Cửa hàng của tôi kinh doanh các mặt hàng về thực phẩm chế biến sẵn, vừa rồi tôi phát hiện một cửa hàng khác cũng kinh doanh các mặt hàng tương tự và họ đưa ra các thông tin so sánh sản phẩm giữa 2 cửa hàng, ý nói sản phẩm bên họ chất lượng, giá cả tốt hơn để lôi kéo khách hàng.
Cửa hàng của tôi kinh doanh các mặt hàng về thực phẩm chế biến sẵn, vừa rồi tôi phát hiện một cửa hàng khác cũng kinh doanh các mặt hàng tương tự và họ đưa ra các thông tin so sánh sản phẩm giữa 2 cửa hàng, ý nói sản phẩm bên họ chất lượng, giá cả tốt hơn để lôi kéo khách hàng. Việc làm này khiến tôi rất bức xúc bởi uy tín trong kinh doanh đã được tạo dựng nhiều năm, được nhiều khách hàng ủng hộ. Tôi nghĩ đây là việc cạnh tranh không lành mạnh nên muốn biết có quy định nào xử lý không?
Phạm Tú Trân
(Vũng Liêm)
Trả lời:
Luật Cạnh tranh quy định, cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Cụ thể, tại Điều 45 Luật Cạnh tranh có quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Trong đó, lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP. Cụ thể, với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính có thể bị phạt tiền từ 100- 200 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh; tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính công khai, loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm.
Như vậy, nếu doanh nghiệp có các hành vi lôi kéo khách hàng bất chính như vừa nêu thì có thể bị phạt hành chính từ 100- 200 triệu đồng.
NT. PHÒNG BẠN ĐỌC