Du lịch với cơ hội số hóa

12:12, 08/12/2022

Cùng với xu hướng chung của xã hội phát triển giai đoạn số hóa đồng bộ, thì tự thân ngành du lịch phải chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong rất nhiều lĩnh vực lữ hành, lưu trú, quản lý tour… khi mà những mô hình truyền thống không thể đáp ứng tốt.

 

Làng nghề gạch gốm Mang Thít tương lai trở thành Di sản đương đại, cũng sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo.
Làng nghề gạch gốm Mang Thít tương lai trở thành Di sản đương đại, cũng sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo.

Cùng với xu hướng chung của xã hội phát triển giai đoạn số hóa đồng bộ, thì tự thân ngành du lịch phải chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong rất nhiều lĩnh vực lữ hành, lưu trú, quản lý tour… khi mà những mô hình truyền thống không thể đáp ứng tốt.

Hiện nay, có nhiều công ty lớn đã đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua các đại lý du lịch công nghệ cao. Điều này, tăng tính tiện ích, giảm các chi phí và tiết kiệm thời gian, quan trọng đáp ứng sự hài lòng của du khách trước, trong và sau mỗi chuyến đi.

Các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.

Ngày nay, khách hàng hiện đại luôn có xu hướng tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Do đó, trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch tiện lợi mọi lúc mọi nơi chính là mong muốn của họ. Việc tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất. Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số ngành du lịch ngày nay không chỉ  là một chiến lược tùy chọn mà dần trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự phát triển không ngừng trong nhu cầu của khách hàng. 

Đối với địa phương, về mặt quản lý nhà nước Vĩnh Long nhận được lời khuyên từ các chuyên gia, chúng ta nên thực hiện đồng bộ chuyển đổi số đồng thời và đồng nhất ở lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch. Điều này, mang lại sự tiết kiệm cho chi phí triển khai và lợi thế khi cả hai lĩnh vực có tính hỗ tương mật thiết cùng bổ sung qua lại lẫn nhau.

Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Công ty Vietsoftpro, nêu ra vấn đề có một số địa phương đề nghị tách riêng hai lĩnh vực và thực hiện chuyển đổi số du lịch trước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế du lịch. Đây là hướng đi thực dụng nhưng không thực tế và kinh tế, thậm chí làm giảm đi vai trò hỗ tương của các sản phẩm du lịch đặc sắc từ lĩnh vực di sản văn hóa. Đây là hai lĩnh vực không nên tách rời nhau khi thực hiện đề án chuyển đổi số cho địa phương.

Ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa - TT - DL), cho rằng: Vĩnh Long là vùng đất có di sản văn hóa lịch sử đồ sộ, sẽ là yếu tố thuận lợi khi triển khai chuyển đổi số với tư cách là những sản phẩm du lịch, sẽ mang lại những lợi ích và những giá trị cao về quảng bá di sản địa phương, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.

Mặt khác, đưa di sản văn hóa tích hợp trong đề án chuyển đổi số ngành du lịch cũng là con đường nhanh nhất và rộng rãi nhất quảng bá hình ảnh đất nước, con người quê hương và những giá trị văn hóa, nhân văn của một vùng đất. Bởi lẽ, xu hướng du lịch trực tiếp, ngày nay đông đảo thích thú với hình thức du lịch trực tuyến, bởi nó tạo nên sự tiện ích trong những điều kiện khó khăn về kinh tế, thiên tai, dịch bệnh… Những di sản, di tích bảo tàng dễ dàng tiếp cận đến với công chúng ở phạm vi không giới hạn.

Đây sẽ là chiếc cầu nối hữu ích giúp cho sản phẩm du lịch trở nên phong phú, đa dạng; ngược lại thông qua con đường du lịch trực tiếp hay trực tuyến, những giá trị văn hóa lịch sử có nhiều cơ hội hơn đến với nhiều đối tượng hơn và nhiều địa bàn hơn. Giúp cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa địa phương, dân tộc, đất nước trở nên rộng rãi, thường trực hơn. Mặt khác, với hiệu ứng của công nghệ, kỹ thuật số phong cảnh, đất nước, con người và di sản trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Trước tiên thông qua du lịch trực tuyến, gieo ấn tượng, tình cảm đến du khách và đó là tiền đề để mời gọi một ngày nào đó họ sẽ đến tham quan vùng đất quê hương mình bằng hình thức trực tiếp khi có điều kiện.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh