"Có những câu chuyện phía sau cái cây hay lắm"- câu nói của ông Nguyễn Văn Mẫn- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long- đã thúc giục tôi đi tìm những mảnh ghép.
“Có những câu chuyện phía sau cái cây hay lắm”- câu nói của ông Nguyễn Văn Mẫn- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long- đã thúc giục tôi đi tìm những mảnh ghép.
Chúng tôi muốn “ngược dòng” quá khứ dưới tán cây cổ thụ xuyên không gian, thời gian với tầng tầng lớp lớp ký ức đẹp đẽ cùng biến thiên của lịch sử qua bao thế hệ đời người…
Cây sao 416 tuổi ở chùa Ba Phố. |
Chứng nhân của lịch sử
Chúng tôi đến chùa Ba Phố, còn gọi tên chùa Kolbôrây (chùa Cũ) ở xã Loan Mỹ (Tam Bình) để mục sở thị cây sao tuổi thọ 416 năm cùng ngôi chùa qua nhiều đời sư cả, đứng sừng sững trong khu mộ tháp.
Đúng là danh bất hư truyền, cây sao đã sống gần nửa thiên niên kỷ trong không gian chùa Cũ uy nghi, gốc cây to chừng 4 người ôm không giáp…
Theo tài liệu của UBND xã Loan Mỹ, cây sao đã gắn bó với ngôi chùa từ khi được xây vào thế kỷ XVI. Trải qua hơn 4 thế kỷ, cây sao đứng giữa vùng đất đầu giồng chứng kiến tình đoàn kết của bà con 2 dân tộc Kinh và Khmer quây quần sinh sống, cùng tập quán tín ngưỡng tâm linh lâu đời qua những lễ hội ngày mùa, giỗ tết.
Họ đã bao đời gửi gắm tro xương của tổ tiên vào tháp, cùng nhau góp sức, góp công bảo tồn ngôi chùa, xây dựng quê hương. Cây sao còn là “chứng nhân” của lịch sử qua 2 thời kỳ đấu tranh chống Pháp và đế quốc Mỹ, là điểm hẹn, nơi liên lạc cất giấu tài liệu.
Như vậy, cây sao cũng đã “kề vai sát cánh” cùng ngôi chùa và người dân ở đây bảo vệ, nuôi chứa cho nhiều cán bộ cách mạng góp phần giải phóng quê hương.
Đó quả là những mảnh ghép lấp lánh, tưởng chừng chỉ cần chạm vào lớp da cây sần sùi, bạc phếch màu thời gian như đã hóa thạch thì quá khứ lại hiện về.
Thế nên dường như không gì quật ngã được nó. Dù qua nhiều biến cố khốc liệt của chiến tranh hay trận sét đánh làm mất một phần thân khiến vết sẹo hằn sâu, nhưng cây vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt như con người và cảnh vật nơi đây cùng năm tháng.
Sức sống mãnh liệt cũng là “tố chất” cây bằng lăng trên 230 năm tuổi ở UBND xã Mỹ Lộc (Tam Bình) và quanh nó có nhiều mảnh ghép gắn với 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân vùng căn cứ cách mạng Cái Ngang.
Quanh cây bằng lăng là những mảnh ghép như truyền thuyết. Kể rằng, cây mọc giữa vùng nông nghiệp yên bình, thân cây cao tỏa bóng mát giúp nông dân nghỉ trưa, trú nắng ngày mùa.
Lúc chiến tranh, cây bằng lăng là điểm du kích ta làm pháo đài quan sát, điểm hẹn của các lực lượng giao liên, chuyển thư cách mạng, cũng là bàn đạp cho những đợt tiến công và cũng là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch khiến cả khu vực bị bom bừa, chất độc khai hoang tàn phá…
Do vậy, như ông Nguyễn Văn Mẫn nói “cây bằng lăng không cao lớn mà chỉ còn một khúc, cây không chết mà ra nhiều tược non trên gốc cây vững chãi đầy u nần…”, cho thấy những chứng tích thời gian trên cây là cuộc đời rất thật.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc Võ Ngọc Liền đã gọi cây bằng lăng là “nhân vật chính” chứng kiến 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nơi vùng Cái Ngang.
Chính vì thấy được giá trị “chứng nhân” lịch sử nên từ năm 1998, ông Võ Ngọc Liền lúc ấy mới nhận chức Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa- Xã hội xã Mỹ Lộc, nhận nhiệm vụ vận động đưa cây bằng lăng từ vườn ông Ba Vẹn về trụ sở UBND xã.
Ông còn nhớ như in lúc bứng cây chủ yếu dùng sức người đào gốc, lăn xeo… hơn 2 ngày mới nhích được thân cây nặng 7- 8 tấn từ vườn “nằm cái ì xuống sông”.
Rồi mất cả ngày dùng thùng phuy, dây luộc buộc be 2 bên, đợi con nước lớn kè về bến sông khu chợ Cái Ngang. Tới đây, phải có máy cày và cả một đại đội 100 quân mới đưa được cây lên trồng trước sân UBND xã…
Rất nhọc công, nhưng giá trị lịch sử- văn hóa của cây rất lớn, đến nỗi nhiều cán bộ của tỉnh từng bảo rằng “cây bằng lăng phải đưa về Tỉnh ủy mới cân xứng”.
Có người đề nghị đổi cây bằng lăng thì “xã muốn xe tặng xe, muốn bo bo cho bo bo”, một doanh nghiệp kêu “chung liền 70 triệu” thời đó…
Chính quyền và nhân dân Mỹ Lộc quyết giữ lại cây làm kỷ niệm, giữ lại “chứng nhân” trân trọng nhắc nhở quá khứ gian lao mà anh dũng của cha ông, của vùng đất Cái Ngang cho thế hệ mai sau.
Giữ gìn di sản cho muôn đời sau
Đến nay, cây có tuổi thọ cao nhất 416 năm là cây sao ở chùa Ba Phố. Ít tuổi nhất là cụm 26 cây sao tại Văn Thánh miếu cũng đã vào hàng 72 năm, những cây còn lại đều từ 100- 300 năm tuổi.
Nếu cây sao ở chùa Ba Phố là “biểu trưng tình đoàn kết 2 dân tộc Kinh- Khmer”- theo lời ông Nguyễn Văn Mẫn, thì cây đa Cửa Hữu gắn liền với thành Long Hồ được xây dựng năm Quý Dậu (1813, cách đây 203 năm), nơi trấn Vĩnh Thanh (nay là TP Vĩnh Long)- trung tâm quyền uy đất phương Nam của Tổ quốc.
Tương truyền xung quanh di tích cây đa Cửa Hữu xưa kia có một gò đất cao, phía ngoài có hào nước, lục bình mọc dày kín. Hồi xưa, cây đa lớn lắm, nhưng trải qua năm tháng chiến tranh, cây lụi tàn, từ thân cây mẹ mọc lên cây đa con còn đến ngày nay, và cũng là nơi đánh dấu vị trí cửa Hữu thành Vĩnh Long xưa.
Ông Nguyễn Văn Mẫn xác nhận, cây đa hiện tại nơi di tích Long Hồ dinh chỉ là cây đa con, nhưng dáng thế rất uy nghi, vững vàng…
Văn Thánh miếu là điểm đến tham quan lịch sử, thu hút du khách khi tới Vĩnh Long. |
Còn 2 hàng cây sao với 26 cá thể là một quần thể gắn liền với công trình kiến trúc Văn Thánh miếu mang đầy công tích thể hiện lòng trung kiên với Tổ quốc, quyết giữ gìn truyền thống dân tộc, chống giặc ngoại xâm.
Văn Thánh miếu được lập từ năm 1862 do các vị công thần không chịu làm tay sai cho giặc Pháp nên rời khỏi Gia Định, Biên Hòa về Vĩnh Long tị địa… Còn hàng cây sao đến năm 1944 được trồng do Ban chấn hưng khu di tích trùng tu.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, 49 cây, cụm cây ở Vĩnh Long vừa được đón bằng công nhận Cây di tích lịch sử- văn hóa Việt Nam thì mỗi cây, cụm cây đều hàm chứa giá trị lịch sử- văn hóa quý giá.
Cây gắn với công sức các bậc tiền nhân từ khai hoang mở đất, suốt quá trình dựng nước, giữ nước, đặc biệt là chứng nhân của các sự kiện lịch sử cách mạng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc…
Sắp tới, sẽ tiếp tục hoàn tất hồ sơ cho nhiều cây cổ thụ có giá trị để được công nhận cây di sản nhằm có giải pháp chăm sóc, bảo quản cây được sống bền vững, lâu dài.
Ngày 3/11, Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã tổ chức cấp bằng công nhận Cây di tích lịch sử- văn hóa Việt Nam cho 10 cây, cụm cây tại Vĩnh Long. Đó là: cây sao ở chùa Ba Phố ở xã Loan Mỹ, cây bằng lăng ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình), cây đa trong Khu di tích Cửa Hữu thành Long Hồ (UBND Phường 1- TP Vĩnh Long), cụm cây sao Khu di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia Văn Thánh miếu (Phường 4- TP Vĩnh Long) và 6 cây, cụm cây nằm trong khuôn viên Bảo tàng Vĩnh Long, gồm: 11 cây dầu, 1 cây cồng, 2 cây bồ đề, 2 cây sao, 2 cây me và 2 cây cọ. Cây sao ở chùa Ba Phố có tên khoa học là Hopea odarata, có tuổi thọ cao nhất 416 năm, cao 55m, đường kính gốc trên 2m. Trong thời chiến tranh, ngay cạnh cây sao có một hầm bí mật nuôi chứa cán bộ, nơi đây được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2003. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin