77% trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh

Cập nhật, 05:54, Thứ Ba, 30/05/2023 (GMT+7)
Xét nghiệm bằng cách lấy máu gót chân của trẻ giúp các bác sĩ tầm soát một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa ở trẻ.
Xét nghiệm bằng cách lấy máu gót chân của trẻ giúp các bác sĩ tầm soát một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa ở trẻ.

(VLO) Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Để giảm số trẻ em bị ảnh hưởng bởi các bệnh tật bẩm sinh, giảm nhẹ gánh nặng của gia đình, xã hội, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai chương trình tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Trong đó, lấy máu gót chân xét nghiệm cho trẻ sơ sinh là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh.

Những năm gần đây, ngành y tế Vĩnh Long xây dựng kế hoạch, triển khai truyền thông khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Qua đó, nhằm tầm soát các dị tật bẩm sinh ở trẻ (siêu âm các bà mẹ mang thai 3 tháng đầu tầm soát hội chứng (HC) Down, siêu âm hình thái 3 tháng giữa để tầm soát các khiếm khuyết cơ thể, xét nghiệm máu mẹ…), xét nghiệm máu gót chân trẻ mới sinh sau 48 giờ tuổi nhằm tầm soát bệnh thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh và tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh để điều trị ngay trong giai đoạn chưa có biểu hiện lâm sàng, loại bỏ hoặc giảm thiểu các di chứng của bệnh cho trẻ.

Riêng từ đầu năm 2022, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 79% (chỉ tiêu 75%); tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh đạt 77% (chỉ tiêu 75%).

Đồng thời giúp các bà mẹ mới sinh con hiểu biết về một số bệnh thường gặp, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Tin, ảnh: MAI ANH