Nhiều bệnh nhân (BN) đến khám da liễu tại các cơ sở y tế để điều trị vì nổi mề đay, ngứa, lặp đi lặp lại nhiều lần. Phần lớn họ nghĩ rằng mình bị "phong", dị ứng khi ăn thịt bò hay hải sản. Song, kết quả xét nghiệm máu xác định BN nhiễm giun, trong đó phần lớn là giun đũa chó, mèo.
Da bệnh nhân nổi mẩn đỏ vì bị nhiễm giun đũa chó, mèo. |
Nhiều bệnh nhân (BN) đến khám da liễu tại các cơ sở y tế để điều trị vì nổi mề đay, ngứa, lặp đi lặp lại nhiều lần. Phần lớn họ nghĩ rằng mình bị “phong”, dị ứng khi ăn thịt bò hay hải sản. Song, kết quả xét nghiệm máu xác định BN nhiễm giun, trong đó phần lớn là giun đũa chó, mèo.
Nhiễm sán chó… từ thú cưng
Theo Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng TP Hồ Chí Minh, BN bị nhiễm giun đũa chó, mèo... chiếm phần lớn. Nguyên nhân gây bệnh thường liên quan đến các yếu tố môi trường, khí hậu, thời tiết; sở thích ăn rau sống, thịt sống, cá sống...
Đặc biệt trong những năm gần đây, số trường hợp nhiễm giun đũa chó, mèo ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do ăn, uống phải trứng giun đũa chó, mèo từ môi trường.
Hai bàn chân của chị L.T.M. (22 tuổi, TP Vĩnh Long) bỗng ngứa ngáy rất khó chịu. Bên cạnh đó, chị M. luôn có cảm giác nhồn nhột như có con vật gì đó đang “ngự trị” dưới lớp da thịt tại hai bàn chân. Lo lắng, chị M. đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh làm các xét nghiệm cần thiết.
Kết quả, chị M. dương tính ấu trùng giun đũa chó với chỉ số khá cao. Bác sĩ kê đơn thuốc cho chị uống trong 28 ngày nếu xét nghiệm lại vẫn còn sẽ phải tiếp tục uống. Chị M. cho biết nhà không nuôi chó nhưng thỉnh thoảng mình có “nựng” chó nhà hàng xóm và thích ăn rau sống, ăn đồ tái, sống.
Nhiều người bị ngứa không rõ căn nguyên. Những cơn ngứa này ngày một nghiêm trọng đến mức mất ngủ. Với kết quả xét nghiệm dương tính ký sinh trùng toxocara sp (giun đũa từ chó, mèo), họ bất ngờ khi biết nguyên nhân chỉ là do ăn rau sống, thực phẩm sống.
Chị P.Q.T. (TP Vĩnh Long), bị ngứa lòng bàn tay chân, còn nổi mẩn đỏ. Chị cứ tưởng mình bị dị ứng hải sản, thịt chuột đồng, do trước đó mấy ngày có ăn ở quán. “Ngứa gây nổi hột muốn rướm máu ở lòng bàn tay chân, pha nước nóng với muối ngâm cũng không bớt ngứa, khó chịu quá chừng. Đến khi đi khám tại bệnh viện, làm các xét nghiệm máu, tôi mới phát hiện mình bị dính sán chó ”- chị Q.T. cho biết.
Đừng chủ quan với bệnh nhiễm giun sán, ký sinh trùng
Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh- Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương, đa số bệnh giun sán ở người có nguồn gốc từ vật nuôi và thú hoang dã. Các bệnh giun sán ký sinh đã gây nhiều tác hại cấp tính cũng như lâu dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em, phụ nữ tuổi sinh sản và sức khỏe người dân.
Các chuyên gia cũng cảnh báo không phải ai nhiễm giun đũa chó, mèo đi khám cũng được chẩn đoán chính xác, mà bị chẩn đoán nhầm, điều trị nhầm kéo dài nhiều năm khiến bệnh tình chuyển biến phức tạp.
Nhiễm giun đũa chó, mèo có biểu hiện như: nổi mề đay, nổi sẩn, ngứa, sưng phù vùng da, nổi cục dưới da hoặc trên da nổi đường đỏ ngoằn ngoèo. Còn đa số các trường hợp không có biểu hiện. Vì vậy, nhiễm ký sinh trùng dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác hoặc bị bỏ sót, chỉ khi làm xét nghiệm mới xác định bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó, mèo. Bệnh có thể chữa khỏi trong khoảng thời gian từ 2-3 tuần.
“BN nhiễm giun đũa chó, mèo thường có biểu hiện giống với nhiều bệnh da liễu như: Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, khó thở,... lâu dài có thể có tình trạng gan to, viêm phổi, đau bụng, tổn thương ở mắt, rối loạn thị lực...”- BS Đình Cảnh nói.
Để phòng tránh bệnh giun, sán, BS.CK2 Trần Lê Minh Thái- Trưởng Khoa Nội BVĐK tư nhân Triều An- Loan Trâm, khuyến cáo người dân cần thường xuyên tẩy giun ở cả người lớn và trẻ em. Với trẻ trên 2 tuổi cần tẩy giun định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm.
Qua khám và xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán chị Q.T. bị nhiễm ký sinh trùng toxocara sp (giun đũa từ chó, mèo). |
Trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám trước khi tẩy giun. Có một số người phải có chỉ định của bác sĩ mới được uống thuốc tẩy giun như phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người mắc các bệnh mãn tính…
“Ngoài ra, người dân cần ăn chín, uống nước đun sôi để nguội; rửa tay trước khi ăn hay sau khi nô đùa với chó, mèo; dọn dẹp phân chó, mèo vào túi và vứt vào thùng rác; chích ngừa, tẩy giun định kỳ cho thú nuôi; không đi chân đất, luôn đeo găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với đất cát bẩn; kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi chế biến. Khi nghi ngờ ăn phải thực phẩm nhiễm ký sinh trùng nên thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm”- BS Minh Thái nói.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin