Để phát triển sản phẩm OCOP bền vững

01:11, 29/11/2022

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với tiềm năng, lợi thế, điều kiện sản xuất của từng vùng.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chương trình OCOP đã góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế.

(VLO) Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với tiềm năng, lợi thế, điều kiện sản xuất của từng vùng.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP, nhiều địa phương gần như cũng chỉ dừng lại ở mức độ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khả năng thương mại còn thể hiện nhiều hạn chế.

Chương trình OCOP: Hiệu quả, sức lan tỏa mạnh mẽ

Ông Đặng Quý Nhân - Phó Trưởng Phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM Trung ương, cho biết: “Sau 4 năm triển khai, có thể khẳng định chương trình OCOP có sự lan tỏa mạnh mẽ và được triển khai rộng rãi trên 63 tỉnh thành, phù hợp với định hướng phát triển của nông nghiệp.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương có chính sách riêng để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

Chương trình OCOP khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang liên kết chuỗi giá trị khép kín, với vai trò chính là các HTX và doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, theo ông Nhân, chương trình OCOP đã góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì đa dạng, thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường.

Góp phần bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, hiện có 5.400 làng nghề (2.000 làng nghề truyền thống) và 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động.

Đến năm 2025, cả nước sẽ có 10.000 sản phẩm OCOP, ít nhất 50% sản phẩm được đánh giá phân hạng, ưu tiên phát triển HTX, phấn đấu 40% chủ thể là HTX.

Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp - PTNT, thời gian qua, nông sản Vĩnh Long đã hình thành các chuỗi giá trị nông sản.

Các sản phẩm OCOP cũng được ưu tiên phát triển theo các làng nghề như: sản phẩm làng nghề (bánh tráng nem cù lao Mây, tàu hủ ky Mỹ Hòa, bánh tráng giấy Tường Lộc), sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng (các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, bưởi Năm Roi, khoai lang…) trái cây đặc sản (chôm chôm, cam sành, thanh long, sầu riêng), sản phẩm thủ công mỹ nghệ (đan đát từ lục bình, lác, giấy phế thải), sản phẩm khởi nghiệp...

Vì vậy, sản phẩm OCOP của Vĩnh Long rất có thế mạnh để đa dạng chuỗi giá trị ngành hàng, tập trung phát triển theo các chương trình, dự án
của tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 73 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 27 sản phẩm đạt 4 sao). Ước đến cuối năm 2022 có thêm 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, chương trình OCOP đã tạo một kênh riêng cho các sản phẩm tìm được thị trường và nâng cao kỹ năng trong sản xuất và kinh doanh.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Đặc biệt các sản phẩm đã qua chế biến, sản phẩm khởi nghiệp, giúp cho các tổ chức, cá nhân từng bước khẳng định thế mạnh, thương hiệu sản phẩm.

Cần giải pháp đồng bộ

 

Cần có nhiều giải pháp đồng bộ và có hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương.
Cần có nhiều giải pháp đồng bộ và có hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình OCOP vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể, theo ông Lê Viết Bình- Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp- PTNT khu vực phía Nam:

Hiện nay đang tồn tại thực trạng số lượng các sản phẩm OCOP tăng nhanh một cách ồ ạt, các địa phương chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù nên chất lượng cũng như hiệu quả của chương trình OCOP chưa cao. Việc phát triển sản phẩm OCOP còn rời rạc, không có sự liên kết.

Cho rằng, HTX vẫn chưa phát huy hết tiềm năng trong đóng góp phát triển sản phẩm OCOP - ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT nói: “Hiện có hơn 19.000 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% số HTX của cả nước.

Tuy nhiên, trong hơn 8.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên chỉ có 40% sản phẩm có chủ thể là HTX và tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP”.

Để phát triển HTX gắn với sản phẩm OCOP, theo ông Tiến, chính quyền địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phát triển HTX gắn liền với xây dựng sản phẩm OCOP.

Đặc biệt cần nâng cao nhận thức, khuyến khích chủ thể sản phẩm OCOP phát triển, bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ HTX về nguồn vốn, hạ tầng, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: Chương trình OCOP đã có những kết quả tích cực. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP rất phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn về mẫu mã, giá cả, thị trường, các chủ thể chưa có bước sẵn sàng từ công tác quản lý, thị trường. Để phát triển bền vững, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và có hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Để phát triển bền vững sản phẩm nông sản của tỉnh, trong đó có sản phẩm OCOP trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Liêm cho hay, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, thúc đẩy xuất khẩu nông sản; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản và các chương trình xúc tiến thương mại nông sản; truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng,...

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh