Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ- cần câu cho lao động nữ

Cập nhật, 12:52, Thứ Tư, 01/02/2017 (GMT+7)

Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm; cụ thể là xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế luôn được các cấp hội phụ nữ chú trọng thực hiện, qua đó đã thành lập được nhiều mô hình kinh tế tập thể, các hợp tác xã giải quyết việc làm cho đông đảo lao động nữ.

Hợp tác xã Quyết Thắng vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho gần 1.000 lao động nữ nông thôn.
Hợp tác xã Quyết Thắng vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho gần 1.000 lao động nữ nông thôn.

Cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ được tập trung triển khai không chỉ qua Trung tâm Dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mà còn bằng hình thức phối hợp liên kết, mở lớp lưu động, được tổ chức linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm sau học nghề, hỗ trợ vốn, xây dựng các mô hình tạo việc làm tại chỗ.

Các cấp hội đã phối hợp mở được trên 1.000 lớp dạy nghề đan tiểu thủ công nghiệp, nữ công gia chánh, may công nghiệp với trên 31.000 chị tham dự; tư vấn giới thiệu và tạo việc làm trên 72.300 chị.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh như gắn kết hỗ trợ vốn vay với dạy nghề, kỹ năng kinh doanh; thành lập các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,… được tổ chức thường xuyên.

Các cấp hội đã vận động hỗ trợ thành lập và nhân rộng được 317 mô hình kinh tế như: hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ/nhóm phụ nữ chăn nuôi, trồng trọt, giúp trên 18.600 chị em cải thiện thu nhập.

Chị Huỳnh Thanh Trang đã tạo công ăn việc làm, giúp nhiều chị em cải thiện cuộc sống.
Chị Huỳnh Thanh Trang đã tạo công ăn việc làm, giúp nhiều chị em cải thiện cuộc sống.

Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ vốn vay và thành lập được 7 mô hình kinh tế tập thể; 9 mô hình tạo việc làm tại chỗ, thu hút đông đảo lao động nữ tham gia, góp phần nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới.

Bà Phan Kim Quyên- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Nhìn chung, hoạt động vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của chị em phụ nữ, phát huy nội lực, tương trợ, đoàn kết, giúp nhau vượt khó thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Các mô hình hợp tác xã đã góp phần rất lớn giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động nữ nông thôn, tại đây các chị được học nghề và được cung cấp hàng làm với thu nhập khá ổn định.

Cải thiện cuộc sống đáng kể

Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh- Tam Bình), riêng trong năm 2016, đã giúp khoảng 1.000 lao động nữ nông thôn cải thiện được cuộc sống.

Chị Phạm Thị Tơ- Giám đốc hợp tác xã cho biết, không sợ thiếu việc làm, nếu các chị chịu học hỏi tay nghề cao thì thu nhập càng cao hơn. Hướng tới sẽ mở thêm các lớp dạy nghề cho phụ nữ dân tộc, giúp các chị có điều kiện lao động kiếm sống.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh (ấp An Hòa, xã Bình Ninh) phấn khởi cho biết, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế đã tạo sự thay đổi lớn cho chị em phụ nữ.

Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng cùng với Trung tâm Dạy nghề của huyện đã dạy nghề tạo công ăn việc làm cho lao động nữ với thu nhập từ 1,7- 2,5 triệu đồng/tháng. Các chị vui mừng lắm vì cải thiện được cuộc sống đáng kể.

Hợp tác xã Sản xuất tiểu thủ công nghiệp Hòa Lộc (Tam Bình) sản xuất khoảng 200 sản phẩm thủ công mỹ nghệ các loại, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động với thu nhập từ 1,3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Huỳnh Thanh Trang- Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lộc cho biết: “Trước đây, tôi học lớp đan lục bình tại địa phương ra làm thấy hiệu quả nên đi tìm nguồn hàng.

Hợp tác xã An Phú giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Hợp tác xã An Phú giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Được người quen giới thiệu cho công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tôi liền đến tận nơi học nghề và làm đại lý cấp 1 cho công ty. Nhờ làm ăn hiệu quả mà thu hút được nhiều lao động trong và ngoài huyện tham gia”.

Còn vợ chồng anh Phạm Nguyễn Hoàng Anh và chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (ấp Tường Chí B, xã Tường Lộc- Tam Bình) thì anh làm nghề sửa xe gắn máy, chị nội trợ. Họ đã học nghề và lấy hàng của hợp tác xã về làm gần 2 năm nay.

Cứ khoảng 2 tuần là anh chị làm được hơn 200 chiếc giỏ hình chữ nhật (3.500 đ/giỏ). “Làm thêm có tiền, trang trải chi phí hàng ngày đỡ lắm. Nhờ đó, cuộc sống vợ chồng tôi bớt khó khăn”- anh chị vui mừng chia sẻ.

Còn chị Huỳnh Thị Kim Hơn (Ấp 1, xã Hòa Thạnh- Tam Bình) là một thợ giỏi với kinh nghiệm nhiều năm. Hiện chị đã trở thành kỹ thuật viên của hợp tác xã và một ngày có thể làm được từ 60.000- 100.000đ. Cuộc sống gia đình nhờ thế cũng khá hơn.

Hợp tác xã Gia công sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu An Phú (ấp Phú An, xã Phú Đức- Long Hồ) cũng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, để trở thành đơn vị vững mạnh, nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Từ tổ hợp tác chuyên sản xuất gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu cùng đội ngũ lao động có tay nghề cao, nay đã phát triển thành hợp tác xã với các sản phẩm đa dạng về mẫu mã cũng như chất lượng ngày càng nâng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Với tiêu chí giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trong và ngoài tỉnh, tạo thu nhập cho các thành viên, hợp tác xã hiện tại giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động tại nhà (trên 2,5 triệu đồng/người/tháng) và hơn 30 lao động trực tiếp sản xuất tại chỗ, thu nhập từ 3,8- 5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của thành viên hợp tác xã cũng trên 3,5 triệu đồng/tháng.

Hướng đi đúng đã tạo động lực lớn cho phong trào phát triển kinh tế tập thể trong giới nữ ở các địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho phụ nữ và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ đã góp phần giúp 7.640 hộ thoát nghèo, trong đó có 3.568 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đóng góp thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: HẢI YẾN