Giúp nhau làm giàu, xây nông thôn mới

Cập nhật, 16:25, Thứ Tư, 21/12/2016 (GMT+7)

Chúng tôi đến ấp Phú Tân (xã Phú Lộc- Tam Bình) dự buổi sinh hoạt “3 chi +1” cùng những cựu chiến binh (CCB).

Bên lề cuộc họp, chúng tôi nghe râm ran câu chuyện “mần ăn” của những người lính Cụ Hồ cùng các đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Từ ý thức vươn lên của thế hệ đi trước đến sự phấn đấu của lớp trẻ hôm nay đã góp phần tô điểm cho ấp vùng sâu thêm tươi mới.

Nhờ được chi hội hỗ trợ mà ông Mười (bìa trái) có điều kiện đầu tư cho vườn ổi.
Nhờ được chi hội hỗ trợ mà ông Mười (bìa trái) có điều kiện đầu tư cho vườn ổi.

Chuyện làm giàu của thế hệ đi trước

Xe chúng tôi bon bon chạy trên con đường đê dẫn đến ấp Phú Tân. Nơi đây 1 năm trước còn bùn lầy, vào mùa mưa chỉ có nước cuốc bộ chứ không thể nào chạy xe tới. Đến nay, con đường như khoác lên mình chiếc áo mới- được trải đá thông suốt đến cuối tuyến giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

Có được con đường này cũng nhờ Chi hội CCB ấp làm chủ công, đứng ra “bán đồng” (cho chủ vịt chạy đồng), với 35 triệu đồng/năm. Rồi chi hội đứng ra phối hợp với chi đoàn TN ra quân dọn dẹp cây che chắn lề đường, rải đá, trồng hoa tạo vẻ mỹ quan trên 3 tuyến đường dài hơn 10.000m.

Theo ông Nguyễn Văn Xuân- Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp, đây là một trong những hoạt động thiết thực góp phần cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt tiêu chí về giao thông. Song, mục tiêu trọng tâm được các cấp ủy Đảng đặc biệt quan tâm là nâng cao thu nhập người dân. Do đó, chi hội luôn chú trọng phát huy phong trào giúp nhau nâng cao đời sống, mang lại hiệu quả khả quan.

Trong đó, CCB Nguyễn Văn Tám đã vươn lên vượt khó từ sự hỗ trợ của các cấp hội. Trước đây, ông Tám nuôi vịt bị thất bại, phải bán đất để trả nợ.

Mỗi ngày, ông Tám (ngồi, bên phải) đều có thu nhập từ chăn nuôi vịt.
Mỗi ngày, ông Tám (ngồi, bên phải) đều có thu nhập từ chăn nuôi vịt.

Chi hội đã giúp ông vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi sản xuất. Sau đó, hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà “Mái ấm đồng đội”. Bản thân ông Tám cũng rút kinh nghiệm và từng bước đưa ra hướng sản xuất mới.

Cụ thể, 3 năm nay, ông không làm lúa lấp vụ mà nuôi cá trên ruộng lúa. “Nhờ vậy cũng “bỏ túi” được 6 triệu đồng/vụ, trong khi làm lúa vụ 3 lời rất ít, thậm chí là huề vốn”- ông Tám nói. Song, điều làm ông khá “ưng bụng” là tiết kiệm được một nửa tiền phân bón cho vụ Đông Xuân vì đất đã lấy lại độ màu mỡ nhờ nuôi cá.

Vào mùa mở đồng, ông Tám còn nuôi 1.000 con vịt chạy đồng, khi đồng đóng thì dí nuôi 350 con vịt và đàn heo hơn 40 con. Ông nói: “Khi đồng đóng thì chỉ lời chừng trăm ngàn mỗi ngày, còn lúc đồng mở thì “lụm” cả triệu đồng mỗi ngày”.

Sau bao năm làm ăn bị thua lỗ, CCB Trần Văn Mười chuyển sang trồng ổi và chăn nuôi bò. Cũng nhờ chi hội đứng ra giới thiệu cho vay ưu đãi 20 triệu đồng cộng với nguồn quỹ hỗ trợ của chi hội mà ông từng bước vực dậy kinh tế gia đình.

“Mỗi khi kẹt tiền phân thuốc hay mua thêm bò mà thiếu tiền, tui hỏi mượn là được ưu tiên giúp. Nhờ vậy mà tui có điều kiện trả dần nợ và nhân rộng đàn bò lên 5 con. Còn vườn ổi cũng tạm đủ trang trải lo cho 2 con ăn học”- ông Mười cười tươi.

Thanh niên chí thú làm ăn

Chi đoàn ấp Phú Tân chỉ có 12 ĐV, nhưng hàng tháng vẫn tổ chức được buổi sinh hoạt hấp dẫn, thú vị. Anh em còn học hỏi nhau cách làm ăn, tương trợ vốn để phát triển kinh tế. Anh Tô Hoàng Hớn- Bí thư Chi đoàn ấp cho biết: Trước đây, nhiều TN không thiết tha với Đoàn vì cho rằng sinh hoạt còn khô cứng, hình thức.

Nay, với mô hình sinh hoạt “3 chi +1” đã phát huy vai trò lãnh chỉ đạo của chi bộ, nâng cao vai trò gương mẫu của chi hội CCB, giúp chi đoàn TN hoạt động có hiệu quả và CLB cựu quân nhân đi vào nề nếp sinh hoạt ổn định.

Hiểu được tâm lý của ĐV nông thôn “không thích hình thức, rườm rà”, nên mỗi buổi sinh hoạt thường khoảng 1 giờ, với phương châm: cô đọng, hiệu quả. Sau đó, giao lưu văn nghệ vui tươi.

Anh Nguyễn Thanh Nhàn- đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt chi đoàn cười tươi: Ngoài góp sức tham gia các phong trào xây NTM ở địa phương, anh em còn được giúp vốn làm ăn. Chi đoàn thật sự đã là nơi góp tay “nuôi nấng” các thế hệ ĐV trưởng thành, vươn lên khá giàu.

Tốt nghiệp trung cấp thú y, anh Nhàn từng đi làm ở các trại heo giống lớn. Bằng kinh nghiệm vốn có, anh đăng ký chương trình vay vốn dành cho ĐV. Hiện, anh có đàn heo 500 con, 10 con bò và 13 công ruộng.

Anh nói: “Nhà có vợ chồng tôi và cha mẹ già thôi, bao nhiêu đó việc cũng đủ bù đầu, nhưng tháng nào tôi cũng tham gia sinh hoạt Đoàn vừa giảm căng thẳng, vừa gặp anh em để chia sẻ kinh nghiệm”. Ngoài ra, anh còn mở dịch vụ điều trị bệnh trên gia súc, gia cầm trong và ngoài xã. “Mỗi năm, thu lời khoảng 400 triệu đồng”- anh Nhàn khoe.

Anh Phạm Trọng Tính- Phó Trưởng ấp Phú Tân nói: “Cũng nhờ nguồn vốn vay khi còn là ĐV, tôi đã đầu tư chăn nuôi bò, đến nay đã nhân lên được 5 con. Sau nhiều năm nuôi, tui cũng rút ra kinh nghiệm là nuôi bò sinh sản không thể nuôi thúc như bò thịt, phải có chế độ ăn riêng”.

Theo anh Tô Hoàng Hớn, hiện có 8 ĐV được vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng/người để chăn nuôi, trồng trọt; chi đoàn còn tổ chức góp vốn xoay vòng để giúp nhau làm kinh tế. Điều đáng phấn khởi là, chi đoàn không có hộ ĐV nghèo, nhiều TN còn vươn lên khá giàu.

Riêng anh Tô Hoàng Hớn, là bí thư chi đoàn ấp, công việc khá bộn bề nhưng không quên nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình. Anh nói: Ngoài nhiệm vụ với tổ chức thì phát triển kinh tế cũng rất quan trọng, bởi không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp công xây dựng NTM đạt tiêu chí thu nhập.

 
Ông Nguyễn Văn Xuân: Năm 2012- 2016, chi hội đã hỗ trợ 26 hội viên vay vốn từ Ngân hành Chính sách xã hội với 335 triệu đồng; vận động 115 triệu đồng cất và sửa nhà, gây quỹ gần 13 triệu đồng giúp nhau mượn không tính lãi... Nhờ vậy, đời sống hội viên ngày càng khá.

 Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- CAO HUYỀN