Truyện ngắn: Kiếp bóng rỗi

Cập nhật, 05:10, Chủ Nhật, 16/04/2023 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

HOÀNG KHÁNH DUY

Mâm quả đã được bày biện, gà luộc chéo cánh, khói nhang nghi ngút trong đình. Nghi lễ được thực hiện sau mùa gặt, lúa đã suốt từ nhiều hôm trước, phơi khô và yên vị trong bồ. Mấy chiếc ghe mua lúa được dịp qua lại kình kịch trên sông, khói từ máy dầu khè ra bảng lảng cả một quãng sông dài đến tận bến nước dẫn lên đình làng.

Từ sớm người trong làng đã tụ tập ra đình. Đám con nít rời tay người lớn chạy tíu tít. Sợ chúng làm chộn rộn trong nhà chầu (gian giữa) và chính tẩm (gian cuối)- nơi thờ phượng các vị thần, các chiến sĩ trận vong, những người có công với đất nước, thằng Bầu í ới rầy, dọa các thần “bẻ dò”, đám trẻ sợ rút sạch ra sân không còn một bóng.

Thằng Bầu lại chạy ra gian bên cạnh coi các bà, các cô, các chị chặt gà, trộn gỏi, chạy ra ngoài trước coi nước nôi, trà bánh đãi khách… Nếu vắng thằng Bầu, chắc cái đình làng này sẽ buồn hiu hắt, mỗi dịp lễ lạt không có ai chạy ra chạy vào. Thằng Bầu như một kẻ đang góp phần giữ lấy linh hồn cho đình làng giữa cái xứ khỉ ho cò gáy.

Cơm nước xong xuôi, bụng dạ đã chắc, Tư Hùng ngồi vào bàn vẽ mặt. Thằng Bầu đứng chắp tay sau đít dựa người vào cột nhà nhìn Tư Hùng lấy phấn bôi trắng từ mặt xuống cổ, xuống tay, vẽ lông mày, kẻ mắt sắc lẹm, tô môi đỏ chót, nó tò mò hỏi:

- Chú Hùng, đàn ông mà cũng trang điểm được nữa sao?

Tư Hùng nói, tay vẫn hí hoáy vẽ trên nền mặt đã bôi trắng:

- Được mậy, múa bóng phải vẽ mặt.

- Để làm gì vậy chú Hùng?

- Để đẹp, để giống mấy vị thánh thần, để tỏ lòng tôn kính thần linh…

Thằng Bầu thôi hỏi. Nó để cho Tư Hùng tập trung vẽ mặt vì sắp sửa tới giờ múa bóng. Ngoài vỏ ca người làng đang đợi để coi những tiết mục múa dâng bông, dâng mâm vàng, dâng lộc lên Thánh Mẫu. Người làng đã ngồi ngay ngắn vào những hàng ghế được xếp phía trước, ghế không đủ, có người còn lót dép ngồi ra giữa sân đình. Nhạc hát rỗi cũng đã chuẩn bị sẵn cả rồi. Tất cả chỉ còn chờ Tư Hùng sửa soạn, thay quần áo và bắt đầu nghi thức múa bóng.

Trong làng ai cũng quen mắt với những màn trình diễn múa bóng rỗi được biểu diễn ở đình, miếu vào những đợt lễ lớn. Thằng Bầu cũng quen bởi nó với ông già tám mươi lụm khụm đã coi giữ cái đình này từ khi còn là đứa con nít mồ côi, một buổi chiều, người trong làng thấy nó thủng thẳng theo sau lưng ông già về xóm, tay nắm sợi dây dắt theo con chó mực cao cẳng cụt đuôi.

Mấy năm sau, thằng Bầu lớn, con mực lại bệnh chết, thằng Bầu tiếc chảy nước mắt. Ông già khuyên nó số chó là số khổ, nó chết rồi đỡ khổ hơn. Mà có thiệt là đỡ khổ hay không, hay cũng như thằng Bầu, sống mà không biết mặt tía má, không biết quê hương bản quán.

Không có cái đình này, nó lấy gì che nắng, che mưa. Bởi vậy nó thương cái đình và chăm chút cho đình làng sạch sẽ từ miếng gạch tàu lót ngoài sân đến từng cái lư hương trước tượng Thần Thành hoàng, tượng Nữ Thần, tượng Đường Tăng, Tề Thiên Đại Thánh…

Bóng rỗi là nghi thức quen mà năm nào người làng này cũng góp tiền thuê người về múa bóng, hát rỗi, nhưng người đàn bà năm ngoái múa bóng đã ngoài tám mươi, đã về chầu trời rồi.

Tưởng đâu năm nay sẽ không ai biểu diễn bóng rỗi, thì đầu mùa lúa Tư Hùng về xóm, làng mừng như nắng hạn gặp mưa rào, Tư Hùng được thuê múa bóng để kiếm cơm đắp đổi qua ngày.

Thằng Bầu vừa mừng vừa thấy lạ lạ, nhất là cái cảnh đàn ông mà lại ngồi vẽ vời mặt mũi, mặc áo dài, váy xòe, đầu đội tóc giả, độn thêm đôi gò bồng đảo như đàn bà rồi uốn éo thân mình, múa những điệu múa thật dẻo trước bàn thờ các vị thần. Thằng Bầu nhìn không quen mắt.

Nhạc lên, Tư Hùng yêu kiều bước ra, đôi tay hoa hoa một điệu múa quen mà thằng Bầu đã bắt gặp đâu đó trong những buổi biểu diễn văn hóa dân gian Nam Bộ trước sân đình trong các dịp lễ, Tết hoặc cúng kiến sau mùa gặt lúa.

Tay Tư Hùng dẻo. Mặt Tư Hùng có thần. Tư Hùng diễn rất đạt, nhìn như nữ thần đang thực hiện nghi thức dâng phẩm vật lên các vị thần được tôn sùng và thờ phượng trong đình. Những tràng vỗ tay rôm rả trong vỏ ca. Hứng thú nhất là đám con nít, có những đứa lần đầu được coi múa bóng rỗi, thấy Tư Hùng vẽ mặt vẽ mày, thành ra sợ, khóc thét.

Sau tiết mục múa dâng bông trang, dâng đèn, dâng rượu, Tư Hùng bắt đầu biểu diễn những trò tạp kỹ như múa lu, múa khạp, múa ghế, nghĩa là đưa chiếc lu lên đầu rồi giữ thăng bằng, hoặc lấy chân bàn chống lên trán rồi giữ yên không cho cái bàn gỗ rớt xuống.

Tư Hùng làm điêu luyện lắm, tay ông xòe cong hình cánh quạt, chân ông nhún nhảy những điệu múa rất duyên. Kinh dị nhất là màn nuốt kiếm và ngậm lửa. Những người coi nhắm mắt lại, tim đập thình thịch, mặt cắt không còn hột máu. Tư Hùng diễn xong, miệng mồm dính đầy lọ đen xì.

Sau khi cúi chào khán giả, ông cầm hai tà áo dài gọn một bên rồi chạy ra sau đình, khạc cho ra mớ xăng ngậm trong miệng để giữ lửa lúc nãy. Trong đờm Tư Hùng lẫn những vệt máu tươi rói.

*

Nghi lễ diễn ra xong, gà cúng thần đã nguội, bữa tiệc bắt đầu diễn ra. Mấy người đàn bà trong xóm khệ nệ bưng nào gà xé phay, gỏi chuối ghém, thịt kho trứng vịt, chả giò… chia đều ra từng bàn.

Gột rửa lớp phấn son bôi trét bên ngoài, Tư Hùng lại trở về làm người đàn ông như trước. Tuy vậy, vì nhiều năm bôi son trét phấn đi diễn, toàn những thứ kem phấn rẻ tiền nên thành ra da mặt ăn nắng, nám đen. Thằng Bầu được “đặc cách” ngồi chung với ông già coi đình, Tư Hùng và vài vị khách mời. Nó ngồi bên Tư Hùng suốt. Dường như ở Tư Hùng có cái gì thu hút thằng con trai ấy, để nó cứ tíu tít hỏi ông Tư đủ mọi chuyện trên đời.

- Làm nghề này sướng hông, chú Hùng?

- Cực chết luôn mậy.

- Vậy sao chú theo?

- Tại tao mắc nợ đó.

Ông Tư trả lời tỉnh queo, thiệt bụng thiệt dạ. “Sướng nỗi gì cái nghề vẽ vời mày mặt, đàn ông hóa đàn bà, lúc múa bóng thì tâm hồn đàn ông mà cái xác của đàn bà, đến chừng múa xong lại trở về cái kiếp đàn ông, bị gièm pha đủ đường, bị người ta coi rẻ”- Tư Hùng nói vậy. Tự dưng thằng Bầu buồn ngang hông. Tâm trạng của thằng nhỏ đối lập hoàn toàn với lúc xem ông Tư múa máy tay chân, diễn tạp kỷ mua vui trước bàn thờ thần linh thiêng, trang trọng. Nó hỏi Tư Hùng tiếp:

- Nhà chú Tư ở đâu, chú có bà con họ hàng gì ở cái làng này hông?

Bằng một giọng vừa buồn, vừa tếu, Tư Hùng phân bua:

- Tao lưu linh lưu địa, rày đây mai đó, chỗ nào làm ăn được, người ta còn nhớ đến cái trò múa bóng hát rỗi là tao trụ lại sinh nhai. Hẩm hiu lắm, mày à! Tao sống một mình vậy chứ có bà con thân quyến gì đâu.

Tư Hùng ngừng lại, mắt nhìn ra phía cổng đình làng, có con đường nhỏ được lót mớ xà bần dẫn xuống bến sông. Có lúc Tư Hùng tưởng đời mình như đám lục bình trôi ngang qua, lênh đênh vô định rồi đi mải miết về đâu không biết được.

Ở xứ này vẫn còn không ít người xem bóng rỗi là trò vô nghĩa, mê tín. Số còn lại vẫn thích xem bóng rỗi, tận mắt thưởng thức và thán phục những trò biểu diễn có một không hai mà không phải ai cũng có thể làm được.

Người làng này thần tượng những nghệ nhân múa bóng rỗi như những nghệ sĩ cải lương ngày xưa hay về ngang qua đình, ghé lại biểu diễn miễn phí, ai cho bao nhiêu thì cho. Toàn những tuồng ca mùi mẫn, nghe một hồi chảy nước mắt như “Lan và Điệp”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Đêm lạnh chùa hoang”, “Bên dòng sông Trẹm”…

Nghe riết mà từ người lớn đến trẻ con đều thuộc lòng, buồn buồn lại ra bến nước đình ngồi ngâm nga cho sướng miệng. Tiếc là bây giờ, vì cuộc mưu sinh còn lắm gian nan, nhiều người đã không theo nổi cái nghiệp con tằm nhả tơ. Những gánh cải lương, tuồng hát vắng dần, cho đến bây giờ thì chẳng còn thấy một gánh hát nào neo lại đình làng mà hát ca mùi mẫn…

*

Rượu vào thì lời ra, Tư Hùng ngồi kể về cuộc đời đẫm nước mắt của mình cho những người trong bữa tiệc. Cuộc đời ông là những tháng ngày vui ít, buồn nhiều.

Cũng có nhiều người hay khóc mỗi khi say rượu, dường như là cái tật, nhưng cái miệng mếu xệch và con mắt rơm rớm nước của Tư Hùng tự dưng khiến ai nấy lặng người đi, chẳng nói với nhau câu gì khi biết ngày xưa Tư Hùng cũng có yêu một người, có vợ, có con đàng hoàng chứ không phải một đời cô độc.

Nhân lúc ông Tư không nói gì, cả xóm cũng thinh lặng, thằng Bầu lên tiếng, đâm bể cái bầu không khí đang căng như bong bóng:

- Rồi bây giờ vợ con chú đâu hết rồi, chú Tư?

Tư Hùng nhìn ra xa xôi. Tự dưng ông xót xa cho thân phận bạc bẽo của mình:

- Vợ tao đi hồi lúc biết tao lén đi múa bóng rỗi rồi, còn thằng cu thì má nó cũng dẫn đi luôn, không biết là có nuôi nấng nó nên người không. Giờ nó cũng cỡ mầy rồi đó Bầu.

Thằng Bầu im ru. Nó thấy thương Tư Hùng quá. Ông trời bắt người ta theo cái nghề nào thì người ta theo cái nghề đó, miễn chân chính, không ăn cướp ăn giật ai, không trái đạo lý làm người. Tội tình gì mà bỏ người ta khi người ta chọn sống đúng với đam mê của mình, bỏ người ta khi người ta đang giữ gìn văn hóa dân gian là niềm tự hào của quê hương, xứ sở?

Thằng Bầu quay ra sau, hỉ mũi cái rột, than:

- Nay trái gió trở trời, trong người nhức đầu nóng lạnh dữ quá…

Nói thì nói vậy chứ nó khỏe re mà. Có nóng cảm gì đâu.

*

Chiều chập choạng. Người làng về hết, chỉ còn lại vài người dọn dẹp, quét tước, rửa chén ở gian nhà sau ngồi buông chuyện xa xưa. Tư Hùng từ giã ông già coi đình và thằng Bầu. Ông cháu thằng Bầu tiễn Tư Hùng xuống bến sông. Chiếc ghe của Tư Hùng đậu ở đó, sóng đánh lắc lư, gió thổi làm mấy miếng lá mục ở rìa mui ghe rớt xuống sông, trôi là đà như xác pháo ngày đám cưới.

Ráng chiều đỏ rực. Đình làng im ắng như thể chỉ còn nghe được tiếng gió làm xạc xào mấy tàu lá dừa nước ven sông, tiếng con nhắc nheng chạy ràn rạt trên tàu dừa, coi chừng chỉ đêm nay thôi nó sẽ đục hết mấy trái dừa sắp sửa lắc nước.

Tư Hùng nhổ sào, chống ghe đi. Cái máy cũ hết xăng nằm chỏng chơ phía sau, chân vịt xếp gọn theo chiều dọc của thân ghe. Dưới sông, lục bình trôi lơ đãng.

Ông già và thằng Bầu nhìn theo cái dáng nhỏ xíu của Tư Hùng đứng ở sau lái chống sào vô mấy gốc lá dừa nước, chiếc ghe nương theo con nước trôi đi. Bỗng ông già nhớ đến cái ngày ông dắt thằng Bầu về làng này, ông nghe phong thanh đâu đó người ta xầm xì bàn tán về một dạo nọ có người đàn bà lạ bỏ làng cũ ra chợ tỉnh chỉ vì lấy phải ông chồng làm nghề múa bóng rỗi.

Đứa nhỏ khóc lóc đòi tía, người đàn bà không chịu được đem nó cho người ta nuôi để nhẹ nhàng tấm thân. Ông già thương nó dắt về xóm, đặt cho nó tên là thằng Bầu. Chữ “bầu” trong cây đờn bầu mà mỗi khi sợi dây của nó rung lên, tiếng đờn lại buồn hắt hiu như cuộc đời của nó.

Sợ con nước đưa Tư Hùng đi mất, ông già vội vã chạy theo trên bờ. Thằng Bầu thấy vậy cũng chạy theo. Bóng hai ông cháu chìm khuất trong bóng đêm đang phủ trùm xuống đình làng tịch mịch.