Mùa mưa, tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật, 05:40, Thứ Ba, 30/05/2023 (GMT+7)
Bác sĩ Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết.
Bác sĩ Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết.

(VLO) Bệnh sốt xuất huyết (SXH) xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Song, thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh, nguy cơ bệnh SXH gia tăng cao.

Cảnh báo sốt xuất huyết nặng ở trẻ

Những cơn mưa chuyển mùa vào những ngày qua đang tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh SXH phát triển. Tại Vĩnh Long, dù số ca mắc SXH trong tuần qua có giảm, song người dân không chủ quan mà tích cực phòng bệnh.

Tính đến 28/5, toàn tỉnh ghi nhận gần 690 ca mắc, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số ca bệnh nặng chiếm 2,6% và đã có 1 trường hợp tử vong.

Ngành y tế đã phát hiện và xử lý trên 210 ổ dịch SXH nhỏ, tăng hơn 150 ổ dịch so với cùng kỳ 2022. Trước tình hình này công tác giám sát ca bệnh được thực hiện chặt chẽ từ cơ sở khám chữa bệnh đến hệ thống dự phòng.

Chăm con trai 10 tuổi nằm điều trị SXH vào sốc tại phòng hồi sức cấp cứu nhi BVĐK Vĩnh Long, anh Nguyễn Thanh Huy (phường Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) xuýt xoa: “Con sốt cao 2 ngày, tui cho uống hạ sốt nhưng cứ sốt lại.

Rồi con than mệt, đừ tui đưa con vô bệnh viện thì bác sĩ cho nhập viện nói con tui bị SXH vào sốc, con có thừa cân nên bệnh diễn tiến nặng”.

Nằm điều trị SXH tại Khoa Nhi, chị Nguyễn Thị Hồng (xã Đồng Phú, huyện Long Hồ) cho biết: “Mấy ngày đầu, gia đình nghĩ con bị nhiễm sốt siêu vi thôi, có đưa đi khám ở ngoài và có uống thuốc.

Nhưng con sốt 3 ngày liên tục không giảm nên đi bệnh viện. Xét nghiệm biết SXH, bác sĩ cho nhập viện ngay và nói cháu bị SXH”.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, trẻ dư cân, béo phì dễ sốc và diễn biến SXH nặng hơn trẻ có cân nặng bình thường.

Bởi những trường hợp trẻ dư cân, béo phì khi cơ thể bị SXH tấn công sẽ có phản ứng nhiều hơn và mạnh hơn so với những trẻ bình thường khác. Một số trẻ thừa cân, trẻ có bệnh nền thì tình trạng sốc diễn tiến nguy hiểm hơn, có thể sốc nặng, kéo dài hoặc tái sốc.

Trẻ béo phì dễ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến nhiều biến chứng nặng có thể xảy ra như: suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận…

“Sốc SXH xảy ra do tình trạng thất thoát huyết tương, thường xuất hiện khi bệnh nhi bắt đầu hạ sốt nhưng tình trạng bệnh không đỡ với các triệu chứng như đau bụng nhiều, nôn ói, không chịu ăn uống, quấy khóc, bứt rứt khó chịu… May mắn là hầu hết ca sốc đều được phát hiện và điều trị kịp thời”- BS Chí Công cho biết.

Bảo vệ trẻ khi sốt xuất huyết vào mùa

Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Trà Côn (Trà Ôn) tuyên truyền cho đồng bào Khmer diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết.
Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Trà Côn (Trà Ôn) tuyên truyền cho đồng bào Khmer diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết.

Theo ThS.BS Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C.

Trứng muỗi vằn có thể tồn tại nơi khô hạn đến vài tháng, chờ đến khi tiếp xúc với nước sinh hoạt sẽ nở thành lăng quăng, muỗi và phát tán truyền bệnh SXH.

Ngành y tế khuyến cáo người dân ngủ mùng kể cả ban ngày để phòng bệnh. Người bệnh SXH cũng ngủ mùng để tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

BS.CK2 Trương Cẩm Trinh- Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, thông thường người mắc SXH có biểu hiện điển hình là sốt cao, kèm các triệu chứng như: đau phía sau mắt, nhức đầu, phát ban, buồn nôn...

SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. “Tốt nhất khi nghi ngờ mắc SXH, cần chủ động, nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm phù hợp. Tuyệt đối không được tự ý điều trị SXH.

Trường hợp nhẹ, được bác sĩ cho theo dõi tại nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước, ăn các món mềm, dễ tiêu hóa, hạ sốt bằng Paracetamol hoặc uống Oresol đúng cách để bù điện giải, lau mát ở vùng nách và bẹn khi sốt cao. Khi có dấu hiệu trở nặng, đến ngay bệnh viện”, BS Cẩm Trinh nói.

Dấu hiệu lưu ý sốt xuất huyết Dengue nặng

Theo BS.CK2 Trương Cẩm Trinh- Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, khi diễn biến thành SXH Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong thời gian 3-7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên. Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý, rất nhiều trường hợp khi bệnh nhân mắc SXH hết sốt, cứ nghĩ đã khỏi bệnh nên chủ quan không thăm khám lại.

Nhưng SXH thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Giai đoạn này thân nhiệt sẽ giảm, không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục mà có khi vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh.

Dấu hiệu của SXH Dengue nặng cần chú ý là: trẻ đau bụng dữ dội, ói ra máu, nôn ói liên tục (ra máu), chảy máu lợi, chân răng, thở gấp, mệt mỏi, bồn chồn, da lạnh ẩm… Cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện. Một số trường hợp mắc SXH diễn biến nặng do gia đình tự ý dùng thuốc nhóm ibuprofen và aspirin để hạ sốt, gây xuất huyết tiêu hóa cho người bệnh. Một số trường hợp còn tự ý tăng liều thuốc hạ sốt hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau, điều này rất nguy hiểm vì có thể gây quá liều, ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN