Hút thuốc lá- gánh nặng bệnh tật

Cập nhật, 13:03, Thứ Sáu, 02/06/2023 (GMT+7)
BS.CK2 Huỳnh Kim Phương thăm khám cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
BS.CK2 Huỳnh Kim Phương thăm khám cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

(VLO) Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ung thư, tim mạch.

Ngoài tác hại về sức khỏe, hút thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút, mất khả năng lao động vì bệnh và tử vong sớm.

Ảnh hưởng của thuốc lá trên hệ tim mạch

Sau nhiều năm hút thuốc lá bệnh nhân N.V.C. (xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm) đang gánh chịu hậu quả nặng nề do thuốc lá gây ra. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe mà còn là gánh nặng kinh tế gia đình khi nhiều năm nay.

Bệnh viện đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của ông khi phải liên tục nhập viện điều trị thời gian dài do cùng lúc mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm mà nguyên nhân theo các bác sĩ điều trị do hút thuốc lá gây ra.

Chị L.T.P. buồn nói: “Ông xã tôi hút thuốc lá cũng hơn 40 năm, giờ bị bệnh ung thư bàng quang, tắt nghẽn các mạch máu, các chi, suy tim, suy thận,… Tui và các con thay phiên nhau nuôi ở bệnh viện, vất vả cũng phải theo đến cùng chứ không biết làm gì hơn”.

Nhiều bệnh lý mạch vành, mạch chủ, suy tim, cao huyết áp,… thời gian qua đã gia tăng báo động. Trong đó, các chuyên gia xác định thủ phạm thầm lặng và nguy hiểm nhất chính là khói thuốc lá.

Nó không chỉ ảnh hưởng người hút và ngay cả người hít phải khói thuốc lá thường xuyên vẫn bị những ảnh hưởng này.

Tại Khoa Nội tim mạch- Lão khoa BVĐK Vĩnh Long thời gian qua tiếp nhận rất nhiều trường hợp mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não mà bệnh nhân đều có tiền sử hút thuốc lá thời gian dài.

BS.CK2 Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tim mạch- Lão khoa, cho biết: “Trong thuốc lá, có chất nicotin là chất có hại trên mạch máu.

Những bệnh nhân hút thuốc lá nhiều sẽ gây ra bệnh lý xơ vữa động mạnh mãn tính, không chỉ với mạch vành mà với tất cả các mạch máu trên cơ thể sẽ hình thành các mảng xơ vữa. Bệnh nhân sẽ có những đợt cấp, ví dụ như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.

Những bệnh lý này, bệnh nhân không được hút thuốc lại, nếu không sẽ tái hẹp rất nhanh kể cả với bệnh nhân đặt stent thành công và có thể gây tái phát nhồi máu cơ tim. Khoa tiếp nhận có trường hợp 26, 27 tuổi bị nhồi máu cơ tim vì thuốc lá”.

Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết một nửa số người sử dụng thường xuyên và hút thuốc lá tự động.

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển và gây ra 25 loại bệnh khác nhau. Hiện nay, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 21.000 người tử vong và trung bình 4 giây có 1 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới tim mạch, mà còn tác động tới rất nhiều cơ quan khác trong cơ thể. TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ tim mạch SIS Cần Thơ, cho biết: “Bệnh nhân trẻ bị xuất huyết não phần lớn xảy ra do liên quan đến lối sống, hút thuốc lá, uống rượu bia.

Sau thời gian trung bình của người hút thuốc lá và uống rượu bia khoảng 20 năm là chúng ta gánh hậu quả nghiêm trọng của hút thuốc lá rượu bia để lại”.

Để tránh nhồi máu cơ tim khi còn quá trẻ và có một sức khỏe tốt, các bác sĩ khuyến cáo tất cả mọi người nên có chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh. Quan trọng nhất là phải từ bỏ hút thuốc lá càng sớm càng tốt.

BS.CK2 Huỳnh Kim Phương nhấn mạnh: “Đừng nên hút thuốc lá, đã hút thuốc lá rồi ngưng ngay. Vì người hút thuốc ngưng 1 ngày thì yếu tố nguy cơ tim mạch cũng giảm, ngưng thuốc lá 1 năm thì bệnh tim mạch cũng giảm một nửa rồi. Nếu bỏ thuốc lá nữa thì sau 5, 10 năm yếu tố nguy cơ tim mạch của thuốc lá giảm dần và khỏe hơn”.

Tác hại của thuốc lá là có thật và hiện hữu. Ở Việt Nam, năm 2020, chi mua thuốc lá của người dân là 49.000 tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm cho 5/25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra là 24.000 tỷ đồng.

Các bác sĩ khuyến cáo không hút thuốc lá, cai thuốc lá sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình và xã hội.

Để tăng cường phòng chống tác hại của thuốc lá, Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện cấm hút thuốc lá sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, trong đó quy định 13 địa điểm cấm hút thuốc lá, như: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng; phương tiện giao thông công cộng.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG