Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui lớn lao của bà con nghệ nhân làng nghề, cũng là niềm vui chung của người dân TX Bình Minh, người dân Vĩnh Long, khi quê hương có thêm một làng nghề truyền thống góp vào di sản chung của đất nước.
Khi trong chảo nổi váng, thợ dùng dao cắt lấy thành từng lớp tàu hủ phơi lên sào tre. |
Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui lớn lao của bà con nghệ nhân làng nghề, cũng là niềm vui chung của người dân TX Bình Minh, người dân Vĩnh Long, khi quê hương có thêm một làng nghề truyền thống góp vào di sản chung của đất nước.
Trở thành di sản là cơ hội lớn để làng nghề tiếp tục được bảo tồn và phát triển; cùng với đó rất nhiều vấn đề đặt ra phải làm sao để thương hiệu văn hóa tàu hủ ky Mỹ Hòa lan tỏa, bay xa hơn nữa.
Làng nghề bên vàm Tắc Từ Tải
Hồi đó, muốn qua làng nghề phải đi đò, phải nhờ người bơi xuồng qua rước, giờ thì các ngã đi về Mỹ Hòa đều có những cây cầu rộng lớn thuận tiện vô cùng. Sau mùa nước đổ các dòng sông trở nên trong vắt, chính là thời điểm có thể nấu ra những chảo tàu hủ ky ngon nhất; dài cho đến những ngày giáp Tết làng nghề tất bật, hối hả, những bếp lò đỏ lửa hết công suất để kịp cung ứng cho nhu cầu rất lớn của thị trường.
Ông Đinh Công Hoàng (73 tuổi) - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh, thuộc lớp nghệ nhân cao niên, sống và lớn lên cùng làng nghề trải qua mấy thế hệ, không giấu được niềm vui khi làng nghề được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: “Không thể nói hết niềm vui, niềm tự hào cùng với đó là niềm kỳ vọng lớn lao của tất cả bà con làng nghề sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Đây cũng là niềm vui chung của người dân xã Mỹ Hòa, người dân TX Bình Minh và tỉnh Vĩnh Long, khi làng nghề truyền thống của ông bà mình truyền lại gần trăm năm, hôm nay nhận được vinh dự lớn lao này”.
Nhìn lại lịch sử gần trăm năm của làng nghề tàu hủ ky, kể từ khi hai anh em người Hoa là ông Châu Phạch và Châu Sầm đã đến đây cùng sinh sống cộng cư nghĩa tình truyền thống ba dân tộc anh em: Kinh - Hoa - Khmer trên vùng đất Bình Minh này. Đặc biệt, dải đất hẹp Mỹ Hòa nằm bên bờ sông Hậu mênh mông và được bao bọc bởi vàm Tắc Từ Tải, nhánh sông Trà Ôn đã tạo nên những vùng đặc sản hiếm nơi nào có được.
Chính từ những dòng sông, con nước quê hương Mỹ Hòa, những nghệ nhân đầu tiên đã tạo nên những miếng tàu hủ ky thơm ngon nức tiếng cả vùng. Đất quê đãi người và con người nương tựa vào nhau mà mưu sinh, khai phá, mở mang vùng đất và làng nghề cũng theo đó hình thành từ sự truyền dạy cho nhau, mà được lưu giữ, phát triển cho đến hôm nay.
Sự hình thành của làng nghề tưởng chừng đơn giản như thế, nhưng đó là quá trình lao động sáng tạo của bao lớp thế hệ trải qua biết bao biến đổi thăng trầm của thời gian, cùng biết bao gian nan vất vả, khó khăn làng nghề vẫn giữ vững, tiếp tục được cải tiến và phát triển với sức sống mạnh mẽ tựa như những bếp lò vẫn đỏ lửa trong suốt gần thế kỷ qua không bao giờ tắt.
Những ai lớn tuổi ở TX Bình Minh đều biết thời các lò tàu hủ ky còn nấu bằng rơm, nhìn qua bên kia sông làng nghề chất đầy những cây rơm cao đến chục thước. Cứ hễ thấy nhà nào có mấy cây rơm tức là có nấu tàu hủ ky.
Từ những bếp lò nấu bằng rơm, mỗi hộ chỉ vài ba chảo, rồi 5 - 6 chảo là cùng, kiểu nấu bán loanh quanh trong xóm, mang một ít ra ngồi chợ. Hôm nay làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa đã phát triển khi thịnh hành có gần 50 hộ. Riêng Tổ hợp tác Sản xuất tàu hủ ky Mỹ Hòa có 29 hộ, trung bình mỗi hộ 100 chảo (có hộ gần 200 chảo). Năm 2013, làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”.
Năm 2017, tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh đạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu ĐBSCL. Và hôm nay, Làng nghề truyền thống tàu hủ ky Mỹ Hòa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở và cũng là cơ hội lớn để chúng ta cùng chung tay đưa làng nghề tiếp tục phát triển, thương hiệu tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh cần phải được lan tỏa, bay xa hơn nữa.
Trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề
Một làng nghề được công nhận di sản vẫn đang tiếp tục hoạt động và tàu hủ ky đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng, sử dụng thường xuyên trên khắp thế giới, đó là cơ hội lớn. Nhưng cũng còn đó rất nhiều thách thức khó khăn cho bà con giữ nghề, trước những biến động của thị trường, sự cạnh tranh khốc liệt, chưa phân biệt được hàng đặc phẩm và hàng thứ phẩm, rất khó nâng tầm giá trị dù sản phẩm đã được công nhận thương hiệu tập thể. Cùng với niềm vui, là rất nhiều trăn trở bà con nghệ nhân đặt ra với kỳ vọng được hỗ trợ một cách mạnh mẽ, bài bản, khoa học hơn để xoay quanh di sản làng nghề là những câu chuyện kinh doanh văn hóa xứng tầm với tiềm năng.
Hiện nay, chúng ta thấy Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa chưa phát huy được sức mạnh của làm ăn tập thể. Vẫn là kiểu “mạnh ai nấy làm”, những ai mạnh vốn thì có thể trữ nguyên liệu nhiều giảm được chi phí sản xuất do giá cả tăng theo thời vụ.
Những hộ có mối quan hệ khách hàng rộng lớn thì “đỏ lửa” thường xuyên, còn đa phần vẫn làm theo thời vụ và vẫn… tắt bếp vì không có đầu ra. Đây là điều vô cùng đáng tiếc, khi ngày nay khâu bảo quản, trữ lạnh có thể giúp sản phẩm tìm đến những thị trường rộng lớn trên cả nước, trên toàn cầu, nhưng đó là câu chuyện vượt quá tầm của bà con nghệ nhân làng nghề.
Điều đáng ngại là chất lượng sản phẩm không đồng đều nhau giữa các hộ trong làng nghề. Theo ông Đinh Công Hoàng, việc vớt tàu hủ thành phẩm quyết định chất lượng của cọng tàu hủ. Thí dụ, trung bình 100 chảo sẽ cho ra khoảng 150kg thành phẩm, nhưng nếu thợ tiếc mà vớt nhiều hơn nữa thì sẽ không còn ngon.
Và trong đó, người tiêu dùng cũng chưa phân biệt được hàng đặc phẩm và thứ phẩm. Ngoài chợ người bán cũng… vô chừng, giá cả bán “coi theo mặt”. Cho nên, tàu hủ biếu từ các chủ lò ăn sẽ nhớ đời, nhưng tàu hủ mua chợ có khi… rất tệ. Đó là những vấn đề… trì níu thương hiệu khó có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Những nghệ nhân uy tín họ luôn muốn giữ chất lượng hàng đầu để ổn định khách hàng. Nhưng tất cả các hộ làm nghề đều rất cần nguồn vốn lưu động, nguồn vốn để mở rộng, cải tiến công nghệ khoa học, bài bản, vệ sinh hơn.
Trong khi miếng tàu hủ, cọng tàu hủ rất lâu mới nhích lên chút đỉnh, nhưng giá nguyên liệu đầu vào thì tăng chóng mặt. Giá đậu nành từ khoảng 15.000 đ/kg, giờ đã vọt lên trên 20.000 đ/kg. Những hộ lớn như ông Hoàng cần trữ mùa Tết phải trên chục tấn đậu, than vỏ đước cần trữ 6 - 7 tấn từ 500 đ/kg cũng đã lên 2.000 đ/kg. Củi lúc nào cũng phải có trên trăm thước giờ tăng 25.000 đ/thước. Nói như bà con làng nghề: “Thứ gì cũng tăng dựng đứng, còn tàu hủ ky thì mấy năm trời mới nhích giá lên chút đỉnh”.
Chỉ riêng câu chuyện kinh tế, kinh doanh sao cho hiệu quả, làm sao để giữ vững và mở rộng làng nghề đã có quá nhiều khó khăn. Nhưng khi nhìn dưới góc độ một di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta cần có một kế hoạch cụ thể, một chiến lược dài hơi để khai thác hết cũng là quảng bá rộng rãi một thương hiệu đặc sản làng nghề.
Không chỉ giữ nghề mà còn bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử hàm chứa trong từng cọng tàu hủ. Đó là trách nhiệm đối với giá trị văn hóa lịch sử của một vùng đất. Xung quanh tàu hủ ky là mênh mông đề tài văn hóa ẩm thực, để những nghệ nhân có thể thỏa sức sáng tạo nhiều món ăn ngon, món ăn kiêng phù hợp với nhu cầu của thời đại.
Ngoài ra, nhiều người ở TX Bình Minh cũng chưa biết đến ốc đậu vô cùng thơm ngon, béo ngọt khi chế thành những món ăn độc đáo. Món này hồi trước muốn ăn chỉ có được từ các chủ lò, giờ thì đã bán nhiều ngoài chợ Bình Minh, nhưng chất lượng thì không cao. Ngay cách vớt, thời điểm vớt ốc đậu cũng quyết định chất lượng của sản phẩm.
Nhìn cù lao Mỹ Hòa nằm bên dòng sông Hậu mênh mông, bao bọc với vàm Tắc Từ Tải và dòng sông Trà Ôn mà tiếc, khi vùng đất đặc sản này chưa thể phát triển thành những làng du lịch cộng đồng với cái “địa lợi” nằm sát nách TP Cần Thơ.
Những dòng sông lạ lùng chảy qua vùng đất tạo nên những miền cây trái đặc sản như thanh trà, bưởi Năm Roi, làng nghề làm lu hũ (giờ đã không còn), đặc biệt làng nghề tàu hủ ky nức tiếng gần xa. Trong khi nhiều hãng lữ hành từ các địa phương khác họ đã khai thác cung đường này từ lâu rồi. Vấn đề là làm sao xây dựng những sản phẩm để du khách có thể dừng chân lại đây 1 - 2 đêm.
Nhiều lắm những kỳ vọng dành cho một làng nghề truyền thống đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cũng là những niềm hy vọng lớn lao cho vùng đất Mỹ Hòa xứng đáng được mệnh danh là vùng đặc sản của quê hương Bình Minh - Vĩnh Long.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin