Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi cung cấp thông tin về Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 26/12, tại Hà Nội.
Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ, có tới hàng triệu đàn ông không thể lấy vợ. (Ảnh minh họa) |
Dân số Việt Nam “già ở nhóm già nhất”
Hiện, dân số Việt Nam với gần 98 triệu dân, đứng thứ 3 Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mục tiêu của nước ta là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số. Duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bổ dân số hợp lý.
Bên cạnh đó, công tác dân số ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là chênh lệch mức sinh giữa các địa phương; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng; tốc độ già hóa dân số nhanh; thực trạng mang thai, phá thai ở tuổi vị thành niên cao,...
Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Hiện, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tốc độ già hóa dân số liên tục tăng: Năm 2011 là 7%, đến năm 2019 là 7,6%.
“Thời gian để chúng ta thích ứng với vấn đề này rất ngắn (20 năm), trong khi ở các nước, thời gian để quá độ từ “già hóa” sang già là từ 21-115 năm. Cơ cấu dân số già sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước cả về kinh tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe”- ông Nguyễn Văn Tân cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, khi số lượng người cao tuổi tăng lên, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động giảm đi dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lao động. Không chỉ vậy, bình quân chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi gấp 8 lần chăm sóc một đứa trẻ, chưa có viện dưỡng lão công dành cho người cao tuổi.
“Đang có 5,2 người đóng bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng. Dự kiến đến năm 2050 chỉ có 2 người đóng và 1 người hưởng. Vì vậy, cần phải thay đổi chính sách đóng, hưởng, thu, chi để cân bằng giữa thu và chi bảo hiểm y tế, tránh tình trạng bội chi quỹ”- ông Nguyễn Văn Tân cho hay.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức nghiêm trọng
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tân, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ, có tới hàng triệu đàn ông không thể lấy vợ.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tâm lý của nhiều người muốn sinh con trai, phần lớn những người sinh con thứ 3 là để lựa chọn con trai. Chúng ta đang “ăn mặn” và khiến đời sau “khát nước” khi chỉ muốn sinh con trai mà không sinh con gái. Đặc biệt, giải pháp phát hiện, xử lý vấn đề này rất khó, bởi đây là việc vô cùng riêng tư của mỗi gia đình” – ông Tân chia sẻ.
Theo ThS. Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), hiện tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra; Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007; Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm; tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.
Tuy nhiên, lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng, các giải pháp thích ứng chưa được triển khai; chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, quản lý dân cư phân tán, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội hiện đại.
Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài. Theo Th.S Đỗ Thị Hồng, thời gian tới cần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, chuyển đổi hành vi và ủng hộ tích cực của toàn xã hội trong việc giải quyết các vấn đề duy trì vững chắc mức sinh thay thế; Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030./.
Theo Minh Khánh/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin