tạp hóa cần chuyển đổi, đảm bảo chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Tạp hóa cần chuyển đổi, đảm bảo chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận - chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bán lẻ, cả nước hiện có hơn 9.000 chợ truyền thống, khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ, chiếm trên 60% thị phần bán lẻ và đem lại doanh thu trên dưới 10 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, ngay chính trong kênh tạp hóa truyền thống cũng có sự cạnh tranh với nhau khi số lượng phân bổ quá dày đặc. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhanh hơn xu hướng mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Chính sự chuyển dịch nhanh chóng này đã tạo áp lực lên các tiệm tạp hóa và chợ truyền thống.
 
Theo Vietnam Credit, năm 2021 chứng kiến tốc độ phát triển của thị trường thương mại điện tử ở mức 18% theo năm, đưa Việt Nam dẫn đầu trong số các nước Đông Nam Á về sự tăng trưởng của mô hình kinh doanh này. Hiện các ngành kinh tế đều đang đẩy mạnh số hóa, công nghệ hóa, trong đó mục tiêu tiến đến việc không sử dụng tiền mặt. Do đó các tiểu thương, tiệm tạp hóa truyền thống cần phải chuyển đổi để thích ứng với xu hướng mới.
 
Bài, ảnh: SÔNG HẬU - THẢO TIÊN