Chuyện sách giáo khoa

Cập nhật, 07:44, Thứ Năm, 08/06/2023 (GMT+7)

 

Lựa chọn sách giáo khoa luôn nhận được sự quan tâm của xã hội.
Lựa chọn sách giáo khoa luôn nhận được sự quan tâm của xã hội.

SGK không phải là vấn đề của riêng ngành giáo dục mà của toàn xã hội. Theo Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT việc lựa chọn SGK được quy định cụ thể.

Trong đó, các địa phương lưu ý: thực hiện chọn sách với mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp có một hay một số SGK trong danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt; việc chọn SGK đảm bảo phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong đó, minh bạch, khách quan, tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc lựa chọn SGK là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Vấn đề đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt ra, liệu người trực tiếp giảng dạy chọn lựa SGK có được tôn trọng hay không, việc lựa chọn có minh bạch, khách quan để có thể khuyến khích, cạnh tranh các tổ chức, cá nhân biên soạn và xuất bản hay không? Nếu không công khai minh bạch, những bản sách không được sử dụng là sự lãng phí rất lớn; đồng thời, sai lệch chủ trương xã hội hóa SGK.

Dĩ nhiên, tôi tin rằng việc công khai, minh bạch trong lựa chọn SGK được thực hiện nhiều nơi, nhiều chỗ. Tuy nhiên, vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát để mọi nơi thực hiện đúng quy định là rất cần.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh có ý kiến nên chăng giao quyền chọn SGK cho hội đồng trường, cấp tỉnh chỉ việc xem xét và giám sát quy trình để đảm bảo việc lựa chọn. Phụ huynh có thể mua SGK dựa trên thông báo danh mục của trường. Như vậy, việc lựa chọn sách sẽ phù hợp với từng địa phương, từng vùng, vì đối tượng, điều kiện năng lực của học sinh là khác nhau.

VĨNH PHÚC