Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần sự quyết đoán từ doanh nghiệp

08:02, 24/02/2023

Vĩnh Long đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN SMEs) chuyển đổi số (CĐS) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế thật sự rất cần sự quyết tâm của DN cũng như chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả công cuộc CĐS trong thời gian tới.

 

Vĩnh Long đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN SMEs) chuyển đổi số (CĐS) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế thật sự rất cần sự quyết tâm của DN cũng như chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả công cuộc CĐS trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng quan tâm hơn đến các nền tảng số để thực hiện chuyển đổi số trong đơn vị.  Ảnh minh họa: KHANH DUY
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng quan tâm hơn đến các nền tảng số để thực hiện chuyển đổi số trong đơn vị. Ảnh minh họa: KHANH DUY

CĐS trong cộng đồng DN SMEs

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ DN SMEs thực hiện CĐS giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy việc CĐS trong các DN SMEs, thông qua việc áp dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là các DN, đặc biệt là DN SMEs, HTX, hộ kinh doanh có nhu cầu CĐS. Ngoài ra còn có các DN nền tảng số, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện, trường có các công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động CĐS trong DN.

Trước thực tế cần phải CĐS trong giai đoạn phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ, kinh tế hội nhập toàn cầu, các DN trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước tiếp cận cũng như tìm hiểu để lựa chọn, áp dụng các công nghệ cho phù hợp với tình hình của từng đơn vị. Bà Nguyễn Thị Đoàn- Giám đốc Mobifone tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2022, đơn vị đã có những hoạt động tham mưu và kết nối với Sở Thông tin- TT cũng như đã ký hợp tác với UBND tỉnh thực hiện CĐS giai đoạn 2022- 2025 và được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao.

“Bản thân Mobifone là DN viễn thông nên đã tiếp cận được với các đơn vị, DN có nhu cầu CĐS. Qua đó cũng đã thực hiện nhiều chương trình, giới thiệu nhiều sản phẩm phục vụ công tác CĐS thông qua các hội nghị, hội thảo”- bà Nguyễn Thị Đoàn cho biết.

Hiện nay, Mobifone tỉnh Vĩnh Long có các giải pháp phục vụ công tác CĐS cho DN như văn phòng thông minh, chữ ký số điện tử, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, các giải pháp công nghệ tiết kiệm nguồn nhân lực,… “Đơn vị cũng đã cam kết đồng hành trong hoạt động CĐS cũng như đưa ra nhiều chính sách ưu đãi từng ngành nghề, từng lĩnh vực, hoặc sử dụng thử dịch vụ… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các DN tiếp cận và tìm hiểu về các nền tảng công nghệ số”- bà Đoàn chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long cho biết, hiện nay, có nhiều chương trình giới thiệu về CĐS trong cộng đồng DN, nhất là các DN SMEs. Qua đó, các DN có sự quan tâm cũng đã tìm hiểu CĐS phù hợp với điều kiện của DN mình. “Cái mà DN hiện nay muốn hướng đến chính là áp dụng CĐS phải đi đến hiệu quả, CĐS gắn với cấu trúc lại bộ máy và điều này phải có lộ trình cần thiết”- ông Nam chia sẻ.

Cần sự quyết đoán từ chính DN

Theo ông Nam, thực hiện CĐS hiện nay ở các DN nói chung, các DN SMEs nói riêng trên địa bàn nhìn chung chỉ mới bước đầu tiếp cận, chưa ứng dụng nhiều đến các nền tảng số. Có thể nói một số khó khăn chủ yếu của DN hiện nay trong việc CĐS là việc ngại thay đổi hoạt động truyền thống, thiếu nhân sự CĐS và nhận thức của chính bản thân chủ DN.

“Người đứng đầu DN cần phải hiểu và quyết đoán trong công tác CĐS trong thời đại mà CĐS đang là xu hướng phát triển toàn cầu. Vấn đề kinh phí không phải là điều tiên quyết về việc CĐS mà chính là sự quyết tâm của chính bản thân người đứng đầu DN. Nếu ngại thay đổi thì hoạt động CĐS trong DN sẽ không thành công”- ông Nam chia sẻ.

Theo bà Đoàn, hiện nay, nhiều đơn vị, DN chưa thật sự quan tâm nhiều đến CĐS, ngại tiếp cận do lo sợ ảnh hưởng đến các điều kiện hoạt động hiện tại. Ngoài ra, cả người đứng đầu DN và người lao động cũng ngại thay đổi dẫn đến nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, ứng dụng nền tảng số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên tiếp cận các nền tảng số thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Trong ảnh: Doanh nghiệp tham gia hội nghị “Giải pháp xây dựng kế hoạch kinh doanh và hệ thống quản trị doanh nghiệp theo mô hình BGS Global do Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long tổ chức. Ảnh: TL
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên tiếp cận các nền tảng số thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Trong ảnh: Doanh nghiệp tham gia hội nghị “Giải pháp xây dựng kế hoạch kinh doanh và hệ thống quản trị doanh nghiệp theo mô hình BGS Global do Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long tổ chức. Ảnh: TL

“Muốn CĐS thành công, DN, người đứng đầu DN phải tiếp cận với các nền tảng công nghệ thông tin một cách… máu lửa. Ngoài ra, khi triển khai cũng cần đưa ra các tiêu chí đánh giá về công tác CĐS, có đánh giá, có tổng kết và rút kinh nghiệm trong hoạt động CĐS. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong việc tiếp cận chủ trương CĐS, có hỗ trợ tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực CĐS. Đặc biệt là có các chương trình hỗ trợ vốn để DN thực hiện CĐS được thuận lợi”- bà Đoàn cho biết.

Đứng trên góc độ là một DN cung cấp các dịch vụ viễn thông, bà Đoàn cho rằng, thời gian tới, tỉnh nên làm việc với những đơn vị viễn thông lớn trên địa bàn để đánh giá toàn diện về những lợi thế, thế mạnh của từng đơn vị để có sự “phân công” hợp lý cùng nhau thực hiện công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh. Qua đó cùng nhau phát triển một cách lâu dài và bền vững.

Trong khi đó, theo ông Nam, thực hiện CĐS hiện nay ở các DN là một quá trình và cần thực hiện theo lộ trình phù hợp. “Có thể lựa chọn một mô hình hiệu quả để nhân rộng. Ngoài ra, các đơn vị viễn thông lớn của tỉnh cũng cần giới thiệu các giải pháp, mô hình cụ thể để giúp DN hình dung xem DN mình cần gì. Tránh tình trạng đa số DN đòi hỏi gói hỗ trợ CĐS lớn nhưng tận dụng không hết sẽ gây lãng phí, không hiệu quả trong quá trình CĐS”- ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, hiện nay có rất nhiều công cụ để CĐS, các DN viễn thông của tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để các DN, nhất là DN SMEs tiếp cận CĐS. Quan trọng nhất là các DN phải biết mình cần gì và hiệu quả CĐS như thế nào. Hiện nay, kinh tế toàn cầu phát triển, công tác quản lý bán hàng, quản lý doanh số, quản lý nhân sự,… bằng nền tảng công nghệ số rất phổ biến. Do đó, đây là một quá trình chuyển đổi tất nhiên nếu DN muốn tồn tại, phát triển. Quan trọng là sự quyết tâm của DN trong việc chuyển đổi mô hình cũ sang mới phù hợp với xu thế…

KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh