Để xuất khẩu lao động quay lại "nhịp sôi động"

Cập nhật, 13:05, Thứ Bảy, 25/06/2022 (GMT+7)

Với 655 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động- XKLĐ) 6 tháng qua, số này tăng gần 9% so cùng thời điểm năm 2021. Dù còn thấp nhưng đây là kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy tiến tới chỉ tiêu đưa 1.700 người lao động đi XKLĐ trong năm 2022.

Lãnh đạo UBND tỉnh thăm gian hàng doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại ngày hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2022.
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm gian hàng doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại ngày hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2022.

Ngày 18/6, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây (Mitaco) thông tin, 2 nam lao động vừa có chuyến bay tới Nhật Bản để bắt đầu hành trình “chinh phục ước mơ”- XKLĐ của mình. Các bạn sẽ làm bên ngành kỹ thuật với chuyên môn đã học và sau thời gian học tiếng Nhật và chuẩn bị các kỹ năng ở tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy- Giám đốc Công ty TNHH Mitaco- cho biết hiện thị trường XKLĐ Nhật Bản đã mở cửa trở lại từ 1/3/2022, qua đây đáp ứng kịp thời nhu cầu tham gia XKLĐ của người lao động. Đơn vị này đang triển khai 4 nhiệm vụ giải pháp gồm: củng cố và tăng cường phối hợp thực hiện công tác XKLĐ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực đào tạo; đa dạng hình thức tuyên truyền, tư vấn, phổ biến chính sách XKLĐ; đẩy mạnh công tác đào tạo để tạo nguồn XKLĐ.

Ở đó, theo bà Thanh Thủy, để tạo nguồn XKLĐ lâu dài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Mitaco có kế hoạch đào tạo tiếng Nhật kết hợp với đào tạo nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT theo chính sách phân luồng giáo dục gắn với XKLĐ và tạo việc làm trong nước.

Từ năm 2016-2021, tỉnh Vĩnh Long đã đưa 6.372 người lao động đi XKLĐ. Các thị trường XKLĐ phổ biến, thu hút nhiều lao động tham gia là Nhật Bản (khoảng 86%), còn lại là thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến số lao động tham gia XKLĐ giảm xuống (năm 2019: 1.715 người, năm 2020: còn 815 người, năm sau đó: chỉ 546 người). Dù vậy, nhu cầu XKLĐ vẫn cao, vì nhiều ích lợi mà hoạt động này mang lại cho người lao động, hộ gia đình, đóng góp vào xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Sở cho biết, đầu năm đến nay đã tạo việc làm mới cho trên 15.700 lao động (tăng hơn 9%) so chỉ tiêu 20.000 người, trong đó đã XKLĐ 655/1.700 người so kế hoạch năm 2022.

Đến nay, tại tỉnh Vĩnh Long có gần 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng, đào tạo nghề và XKLĐ. Đại diện các công ty XKLĐ đề xuất cần tăng cường hơn nữa phối hợp giữa các đơn vị XKLĐ với sở ngành, chính quyền cơ sở để thông tin kịp thời, rộng rãi tới người lao động có nhu cầu XKLĐ, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát và các thị trường lao động mở cửa trở lại, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động tham gia XKLĐ.

Trên tinh thần này, một số điểm cần quan tâm để công tác XKLĐ đạt hiệu quả trong thời gian tới. Đó là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động XKLĐ. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia tư vấn, đào tạo lao động tham gia XKLĐ hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt các mô hình liên kết xã- thị trấn với doanh nghiệp đưa người đi XKLĐ. Đồng thời, lãnh đạo triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh về thực hiện cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động XKLĐ.

Hoạt động giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời tư vấn hỗ trợ học nghề miễn phí, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước.
Hoạt động giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời tư vấn hỗ trợ học nghề miễn phí, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước.

Bạn Nguyễn Hữu Nghị (sinh 2002, ngụ Vũng Liêm) đang học công nghệ ô tô Trường CĐ Nghề Vĩnh Long tham gia chương trình “cà phê việc làm” do Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức hồi tháng 4/2022, nói quan tâm tới thị trường XKLĐ Nhật Bản. Tương tự, bạn Kiên Hữu Đức (sinh 2004), cùng quê và đang học cùng trường nghề với bạn Hữu Nghị, cũng định chọn cho mình con đường XKLĐ Nhật Bản với chuyên môn đang học là cắt gọt kim loại. Mới đây hôm 22/6, trên fanpage của Mitaco thông tin vừa có thêm 2 bạn lao động nữ cũng đã đậu phỏng vấn XKLĐ ngành nghề điện tử và “hiện đang nỗ lực học tiếng Nhật để xuất cảnh”...

Trên là dấu hiệu cho thấy, cùng với thị trường lao động, việc làm trong nước đang phục hồi, hoạt động XKLĐ đang được các bên liên quan đẩy mạnh khôi phục, để quay lại “nhịp sôi động” như những năm trước.

Bài, ảnh: MINH THÁI