"Ăn theo" ngày tết

Cập nhật, 16:40, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Chuẩn bị vui xuân đón tết cổ truyền, mọi nhà đều sắm sửa, trang hoàng nhà cửa… Từ đó, xuất hiện nhiều nghề, dịch vụ “ăn theo” ngày tết. Với nhiều người, thời điểm cận tết là vào mùa làm ăn…

Ngày tết, dù khó khăn cách mấy thì mỗi gia đình cũng gói ghém tiền bạc để có được những đòn bánh để cúng kiếng gia tiên, ông bà, cha mẹ.

Dịp này đã xuất hiện nhiều loại bánh nổi tiếng cả nước để phục vụ “thượng đế” vốn tất bật vào những ngày giáp tết. Nếu Trà Vinh có bánh tét Trà Cuôn; Cần Thơ có bánh hỏi mặt võng bánh tét lá cẩm thì Bến Tre có bánh tét in chữ vang danh.

Đó là chưa kể hàng trăm lò bánh quy mô nhỏ hơn mà chất lượng cũng không hề thua kém, giá cả phù hợp túi tiền nhiều gia đình.

Bà Trần Thị Lê ở Tam Bình, cho biết: “… Gia đình tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng của bà con, thường thì bắt đầu nấu vào khoảng 26 đến 29 tết là kết thúc. Năm nay, gói khoảng 500 đòn bánh tét các loại, nhiều nhất là đậu xanh lạp xưởng, mỡ hành, nếu trừ hết các khoản chi thì chắc còn lời 5- 6 triệu, cũng đủ ăn tết...”

Ngoài các loại bánh truyền thống như bánh tét, bánh ú, bánh ít,… nhiều gia đình còn làm các loại mứt, bánh, thực phẩm khác để tung ra thị trường ngày tết như: các loại bánh tráng, các loại mứt dừa, bí, mãng cầu, chùm ruột; rồi dưa kiệu, mắm tép, cà pháo, kim chi;…

Một nghề ăn theo ngày tết khá phổ biến là chùi lư đồng, lặt lá mai và hái lá trầu. Công việc của người lặt lá mai thường bắt đầu từ 13- 17 tháng Chạp phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu từng năm, mỗi lao động có thu nhập từ 130.000- 150.000 đồng/người/ngày.

Công việc này rất thông dụng và không kén người, trẻ em cũng có thể tham gia. Riêng nghề hái lá trầu thì tất bật muộn hơn, cao điểm thường từ 23- 29 tết. Mỗi lao động có thu nhập khá hơn thường từ 240.000- 280.000 đồng/người/ngày nhưng đòi hỏi người có tay nghề cao mới được chủ vườn thuê mướn.

Giáp tết, nhiều gia đình có tập quán về quê ăn tết cùng người thân nhưng không thể mang xe máy theo cùng, có người tuy có ôtô nhưng lại ngán chuyện tắc đường và tai nạn giao thông ngày tết nên chọn phương án gởi xe dài ngày tại các điểm giữ xe. Nhiều điểm giữ xe có thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày là chuyện bình thường.

Chị Lê Thị Thúy An (ngụ Phường 26, quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh) cho biết: “… Do nhà có mặt bằng rộng nên làm dịch vụ giữ xe ngày tết đã 5 năm rồi. 

Thường thì khoảng 25 tết là có người tới gởi, mỗi đợt tết kiếm hơn chục triệu “dễ ợt nhưng bù lại mình phải canh phòng nghiêm ngặt lắm, lơ mơ mất xe là đền chết luôn. 5 năm rồi, tui đâu có biết tết là gì. Kệ, chịu khó vậy rồi ăn tết bù cũng hổng sao…”

Ngày tết, nghề rửa xe cũng hái ra tiền đáng kể bởi tâm lý chung ai cũng muốn có được chiếc xe gắn máy hay du lịch thật sạch sẽ, lịch sự để đón tết, để đi du lịch hay thăm viếng người thân.

Người làm nghề này không đòi hỏi có bằng cấp, trình độ chỉ cần sự nhanh nhẹn, tỉ mỉ, kiên nhẫn và một số ít dụng cụ như máy phun nước, máy phun khô, bàn chải, xà bông là có thể hành nghề. Thường ngày tết giá rửa xe sẽ tăng khoảng 50% so với giá bình thường nhưng được chủ xe vui vẻ chấp nhận. Tết mà!

Một nghề ăn theo ngày tết cũng rất phổ biến là nghề mua ve chai. Bởi ngày tết hầu hết gia đình nào cũng làm gọn sạch nhà cửa đón tết.

Từ đó, có rất nhiều phế liệu hay những vật dụng cũ, không còn được sử dụng sẽ bán cho những gánh ve chai. Đây là thời điểm làm ăn tốt nhất trong năm cho những người làm nghề thu mua phế liệu vì mua được nhiều vật dụng, giá rẻ hơn mọi ngày lại có khi tận dụng lại được những vật dụng còn xài được.

Nhiều; rất nhiều các nghề, dịch vụ “ăn theo” ngày tết đã và đang làm đẹp cho đời, cho người, tạo điều kiện tốt nhất để mọi “thượng đế” vui vẻ, hân hoan đón tết. 

Bài, ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM