Chuyển đổi số đảm bảo an toàn thông tin

Cập nhật, 15:22, Thứ Tư, 21/12/2022 (GMT+7)

Sở Thông tin- TT tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức đánh giá tình hình triển khai chuyển đổi số, an toàn thông tin năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Báo cáo cho thấy, trong thực hiện xây dựng dự án Chính quyền điện tử, tỉnh đã thực hiện đầu tư nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đáp ứng yêu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong nội bộ tỉnh và kết nối với các dịch vụ do các bộ, ngành chia sẻ. Các ứng dụng trong thí điểm Dịch vụ đô thị thông minh đều kết nối và chia sẻ, tập trung và thông suốt cho người sử dụng. Trong năm 2021, chuyển đổi số của tỉnh tăng 20 bậc so với năm 2020 (năm 2021: 32/63; năm 2020: 52/63), trong đó các tiêu chí an toàn thông tin mạng tăng 29 bậc (năm 2021: 8/63; năm 2020: 37/63) là một thuận lợi để thúc đẩy công tác bảo đảm an toàn thông tin ngày càng nâng cao.

Hạ tầng, ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh được từng bước được đầu tư vận hành và ổn định, thông suốt đáp ứng xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh. Triển khai, vận hành ổn định hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh phục vụ hoạt động hỗ trợ giám sát, phòng chống tấn công mạng và điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Tại cuộc họp, bà Đoàn Hồng Hạnh- Giám đốc Sở Thông tin- TT cho biết, thời gian tới, sở tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; triển khai Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), Trung tâm giám sát ATTT mạng cấp tỉnh; tổ chức thực hiện kế hoạch để thúc đẩy triển khai và sử dụng các nền tảng số quốc gia và của tỉnh; triển khai nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin- TT…

Tin, ảnh: TẤN ANH