Giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình

05:12, 04/12/2022

Chưa bao giờ, chúng ta có điều kiện tốt nhất để phát triển gia đình như hiện nay bởi quy mô gia đình hạt nhân phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại, kinh tế gia đình cũng phát triển hơn trước.

Mọi thành viên yêu thương, chia sẻ, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
Mọi thành viên yêu thương, chia sẻ, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.

(VLO) Chưa bao giờ, chúng ta có điều kiện tốt nhất để phát triển gia đình như hiện nay bởi quy mô gia đình hạt nhân phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại, kinh tế gia đình cũng phát triển hơn trước.

Tuy nhiên, những giá trị tốt đẹp của gia đình lại đứng trước không ít thách thức, “đứt gãy”. Giữ gìn hệ giá trị, củng cố chức năng giáo dục của gia đình có vai trò hết sức quan trọng.

Nhiều thách thức trong xây dựng gia đình hiện đại

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa - TT - DL, Viện hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phân tích việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ hiện nay gặp không ít thách thức: “Có 4 thách thức đáng kể hiện nay: sự chia sẻ, bình đẳng và thương yêu giữa vợ và chồng; sự quan tâm và tôn trọng con cái; sự hiếu thảo và trách nhiệm đối với cha mẹ cao tuổi; sự hòa thuận và chia sẻ giữa anh chị em ruột đã trưởng thành”.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, xuất hiện kiểu gia đình mới như cha, mẹ đơn thân, ly thân, gia đình đồng tính.

Tuy nhiên do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột trong các gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, việc tiếp thu dễ dãi các tư tưởng, trào lưu, lối sống khác lạ đến từ bên ngoài khiến nhiều bạn trẻ không kiểm soát được hành vi, suy nghĩ, có lối sống buông thả, dễ dãi trong quan hệ tình dục, hôn nhân, gây suy giảm sức khỏe, nòi giống, để lại những hệ lụy lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trong điều kiện internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những lợi ích mang lại thì mặt trái của nó cũng đặt ra nhiều thách thức với các gia đình.

Trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông, tâm lý nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dùng, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân.

Một số người còn bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp, để lại nỗi đau và bi kịch cho nhiều gia đình.

ThS Trịnh Thị Thúy - Học viện Chính trị khu vực I cũng cho rằng, công nghệ truyền thông đang góp phần tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình.

Việc tương tác, giao lưu, chuyện trò, chia sẻ trực tiếp ngày càng bị giới hạn do giới trẻ dành quá nhiều thời gian cho tương tác ảo, theo đuổi những đam mê cá nhân.

Trong nhiều gia đình ở đô thị, mỗi người là một thế giới riêng, dẫn đến tình trạng cha mẹ, con cái không thông hiểu nhau, người trẻ dễ rơi vào những cạm bẫy.

Cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới với 922 người cao tuổi cho kết quả khoảng 8,1% từng bị bạo lực và 5,7% từng bị bạo lực trong 12 tháng trước cuộc khảo sát. Hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục người cao tuổi.

Người gây ra bạo lực thường là con đẻ (chiếm 88,3% trong các vụ). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hành vi bạo lực đối với người cao tuổi là sự tôn thờ giá trị đồng tiền ở một số người, sự khác biệt về lối sống và sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể đối với các gia đình.

Bên cạnh đó, chi phí khám chữa bệnh, chăm sóc người cao tuổi là gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình. Những mâu thuẫn nảy sinh, tích tụ từ gánh nặng kinh tế cũng góp phần dẫn đến các hành vi bạo lực cha mẹ, ông bà.

Giữ gìn hệ giá trị gia đình

Từ nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng gia đình hiện nay, theo các chuyên gia, việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia.

Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về trách nhiệm với gia đình được đặc biệt quan tâm.
Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về trách nhiệm với gia đình được đặc biệt quan tâm.

PGS.TS Đặng Thị Hoa - Viện trưởng Viện Tâm lý học khẳng định, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình trong thời kỳ hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

TS Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình cho rằng, để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Đây chính là hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc.

Theo bà, giá trị cốt lõi của gia đình là hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, chung thủy, các thành viên yêu thương, chăm sóc lẫn nhau.

Tại Vĩnh Long, BCĐ công tác gia đình đã được thành lập và luôn được kiện toàn từ tỉnh đến huyện, đến xã để lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác gia đình.

Ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở Văn hóa - TT - DL cho biết: “Cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng trong tình hình mới, tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững.

Chúng ta phải xác định công tác xây dựng gia đình là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của tất cả thành viên trong mỗi gia đình. Mọi người phải yêu thương, chia sẻ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng gia đình bình an, vui vẻ, hạnh phúc”.

Giá trị văn hóa nói chung và văn hóa gia đình nói riêng, từ trong truyền thống đến hiện tại đang có những vận động và biến đổi mạnh mẽ phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Cần xây dựng ý thức từ mỗi cá nhân và hệ giá trị gia đình Việt Nam vẫn nguyên giá trị nếu chúng ta biết giữ gìn giá trị truyền thống, tiếp thu những điều mới với tinh thần cầu thị.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh