Cảnh báo ngộ độc do độc tố botulinum

Cập nhật, 06:03, Thứ Sáu, 26/05/2023 (GMT+7)

 

Nhiều gia đình có thói quen trữ đông lạnh các loại thực phẩm. Nhưng nếu trữ đông không đúng cách, thực phẩm dễ biến chất, gây ngộ độc.
Nhiều gia đình có thói quen trữ đông lạnh các loại thực phẩm. Nhưng nếu trữ đông không đúng cách, thực phẩm dễ biến chất, gây ngộ độc.

Những ngày qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc ngộ độc botulinum trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng thuốc giải loại độc tố này rất khan hiếm. Nhiều người dân lo ngại đối mặt với nguy cơ ngộ độc botulinum bởi hiện có rất nhiều thực phẩm chế biến không nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh xuất hiện trên thị trường.

Thận trọng thực phẩm đóng kín dài ngày

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, ngộ độc do botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Nguyên nhân của loại ngộ độc này xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (gồm: chai, lọ, lon, hộp, túi) không bảo đảm an toàn, dẫn tới sự xuất hiện của một số vi khuẩn sinh độc tố gây bệnh và phổ biến là vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra chất độc botulinum.

Đến nay, đã có 6 người nhập viện sau khi ăn chả lụa và mắm ủ lâu ngày có chứa độc tố botulinum. Chuyên gia y tế cảnh báo, bất cứ ai cũng có nguy cơ ngộ độc botulinum vì đây không phải là loại vi khuẩn hiếm gặp và người dân cần có kiến thức để phòng, tránh nguy cơ ngộ độc vi khuẩn này.

Đánh giá nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc botulinum, TS.BS Lê Quốc Hùng- Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin: nguyên nhân gây bệnh này là do một loại vi khuẩn botulinum gây ra, loại vi khuẩn này sống trong môi trường yếm khí- là môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp thì loại vi khuẩn này mới hoạt động được.

Trong môi trường bình thường, botulinum không sống được nhưng nó biến đổi thành các bào tử (vi khuẩn tạo ra vỏ bọc cho nó để “ngủ đông”, lúc này vi khuẩn trong trạng thái bất hoạt nhưng vẫn chưa chết) và có mặt ở khắp nơi xung quanh con người.

Các bào tử này sẽ hoạt động trở lại trong môi trường không có oxy, do đó, tất cả các loại thức ăn đóng hộp, bao kín đều là môi trường thuận lợi cho các bào tử botulinum phát triển; và khả năng con người có thể nhiễm độc botulinum khi sử dụng các thực phẩm đóng hộp, bao kín vẫn có thể xảy ra.

Theo ghi nhận ở các ca ngộ độc, có 3 loại thực phẩm nhiễm độc gần nhất là chả lụa, cá ủ muối và pate Minh Chay.

Trong tương lai, chưa biết sẽ có loại thực phẩm nào bị nhiễm độc nữa. Nhiều người ngộ độc botulinum đã liệt hoàn toàn, đang nằm thở máy chưa biết kéo dài đến bao lâu, có thể phải mất 3-6 tháng. Liệt tay chân chưa nguy hại bằng liệt cơ hô hấp- vì dẫn đến suy hô hấp, không thở được và dễ tử vong.

Tăng cường sử dụng thực phẩm được nấu chín

Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc botulinum, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong quy trình sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.

Đối với người tiêu dùng, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi, màu sắc thay đổi khác thường...

TS.BS Lê Quốc Hùng khuyến cáo người dân, trong khâu chế biến các loại thức ăn đóng chai, lọ hay bọc kín cần làm sạch môi trường, lau chùi, vệ sinh thường xuyên khu vực chế biến để tránh bụi bẩn, đất, cát và các vi khuẩn độc hại bám vào thực phẩm. Việc đóng gói thực phẩm nên áp dụng các kỹ thuật hiện đại.

Các nhà sản xuất khi đóng gói thường chiếu tia khử khuẩn để cho thực phẩm an toàn. Người dân tự đóng gói tại nhà nguy cơ mất an toàn rất cao. Một biện pháp mà bác sĩ Quốc Hùng cho rằng người dân nên áp dụng khi đóng gói kín thực phẩm là sử dụng độ mặn trên 5% muối/100g thức ăn do ở môi trường mặn quá vi khuẩn không phát triển được.

Ngoài ra, người dân lưu ý không sử dụng thực phẩm quá hạn, đặc biệt là các sản phẩm đóng hộp bị phồng, biến dạng bởi đó là những sản phẩm đã bị vi khuẩn botulinum hoặc vi khuẩn khác tấn công; hoặc dù còn hạn sử dụng, không bị biến dạng nhưng khi mở ra không còn hương vị tự nhiên cũng không nên ăn.

Điển hình như trường hợp hai trẻ em ngộ độc botulinum ở TP Thủ Đức ăn chả lụa gói kín bằng nilon và đã bắt đầu có dấu hiệu chảy nước, mùi vị không bình thường. Người dân có thể nấu chín các thực phẩm đóng hộp, gói kín ở nhiệt độ cao từ 10-15 phút giúp giảm nguy cơ ngộ độc botulinum và các vi khuẩn gây ngộ độc khác.

Bác sĩ Trương Ngọc Phú- Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, khuyên phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm tươi sống, không sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.

Đối với thực phẩm đóng hộp, cần lựa chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy cách đóng gói an toàn, có ghi hạn sử dụng. Khi phát hiện thực phẩm có màu, có mùi lạ, không nên ăn và thông báo với nhà bán hàng, nơi cung cấp hoặc cơ quan chức năng can thiệp. Tuyệt đối không tiêu thụ thực phẩm nghi ngờ và kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng cho mình và cả gia đình.

Theo Cục An toàn thực phẩm, thức ăn khi chế biến và đun sôi 100 độ C 5-10 phút thì vi khuẩn gây độc tố botulinum đã bị tiêu diệt. Do đó, người tiêu dùng cần tuân thủ việc ăn chín, uống sôi. Mặt khác, cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về cách sử dụng, bảo quản đồ ăn, không cất đồ ăn thừa ngay lập tức vào tủ lạnh. Thực phẩm tươi sống, như: thịt, cá… nên rửa sạch trước khi cho vào bảo quản trong ngăn đá. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần bảo đảm phải chua, mặn; khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG