Phòng bệnh cho trẻ mùa mưa

02:10, 25/10/2022

Thời tiết thay đổi, mưa nhiều, khiến cho số trẻ đến khám và điều trị liên quan các bệnh lý đường hô hấp tăng nhanh. Dù là bệnh lành tính, song phụ huynh cần hiểu rõ căn bệnh này và có cách chăm sóc, phòng ngừa khoa học và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe trẻ.

 

 

Trẻ em bệnh hô hấp được điều trị tại Khoa Nhi - Trung tâm Y tế Vĩnh Long.
Trẻ em bệnh hô hấp được điều trị tại Khoa Nhi - Trung tâm Y tế Vĩnh Long.

Thời tiết thay đổi, mưa nhiều, khiến cho số trẻ đến khám và điều trị liên quan các bệnh lý đường hô hấp tăng nhanh. Dù là bệnh lành tính, song phụ huynh cần hiểu rõ căn bệnh này và có cách chăm sóc, phòng ngừa khoa học và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe trẻ.

Gia tăng trẻ nhập viện do bệnh hô hấp

Thời tiết mưa nắng thất thường, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ, bởi hệ miễn dịch của trẻ vốn còn non yếu dễ bị xâm nhập và tấn công bởi các vi khuẩn, virus gây bệnh.

Thời gian gần đây, lượng bệnh nhi đến khám điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh không ngừng tăng. Theo Khoa Nhi - Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, mỗi ngày khoa tiếp nhận trên 100 bệnh nhi đến khám bệnh, trong đó đa số mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng. Hiện khoa đang điều trị cho từ 60 - 70 trẻ. Đặc biệt, trong 1 tháng gần đây, số bệnh nhi khám và nhập viện tăng vọt, bệnh viêm đường hô hấp chiếm 2/3 khoa.

BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai - Trưởng Khoa Nhi cho biết: “Từ tháng 10 trở đi, thời tiết mưa nhiều là mùa của bệnh lý siêu vi đường hô hấp vẫn còn có thể tiếp tục gia tăng, chưa kể các dịch bệnh đang lưu hành như tay chân miệng, SXH… Các trẻ đi mẫu giáo tiếp xúc với môi trường tập thể thì bệnh lây lan rất nhanh. Các bệnh lý đường hô hấp mà trẻ mắc phải trong thời gian này chủ yếu là nhiễm siêu vi, hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản... Nếu không được phát hiện sớm bệnh có thể diễn biến nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm phổi, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi”.

Bé Nguyễn Duy Khánh (6 tuổi, xã Bình Hòa Phước - Long Hồ) bị sốt do viêm hô hấp, viêm amidan nhập viện 4 ngày ngồi ngoan cho bác sĩ thăm khám bệnh. Ba bé - anh Nguyễn Thành Lợi - cho biết: “Con bị sốt 2 ngày, ho khò khè uống thuốc ở trạm y tế xã không hết. Tui đưa bé lên đây khám rồi nhập viện luôn”. Nằm chung phòng bệnh, bé Bùi Mỹ Ngọc (5 tuổi) bị sốt siêu vi. Xoa xoa bàn tay bé xíu của con, chị Thùy Trang (huyện Cái Bè - Tiền Giang) thở dài: “Con chỉ nhiễm siêu vi, sốt, mệt có mấy bữa mà “xò” luôn”.

Theo các bác sĩ, trẻ đang hòa nhập lại hoàn toàn sau thời gian dài giãn cách, nhiều trẻ từng mắc bệnh lý COVID-19 có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm… Do đó, phụ huynh cần chú ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, nhất là trẻ có bệnh nền, bệnh bẩm sinh bởi những trẻ này có hệ miễn dịch kém, dễ bị virus tấn công trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi.

Bảo vệ sức khỏe cho trẻ

Bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai khuyến cáo, khi trẻ sốt, ho, sổ mũi, nôn ói khi ăn bú… nghĩa là trẻ đã mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp. Lúc này phụ huynh cần đặc biệt chú ý, ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng nặng của bệnh như sốt cao, ho nhiều nặng tiếng, thở nhanh hay thở mệt, khò khè, nôn ói nhiều, không bú được, lừ đừ... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, bệnh SXH năm nay diễn biến rất phức tạp, Vĩnh Long đã ghi nhận trên 2.600 trường hợp, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ năm trước, có 3 trường hợp tử vong. Theo BS.CK2 Trần Chí Công - Phó Khoa Nhi - BVĐK Vĩnh Long, nhiều trường hợp trẻ nhập viện với triệu chứng nặng do phát hiện muộn, nhập viện trễ, vì gia đình nghĩ trẻ bị viêm họng, sốt do chuyển mùa hoặc do COVID-19.

SXH đến nay vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vaccine phòng bệnh và có thể tử vong. Do đó, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ mắc SXH gồm sốt trên 2 ngày, đau đầu dữ dội, nổi phát ban cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm. Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh SXH, người dân cần phòng muỗi đốt.

“Để phòng bệnh, phụ huynh nên đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho trẻ, ăn đủ chất, uống đủ nước, tăng cường rau xanh và trái cây để tăng sức đề kháng. Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt, tránh bụi bẩn, khói thuốc. Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Đảm bảo theo đúng lịch tiêm ngừa đầy đủ; tránh tiếp xúc nguồn lây, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang nơi đông người; giữ ấm cho trẻ; hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, người thân rửa tay khi chăm sóc trẻ;…”, BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai khuyến cáo.

Bài, ảnh: QUYÊN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh