Ẩn họa đuối nước luôn rình rập trẻ

Cập nhật, 15:20, Thứ Sáu, 16/06/2017 (GMT+7)

Năm nào cũng vậy, cứ chớm hè là đã xuất hiện những vụ đuối nước thương tâm. Trẻ em bị đuối nước luôn là vấn đề nhức nhối mỗi dịp hè. Do vậy, rất cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Dạy trẻ biết bơi và hướng dẫn kỹ năng cứu người đuối nước là rất cần thiết.
Dạy trẻ biết bơi và hướng dẫn kỹ năng cứu người đuối nước là rất cần thiết.

Ám ảnh

Trong thời gian ngắn, hàng loạt địa phương xảy ra những vụ đuối nước rất thương tâm, khiến nhiều trẻ em bị tử nạn.

Phần lớn các vụ đuối nước xảy ra là do trẻ em tự ý đi tắm sông, hồ, biển mà không có phương tiện bảo hộ an toàn, không có người lớn giám sát. Theo báo cáo sơ bộ của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), từ đầu năm đến nay, đuối nước đã cướp đi sinh mạng gần 30 trẻ em trên cả nước.

Tại Tiền Giang, trong buổi chiều 15/5, xảy ra 2 vụ tai nạn làm 4 học sinh tiểu học chết đuối do rủ nhau tắm sông, tắm ao hồ.

Chỉ trong 15 ngày, ở tỉnh Bình Phước đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 5 học sinh tử vong.

Chiều 1/5, tại xã Long Tân (huyện Phú Riềng), 6 em rủ nhau đi chơi. Do thời tiết nóng bức nên cả nhóm xuống hồ để tắm, không may các em bị hụt chân rơi vào hố nước sâu, khiến 2 em tử vong. Trưa 15/5, 5 học sinh tiểu học rủ nhau vào rẫy điều chơi rồi xuống bắt nòng nọc tại ao, có 3 em trượt chân té bị chết đuối.

Ngày 12/3/2017, một trường tiểu học ở Long Hồ tổ chức đi tham quan, tắm biển ở Ba Động (Trà Vinh). Tiếc rằng chuyến đi này xảy ra vụ việc đau lòng, một học sinh lớp 5 đã bị đuối nước chết. Một trường hợp khác, do người lớn bất cẩn, nên bé 2 tuổi vô nhà tắm chơi thì bị té chúi đầu vô xô nước dẫn đến ngạt nước chết.

Với nhiều gia đình, tai nạn đuối nước đã trở thành nỗi đau, nỗi ám ảnh lớn khi cướp đi sinh mạng những đứa con thân yêu của họ.

Đa phần những tai nạn đuối nước trẻ dưới 5 tuổi đến ngay trong nhà, từ các loại xô, chậu chứa nước… Những trẻ lớn hơn thường tử vong tại các khu vực ao, hồ, sông nước. Chính vì vậy, sự giám sát, quan tâm chú ý của các bậc cha mẹ là cực kỳ quan trọng.

Đừng để trẻ tử vong do đuối nước

Thông thường, trẻ đuối nước là do không biết bơi. Song, thực tế tại Vĩnh Long có nhiều em biết bơi vẫn đuối nước vì chủ quan tắm ở những nơi có dòng nước chảy xiết, ao hồ sâu, vắng người, không có người lớn trông coi và thiếu kỹ năng phòng chống đuối nước. Trong năm 2016, toàn tỉnh có 20 trẻ em tử vong do đuối nước.

Do gia đình bận mưu sinh, quản lý không chặt chẽ nên các em tụ tập vui chơi ở những nơi không an toàn, gần mé nước. Nhiều em biết bơi nhưng do thiếu kỹ năng cứu đuối khi bạn mình bị đuối nước mà rồi cũng chết vì đuối nước.

Thời gian qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kiến thức phòng chống đuối nước trẻ em; phối hợp xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng; mở các lớp dạy bơi cho trẻ; phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Hiện đa số các trẻ từng bị đuối nước đã biết bơi.

Để giảm thiểu và ngăn chặn tai nạn đuối nước xảy ra cho trẻ em, trước hết cần trang bị cho trẻ kỹ năng bơi và kỹ năng xử lý khi gặp đuối nước. Song trong tỉnh số lượng hồ bơi còn ít, chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, thị trấn nên chưa đáp ứng được nhu cầu dạy bơi cho trẻ.

Các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ vùng nông thôn chưa được tổ chức thường xuyên, số lượng trẻ được học bơi miễn phí rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí cho các hoạt động phòng chống đuối nước còn rất hạn chế.

Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em, cấp bách nhất là việc dạy bơi và kỹ thuật sơ cấp cứu để trẻ biết tự cứu mình, cứu bạn.

Cha mẹ cần tăng cường giám sát trẻ. Tạo môi trường an toàn cho trẻ: đậy nắp giếng nước, hố nước, rào chắn ao hồ, cắm biển báo nguy hiểm. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông,… có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 1- 2 phút. Đây cũng chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Nhà trường nên đưa kiến thức phòng chống đuối nước, dạy bơi cho trẻ song hành với kỹ năng sống để giúp các em hiểu biết hơn và sẽ tránh được những tai nạn thương tâm.

 

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010- 2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao là 5- 14 tuổi. 

 

Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.

 

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG