Tiếng ngon từ làng lan ra khắp xứ

Cập nhật, 16:00, Chủ Nhật, 29/01/2017 (GMT+7)

Nghe tiếng bánh tráng cù lao Mây ngon vị gạo, thơm tho mùi nắng ở tuốt hạ lưu. Nghe “đồn” tàu hủ ky Mỹ Hòa hơn nửa thế kỷ lửa lò vẫn đỏ… Chúng tôi men theo sông Hậu về miền ẩm thực quê mình, những ngày giao mùa gió chướng thổi rao rao.

Bánh tráng cù lao Mây- ngon vị gạo, thơm mùi nắng

Bánh tráng cù lao Mây được phơi khô dưới nắng vàng tươi.
Bánh tráng cù lao Mây được phơi khô dưới nắng vàng tươi.

Đi phà Trà Ôn qua cù lao Mây bây giờ không còn nhìn thấy chợ nông sản nổi ở ngã ba sông tấp nập là điều luyến tiếc, nhưng khách sẽ tạm quên cảm giác đó khi hòa trong màu xanh ngát cây trái.

Hơn nữa, vừa đặt chân tới lò bánh liền được dỗ dành bằng cái bánh ướt sữa ngọt nóng mới ra lò…

Theo những người lớn tuổi, làng nghề bánh tráng cù lao Mây (ấp Tân Thành, xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) ở gần cuối hạ lưu sông Hậu có hơn trăm năm tuổi, với sản phẩm bánh nem, bánh ngọt sữa, bánh nướng…

Nghề làm bánh như có sẵn trong máu những người phụ nữ cần mẫn như bà Ba Gấm (Lê Thị Gấm, 85 tuổi). Bà nói, biết tráng bánh từ năm 17 tuổi.

Xưa vùng này mỗi năm làm một vụ lúa mùa. Gia đình bà làm mười mấy công ruộng, lúa cắt gần tháng Chạp ngoài trăm rưỡi giạ, đem ví bồ cũng không quên phần xay bột tráng bánh ăn tết.

Bà Ba Gấm bảo: Cái miểng dừa làm đồ gạc tráng bánh được lựa rất kỹ từ những trái dừa khô đít bằng, đem cạo, đẽo rồi mài cục đá cho nó tròn nhẵn.
Bà Ba Gấm bảo: Cái miểng dừa làm đồ gạc tráng bánh được lựa rất kỹ từ những trái dừa khô đít bằng, đem cạo, đẽo rồi mài cục đá cho nó tròn nhẵn.

Bà Ba Gấm bảo nhà tráng bánh quanh năm, thức khuya dậy sớm, ham tảo tần chứ gia đình không đến nỗi. Bởi người phụ nữ nào cũng thích làm chiếc bánh đẹp, ngon nhất.

Bánh nem ngon phải dai, không chua, bí quyết ở chỗ bột gạo được tẻ nhiều lần, khi trong nước thì mới bỏ muối quậy đều...

Đơn giản vậy, nhưng không phải ai quậy bột cũng lên được bánh ngon, đều đẹp và trắng như bánh bà Ba Gấm… “Cứ năm bảy bữa, mấy đứa con gái tụi tui xuống xuồng qua Trà Ôn chất bánh đầy tàu hàng Trà Ôn đi Cần Thơ đem lên chợ bán. Người ăn khen bánh Ba Gấm ngon mà còn đẹp.

Thời đó tiền trăm bánh có tám chục đồng mà ham gần chết”- bà kể trong giọng cười thật hiền hậu. Bây giờ bà Ba không còn đứng tráng bánh như “hồi đó”, chỉ lâu lâu nhớ bánh thấy con cháu tráng bánh mới nhảy vô “làm cho bây coi”. Mấy nhỏ trầm trồ “bà Ba tráng bánh đẹp quá trời” liền có đứa khác hứ: “thợ mà mậy”.

Cặp miểng dừa “bảo bối” nghề tráng bánh của bà Ba Gấm.
Cặp miểng dừa “bảo bối” nghề tráng bánh của bà Ba Gấm.

Bà Ba vào gian bếp lục trong tủ chén lấy cặp miểng dừa từng làm ra không biết bao nhiêu cái bánh mà nói. Chiếc miểng dừa được lựa rất kỹ từ những trái dừa khô đít bằng, đem cạo, đẽo rồi mài đá cho nó tròn nhẵn.

Nâng niu cái miểng dừa “bảo bối”, vừa làm động tác xoay tròn tròn “biểu diễn”, bà giải thích: “Ở đây đồ tráng bánh không có cán cầm, mà cầm đồ gạc đứng sát bên lò, khéo tay kéo gạc chan bột đều rang trên khung vải căng tròn”.

Thế nên dù “chân đau đứng hết nổi”, nhưng bà Ba vẫn giữ nó như kỷ vật quý giá: “Chỗ nào xin tui cũng không cho. Tui chỉ để dành cho cháu nội tráng bánh tết”.

Có lẽ từ tình yêu với từng chiếc bánh, với nghề như vậy mà nhiều thế hệ ở làng đã kế nghiệp cha truyền con nối. Tiếng ngon lành từ miệt cù lao Mây đã đưa bánh đi khắp xứ, còn “theo chân Việt kiều đi đủ nước hết: Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Pháp…”- ông Lương Văn Thông- Chủ cơ sở Lệ Hằng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Bánh tráng cù lao Mây và cũng là người nối tiếp truyền thống “bà nội, mẹ, chị tôi… làm nghề này” vui vẻ khoe, vì “hồi đó bánh làm bán chợ vườn chứ đâu nghĩ nó đi xa vậy”.

Thế hệ tiếp nối như ông Thông đang từng bước thay đổi làng nghề bằng phương thức tổ chức sản xuất mới, “thay áo mới” cho chúng: sang trọng, đóng gói chân không, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhưng đổi gì thì đổi, còn cái vị ngọt ngon của gạo, cái mùi nắng thơm tho của đất phương Nam hào phóng và cái tình ý của những người thợ làng nghề thì vẫn tròn trịa trong từng chiếc bánh tráng cù lao Mây hôm nay. Những chiếc bánh miền quê dân dã đã đánh thức miền ký ức tuổi thơ của bao người miền Tây xa xứ…

Xóm tàu hủ ky Mỹ Hòa- món ăn nhà nghèo lên hàng đặc sản

Vàng rượm tàu hủ ky Mỹ Hòa. Ảnh: Nguyễn Bách Thảo
Vàng rượm tàu hủ ky Mỹ Hòa. Ảnh: Nguyễn Bách Thảo

Ở “thị trấn xóm nghề” (nay là TX Bình Minh) một thời vang bóng với hàng loạt xóm nghề như: xóm nấu bắp, xóm lu, xóm chao, xóm guốc, xóm nhang, xóm bầu cải, xóm mứt, xóm cốm dẹp…

Ngày nay, có những xóm nghề chật vật như xóm nhang, xóm chao; cũng có xóm nghề đã mãi đi vào dĩ vãng như xóm guốc, xóm lu… thì cũng có xóm nghề đang vận động để thích ứng, tồn tại và phát triển trong nhịp sống hiện đại, mà trong đó, xóm nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa là một minh chứng.

Xóm tàu hủ ky Mỹ Hòa đã tồn tại hơn 60 năm, nhiều người kể rằng xóm nghề hình thành từ thời anh em nhà Châu Phạch và Châu Sầm đến vùng đất này khởi nghiệp, bà con trong vùng thấy hay đến xin học nghề.

Từ đó, những miếng tàu hủ ky vàng ruộm vương mùi khói đặc trưng cùng giàn sợi tàu hủ ky chờ nắng dọc bờ sông đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở xóm nghề.

Tự hào là người nối nghiệp truyền thống gia đình “từ thời còn nấu bằng rơm”, sản lượng mỗi lò chừng 20 kg/ngày, ông Đinh Công Hoàng- Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa- cho biết tàu hủ ky từ món ăn của nhà nghèo đã trở thành đặc sản của làng nghề và có thị trường tiêu thụ rộng mở.

Nguyên liệu chính của tàu hủ ky là đậu nành 100% và không dùng bất kỳ hóa chất nào. Quy trình chế biến khá đơn giản, đậu nành ngâm, rút vỏ thật sạch, xay thành bột rồi vắt lấy nước và đổ vào chảo to nấu trên lò lửa than nóng âm ỉ, khi đậu lên váng, thợ nấu sẽ dùng thanh trúc vợt miếng tàu hủ phơi vắt trên sào.

Tuy vậy, ông Hoàng bảo: “Tàu hủ ky rất kén đậu. Để lên ván đậu đẹp, phải lựa đậu trên sàn, đậu mới và nước phải trong”.

Tàu hủ ky không chỉ dành riêng cho các món chay mà rất đa dạng trong chế biến, chay mặn đều dùng được. “Năm nay, mới rằm tháng 10 các lò đã hoạt động hết công suất mà không đủ bán, vì ngoài thị trường truyền thống là các chợ miền Tây, miền Đông, thị trường mới là các siêu thị, miền Trung, miền Bắc cũng cần sản phẩm mình”- ông Hoàng nói vui “hàng bán chạy quá, thợ làm muốn… bịnh luôn”.

Hiện nay các lò tàu hủ ky có công suất khá cao, lò nhỏ 50- 60 kg/ngày, lò lớn 300- 400 kg/ngày (chiếm khoảng 40% số hộ sản xuất tàu hủ ky), mỗi ngày xóm nghề sản xuất khoảng 4 tấn tàu hủ ky gồm nhiều loại như: tàu hủ miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối… đặc biệt, bên cạnh việc giữ gìn nghề cùng cách chế biến truyền thống, sản phẩm làng nghề còn đặc biệt chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thị trường rộng mở đã tạo điều kiện cho người dân sống với nghề tốt hơn, giúp những nghề truyền thống ngày càng phát triển, hội nhập theo thời đại. Và còn hơn thế nữa, những làng nghề đã góp phần giới thiệu nền văn hóa ẩm thực phương Nam đến khắp mọi miền đất nước. 

Bài, ảnh: AN HƯƠNG