Thời gian qua, công tác chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo luôn được tỉnh Vĩnh Long chú trọng. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước thì các cơ quan, ban ngành và các địa phương trong tỉnh đã vận động được nguồn lực xã hội, cùng chăm lo hỗ trợ để trẻ em vượt khó.
Thời gian qua, công tác chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo luôn được tỉnh Vĩnh Long chú trọng. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước thì các cơ quan, ban ngành và các địa phương trong tỉnh đã vận động được nguồn lực xã hội, cùng chăm lo hỗ trợ để trẻ em vượt khó.
Các học sinh nghèo vượt khó được nhận học bổng trong chương trình”Gắn kết yêu thương- Vui bước đến trường”. |
Nâng bước
Mỗi năm, hàng chục ngàn suất học bổng nghĩa tình từ ngân sách tỉnh, từ nguồn vận động của Liên đoàn Lao động tỉnh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Qũy học bổng Trần Đại Nghĩa của THVL cùng sự đóng góp của các công ty, doanh nghiệp, tất cả đã tiếp sức, nuôi ước mơ cho học sinh nghèo được đến trường, vươn lên tìm tri thức.
Vĩnh Long còn rất nhiều những hoàn cảnh gia đình không ruộng đất, ba mẹ các em phải lam lũ làm thuê nuôi ước mơ cho các con tìm chữ.
Đó là em Trần Công Hậu ở Bình Tân (lớp 9/2, Trường THCS Tân Hưng). Nhà không ruộng vườn nên ba phải đi cuốc khoai mướn. Nhận học bổng 2 triệu đồng từ Chương trình “Gắn kết yêu thương- Vui bước đến trường”, em mừng lắm vì số tiền ấy với em rất lớn.
Hậu đưa hết cho mẹ để dành năm sau đóng học phí, mua tập sách cho anh em mình. Em Nguyễn Thị Ngọc Giàu ở Mang Thít (lớp 7/1 Trường THCS Chánh An) xúc động: “Mẹ con bệnh mất hồi con học lớp 1.
Công việc chụm lò của cha thì một bữa làm vài bữa nghỉ nên số tiền này chỉ đủ trang trải cho con đi học. Con sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng các nhà hảo tâm đã hỗ trợ, chia sẻ”.
Giàu nuôi mơ ước trở thành cô giáo để dạy những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Còn em Nguyễn Thị Thanh Tuyền ở Bình Tân (lớp 6/3, Trường THCS Nguyễn Văn Thảnh) tâm sự: “Chiếc xe đạp là ước mơ bấy lâu nhưng em hổng dám nói vì thấy ba mẹ mần cực quá. Hàng ngày, em lội bộ gần nửa tiếng để đi học. Vừa được tặng xe đạp, có xe mới chạy, em khoái quá hà. Em sẽ cố gắng học thật giỏi”.
Lan tỏa vòng tay yêu thương
Theo ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đã được thực hiện kịp thời, bằng nhiều hình thức; trong đó có sự hỗ trợ và đồng hành lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Từ năm 2011-2015, toàn tỉnh đã vận động được hơn 100 tỷ đồng để giúp đỡ trên 25.000 lượt trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, được phẫu thuật miễn phí và vui chơi vào các dịp lễ, tết.
Nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân cũng đã đóng góp thiết thực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thông qua việc đầu tư xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, cơ sở hạ tầng giao thôn nông thôn.
Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các em đi lại, học hành. Niềm mơ ước về một chiếc cầu bắc qua sông Cái Tàu- Sóc Tro để con đường đến trường được gần hơn của các em học sinh Trường Tiểu học Tô Hùng Vĩ (xã Tân Phú- Tam Bình) đã thành hiện thực.
Các em nhỏ không còn phải đi xuồng hoặc đi đường vòng thật xa mà giờ đã có cầu mới, đường đến trường gần hơn, an toàn hơn. Em Nguyễn Thị Kiều Vi (Trường Tiểu học Tô Hùng Vĩ) cho biết: “Hồi đó hổng có cây cầu, con đi vòng rất mệt, mất 30 phút mới về nhà, có cây cầu này con đi chừng 10 phút thôi”.
Đối với trẻ mồ côi, thời gian qua các cấp Hội về Người khuyết tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho các em được hưởng đầy đủ các chế độ bảo trợ theo quy định.
Niềm vui của trẻ em nghèo được nhận xe đạp đến trường. |
2 năm qua, Hội đã vận động và tặng hơn 1.200 xe đạp, gần 4.000 suất học bổng, hơn 300.000 quyển tập, cùng hàng ngàn phần quà gồm: sách giáo khoa, cặp học sinh và đồng phục cho học sinh mồ côi và khuyết tật.
Từ sự tiếp sức kịp thời ấy, nhiều trẻ mồ côi đã bớt đi tự ti, mặc cảm, có thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống. Em Nguyễn Thị Thu Hằng (Phường 9- TP Vĩnh Long) mồ côi cha mẹ từ lúc mới lên 6, phải sống nương nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của người bác ruột.
Bác của Hằng cũng không có nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ nguồn bảo trợ của hội và được một nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng mà Hằng đã có thể tiếp tục đi học và phấn đấu học tốt.
Từ sự quan tâm của các ngành các cấp và cộng đồng xã hội mà nhiều gia đình đã có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho con trẻ. Chính trong khó khăn, được cộng đồng nâng đỡ, nhiều em đã phát huy nghị lực, nhân cách, vượt lên số phận, vững bước đến tương lai.
|
|
- Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin