Trước số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng tăng cao, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành y tế là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai). |
Trước số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng tăng cao, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Dịch COVID-19 tăng trở lại, gần 500 ca mắc/ngày
Theo Bộ Y tế, số mắc COVID-19 mới đã tăng trong 7 ngày gần đây, đặc biệt 2 ngày 12-13/4 số ca mắc mới tăng theo chiều thẳng đứng, đến 13/4 đã ở mức xấp xỉ 500 ca. Bộ Y tế cũng đánh giá hiện ca COVID-19 tăng nhưng chỉ cục bộ ở một số địa phương và đề nghị tích cực triển khai biện pháp kiểm soát.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đánh giá chung tình hình dịch COVID-19 ở nước ta thì số mắc COVID-19 trong thời gian tới có thể có sự gia tăng. Hiện nay dù số ca mắc có tăng nhẹ nhưng chúng ta vẫn đang ở cấp độ dịch 1- tất cả đều màu xanh.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc COVID-19 những ngày qua tăng. Thứ nhất là do yếu tố thời tiết, khi miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa. Thứ hai là do ý thức phòng bệnh của người dân, đặc biệt là đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh còn chưa đảm bảo.
“Một điểm nữa là vấn đề vaccine. Các biện pháp đã triển khai từ vaccine bao phủ hầu hết, tuy nhiên có nơi, có chỗ tỷ lệ chưa đạt như mong muốn, nhất là nhóm nguy cơ cao. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, giảm ca tăng nặng và tử vong”, GS.TS Phan Trọng Lân đánh giá.
Người dân tuân thủ đeo khẩu trang khi đến các cơ sở y tế. |
Theo GS Phan Trọng Lân, các nhà khoa học cũng dự báo SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại. Vì thế, để không ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội, cuộc sống, chúng ta cần tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao. Những người có bệnh lý nền, trẻ em, người cao tuổi,… là nhóm có hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh. Vì vậy, cần tiêm vắc xin đầy đủ và đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch 2K.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế “Người dân cần tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi đến cơ sở y tế, trên phương tiện giao thông công cộng và tại địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ dài sắp tới, gia tăng sự giao lưu nên nguy cơ lây nhiễm cũng sẽ tăng”. |
Tuyệt đối không lơ là, chủ quan
Để kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết các biện pháp phòng chống, không hoang mang nhưng không được chủ quan.
Cục trưởng Phan Trọng Lân cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần theo dõi sát các số liệu. Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch, công bố thông tin để người dân biết và phòng chống, tránh sự hoang mang cũng như chủ quan của người dân. Cấp độ dịch này có ý nghĩa, ở cấp xã, phường, phát hiện sớm nhất, khoanh vùng hiệu quả nhất, xử lý dịch tại nguồn để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, cũng khẳng định, mục tiêu chống dịch COVID-19 trong giai đoạn tới là giảm nhập viện, tử vong, không quá tải hệ thống y tế.
Theo Sở Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 13/4, Vĩnh Long ghi nhận 7 bệnh nhân mắc COVID-19. Dù số ca mắc không tăng, song ngành chuyên môn khuyến cáo người dân không được chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh.
Anh Nguyễn Gia Minh (TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi vừa hoàn thành đủ các mũi tiêm theo đúng lịch của trạm y tế. Là tài xế, di chuyển nhiều nơi, chở khách tiếp xúc nhiều người nên có vaccine vừa bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch COVID-19”.
Vĩnh Long là một trong những tỉnh có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 đạt ở mức rất cao. |
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vẫn là tiêm vaccine đủ liều, đúng lịch theo chỉ định, mang khẩu trang những nơi đông người và thường xuyên sát khuẩn tay.
Chiến dịch tiêm vaccine tại Vĩnh Long đạt kết quả khả quan và là một trong những tỉnh có tỷ lệ bao phủ vaccine đạt ở mức rất cao. Ngành y tế phối hợp với địa phương và các ngành liên quan tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ về lợi ích của vaccine, những thông tin về các liều tiêm vaccine cần phải thực hiện để có đủ kháng thể phòng bệnh, từ đó người dân đồng thuận, đi tiêm đúng lịch.
Sở Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24 để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Đồng thời, sẵn sàng bố trí khu vực cách ly, thu dung và điều trị người bệnh COVID-19. Củng cố các trạm y tế lưu động để bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế từ sớm, từ xa và từ cơ sở nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong người mắc COVID-19 trên địa bàn.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương lên kịch bản ứng phó COVID-19 |
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố sẵn sàng ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh thành theo dõi sát tình hình, đánh giá cấp độ dịch, lên kịch bản ứng phó kịp thời. Giám sát tại cửa khẩu, trong các bệnh viện và tại cộng đồng để sớm phát hiện ca lây nhiễm cũng như biến chủng mới, không để dịch bùng phát. Cơ sở y tế cũng đảm bảo thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao. Bộ Y tế ghi nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Cụ thể, trong 7 ngày (từ 5-11/4), cả nước có 639 ca mắc mới, trung bình 90 trường hợp mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó. Trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2%). Số ca nặng cũng có xu hướng gia tăng, trung bình 1-2 trường hợp nặng nhập viện mỗi ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra. Mặt khác, trên cả nước, các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm đang tăng, nguy cơ dịch chồng dịch, gây áp lực lên hệ thống y tế, ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin