Củng cố niềm tin từ lao động có tay nghề

01:06, 02/06/2023

Mặc dù theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) năm 2022, Vĩnh Long có thứ hạng giảm sâu so với năm trước. Tuy nhiên, về chỉ số thành phần đào tạo lao động (LĐ) lại có số hạng tăng vược bậc, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) về nguồn LĐ của tỉnh.

Vĩnh Long có ưu thế về nguồn lao động có tay nghề. Trong ảnh: Doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đào tạo, nâng cao trình độ người lao động.
Vĩnh Long có ưu thế về nguồn lao động có tay nghề. Trong ảnh: Doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đào tạo, nâng cao trình độ người lao động.

(VLO) Mặc dù theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) năm 2022, Vĩnh Long có thứ hạng giảm sâu so với năm trước. Tuy nhiên, về chỉ số thành phần đào tạo lao động (LĐ) lại có số hạng tăng vược bậc, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) về nguồn LĐ của tỉnh.

Chú trọng đào tạo nghề có chứng chỉ

Theo báo cáo CPI năm 2022, tỉnh xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 64,40 điểm. So với năm 2021, điểm số CPI 2022 chỉ giảm 1,03 điểm nhưng về thứ hạng lại giảm tới 17 bậc. Đây là năm mà thứ hạng PCI của tỉnh giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua.

Tuy nhiên, có 2 chỉ số thành phần trong PCI năm 2022 của tỉnh tăng hạng. Đặc biệt là chỉ số đào tạo LĐ tăng đến 30 bậc, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 chỉ xếp 60/63 tỉnh, thành phố).

Đây được xem là nỗ lực của ngành LĐ, giáo dục khi phấn đấu hoàn thiện và thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số này.

Theo Sở KH-ĐT, về chỉ số đào tạo LĐ, các tiêu chí mà DN đánh giá thực hiện tốt gồm: giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông của tỉnh có chất lượng tốt; tỷ lệ LĐ tại DN đã tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng;… Từ đó giúp DN giảm được chi phí tuyển dụng trong tổng chi phí kinh doanh.

Theo Sở Lao động-TB-XH, năm 2022, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, đồng thời được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành và địa phương, công tác đào tạo nghề cho người LĐ đã được phục hồi, đẩy mạnh và đạt được một số kết quả tích cực.

Tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp đạt 39.342 người (đạt 114% kế hoạch năm). Trong đó, trình độ CĐ có 423 người, trung cấp có 1.588 người, sơ cấp có 8.255 người, đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên là 29.046 người.

Tổ chức 219 lớp đào tạo nghề theo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng với 5.002 học viên, đạt và vượt kế hoạch năm, góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 59,85% (trong đó tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 20,25%).

Theo ông Nguyễn Trọng Hữu- Giám đốc Sản xuất Công ty Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long, nguồn LĐ của tỉnh tương đối đủ đáp ứng được nhu cầu sản xuất, hiện có khoảng trên 80% người LĐ trong công ty là người dân địa phương Vĩnh Long. Đồng thời cũng đánh giá cao thái độ làm việc, năng suất LĐ của người LĐ.

Tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo LĐ

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, năm 2023, tỉnh phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 35.000 LĐ.

Trong đó, hỗ trợ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng cho 5.000 LĐ, góp phần nâng tỷ lệ LĐ đã qua đào tạo đạt trên 61% (trong đó tỷ lệ LĐ đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 21,67%).

“Ước 6 tháng đầu năm 2023, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 14.626 LĐ, đạt 41,8% kế hoạch năm, góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 61,95%, tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 21,62%”- bà Hà chia sẻ.

Theo ông Phạm Ngọc Ký- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TX Bình Minh, hiện tại, căn cứ vào tình hình thực tế mà trung tâm mở các lớp đào tạo nghề thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN.

Trong khi đó, đơn vị cũng hợp tác đào tạo tiếng Nhật, đào tạo tin học ứng dụng để xuất khẩu LĐ sang Nhật, đồng thời đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty Nhật Bản trong và ngoài tỉnh.

“Có công ty liên hệ để nhận xuất khẩu LĐ sang Nhật hoặc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty Nhật Bản trên cả nước. Ngoài ra, tại trung tâm, học sinh cũng được giới thiệu đến các công ty Nhật Bản để tìm hiểu, định hướng yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai”- thầy Ký cho biết thêm.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề trong năm 2023 và thời gian tới, bà Huỳnh Thị Mỹ Hà cho biết sẽ tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, gắn với tuyên truyền tư vấn về việc làm, thông tin thị trường LĐ trong và ngoài nước;…

“Sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp dịch vụ công trong đào tạo nghề nghiệp.

Tiếp tục chú trọng tăng cường các hoạt động liên kết để mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề đạo tạo; tăng cường hoạt động kết nối, phối hợp giữa các trường, trung tâm, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với các ban ngành, đoàn thể, đơn vị dịch vụ việc làm, đơn vị dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các DN, làng nghề, HTX... nhằm thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người LĐ và cung ứng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng LĐ có kỹ năng nghề của DN”- bà Hà chia sẻ.

Hiện có 4 trường trung cấp ở ngoài tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp theo hình thức liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, Trung cấp Tổng hợp Sài Gòn, Trung cấp nghề Nhân đạo với các ngành nghề đào tạo như: tiếng Nhật, chăm sóc sức khỏe, y học cổ truyền, dịch vụ pháp lý, hướng dẫn du lịch,…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh