Văn xuôi Vĩnh Long có đề tài đa dạng, thể hiện mọi khía cạnh trong đời sống. Song hành cùng những giai đoạn lịch sử, những nhà văn tìm tòi và sáng tạo, luôn hướng tới vẻ đẹp chân- thiện- mỹ, khẳng định giá trị tinh thần của dân tộc.
![]() |
Phân hội Văn học có thời điểm số hội viên gần 100 người. |
Trang viết đầy hơi thở cuộc sống
Nhà văn Văn Hiến Vĩnh cho biết, Phân hội Văn học có số hội viên đông nhất trong các phân hội của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Có thời điểm gần 100 người, đến nay, Phân hội Văn học có trên 70 hội viên. Mỗi tác giả có văn phong, có cách thể hiện, cách diễn đạt, cách dùng từ ngữ, cách xây dựng hình tượng nhân vật… khác nhau đã làm phong phú cho lối viết, cách viết của văn xuôi Vĩnh Long. Các tác giả dù thể hiện như thế nào nhưng vẫn ra phong cách, con người Nam Bộ trong cách nghĩ, cách làm, trong tâm tư tình cảm…
Điểm nổi bật trong các sáng tác văn xuôi là đề tài đa dạng, phong cách sáng tạo mới mẻ đầy tính nghệ thuật. Ngoài những đề tài viết về cuộc sống đời thường, những tích cực trong sự phát triển chung, các nhà văn cũng có những bài viết phê phán mặt trái xã hội. Nhân vật trong truyện lần lượt xuất hiện qua từng tác phẩm với những ngành nghề, công việc xã hội khác nhau, cuộc sống thăng trầm khác nhau, nhưng mang được nét đặc trưng, điển hình của con người vùng đất ĐBSCL.
Những truyện ngắn, truyện ký, bút ký… viết về những sự kiện, sự việc, những cam go, vất vả, mất mát, đau thương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… được rất nhiều nhà văn, cây viết chuyên và không chuyên khai thác. Có nhiều tác giả rất tâm huyết và ghi đậm dấu ấn trong lòng người đọc như: Trúc Phương, Hồ Tĩnh Tâm, Phạm Trung Khâu, Trần Thôi, Phong Ba…
Nhà văn Trúc Phương được nhận giải thưởng Văn Xương Các tỉnh Vĩnh Long năm 2020 với tiểu thuyết “Chân dung của đất”, xuất bản năm 1985. Quyển tiểu thuyết viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân huyện Tam Bình. Nhiều hình tượng nhân vật hiện lên rất đậm nét, sống động, đầy khí phách của người dân Nam Bộ nói chung và người dân Tam Bình nói riêng. Vạch trần sự tàn bạo của địch, sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của Nhân dân ta. Tiểu thuyết thu hút nhiều người đọc, có sức lan tỏa lớn, góp phần vào việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Nhà văn Trúc Phương kể rằng: “Sau 7 năm học ở Hà Nội, trong đó có khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi về công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Cửu Long. Tôi bắt đầu viết hàng chục tiểu thuyết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, viết về biển, viết về lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ, viết về sự quần tụ ruột thịt của người Khmer- người Kinh và các dân tộc anh em… 50 năm qua tôi đã được sống, được viết, được thủy chung với lý tưởng mình yêu và dâng hiến cả cuộc đời”.
Đề tài về dân tộc Khmer, dân tộc Hoa cũng được nhiều tác giả quan tâm sáng tác. Các tác phẩm thể hiện được tính cách, tình cảm, tâm tư của đồng bào Khmer Vĩnh Long; các phong tục, tập quán, sự giao thoa văn hóa giữa dân tộc Kinh, dân tộc Hoa; các lễ hội đặc trưng sắc màu của dân tộc Khmer... Một vài tác giả tiêu biểu như: Trúc Phương với tiểu thuyết “Swai Chanti và nước mắt”; Nguyễn Phước Hải với tiểu thuyết “Vết thương hậu chiến”, truyện ngắn của Hồng Sơn, Văn Hiến Vĩnh,…
Với đề tài về bảo vệ chủ quyền biển đảo, về những chiến sĩ ngày đêm túc trực vượt qua bao gian khó bảo vệ biển đảo, tình cảm của người dân hướng về các chiến sĩ hải quân; những ngư dân vượt trùng dương đánh bắt cá; những lần đi thực tế ra Trường Sa, đi thăm các chiến sĩ hải quân đóng quân trên biển đảo Tây Nam của Tổ quốc… cũng được nhiều tác giả thể hiện bằng các bài bút ký, truyện ngắn như: Nguyễn San, Trọng Dũng, Đặng Văn,… Đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện bằng nhiều loại hình văn học như bút ký, truyện ký, truyện ngắn, gương người thật, việc thật.
Bên cạnh đó, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều tác giả cũng đã kịp thời sáng tác các tác phầm bút ký, truyện ngắn… phản ánh những nỗ lực, những khó khăn, gian lao của lực lượng phòng chống dịch; những tấm lòng nhân ái góp lương thực, thực phẩm cho những người trong khu cách ly; những cái chết đau đớn; những niềm vui của những người thoát khỏi bệnh tật trở về với cuộc sống, sum họp gia đình; sự tận tình và nhọc nhằn của đội ngũ y bác sĩ…
Để bắt kịp với tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại
![]() |
Những sáng tác nắm bắt từng hơi thở cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho mọi người. |
Ngay từ những ngày đầu thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, lãnh đạo hội đã quan tâm xây dựng đội ngũ kế thừa. CLB Sáng tác trẻ được thành lập nhằm tìm kiếm các em có năng khiếu, tập hợp lại để bồi dưỡng, khuyến khích, tạo điều kiện để các em sáng tác và phát triển tài năng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc bà mẹ trẻ em, được sự hỗ trợ của các hội viên Phân hội Văn học đã lần lượt thành lập 2 bút nhóm là bút nhóm Áo trắng và bút nhóm Mây trắng. Hai bút nhóm này đã sinh hoạt thường xuyên, có nhiều truyện ngắn, truyện ký được các em sáng tác, đăng trên các báo, các tạp chí trong và ngoài tỉnh.
Theo ThS Lê Văn Hậu- Trường ĐH Cửu Long, các nhà văn đã có sự cách tân trong sáng tác ở nội dung và hình thức. Từ góc nhìn văn hóa, xã hội học, sinh thái,... nhà văn hầu như đều có cách nhìn nhận đúng đắn, đã phản ánh rất chân thực và sinh động.
Những tác phẩm có nội dung phong phú, ý nghĩa, chạm đến trái tim người đọc. Đội ngũ sáng tác của văn học Vĩnh Long sử dụng nhiều chất liệu, hình ảnh, vận dụng linh hoạt phương ngữ Nam Bộ và các loại hình khác như ca dao, tục ngữ trong sáng tác của mình, tạo nên dấu ấn đa phong cách. Văn học Vĩnh Long luôn có sự vận động và chuyển biến không ngừng. Đó là sự kế thừa, phát huy và những cây bút trẻ không ngừng học tập, tìm tòi, sáng tạo.
![]() |
Buổi giao lưu với các tác giả sách tại Trường THPT Nguyễn Thông. |
Trong xu thế đổi mới của đất nước, các nhà văn đã và đang mang đến cho văn học nước nhà những luồng sinh khí mới. Đồng hành cùng đất nước, các nhà văn đã trăn trở, tìm tòi, trải nghiệm để có những bước chuyển quan trọng trong nhận thức, tư duy, bút pháp,... Lăn xả vào thực tế, nắm bắt từng hơi thở cuộc sống tạo nên những sáng tác mang tính nghệ thuật, đồng thời hướng bạn đọc đến những giá trị chân- thiện- mỹ.í
Nhà thơ- nhà văn An Thi- Phân Hội trưởng Phân hội Văn học, chia sẻ: Việc tìm kiếm những ngòi bút tài năng từ các trường học mang ý nghĩa để thế hệ trẻ tiếp nối thế hệ đi trước, chúng tôi đã thành lập CLB Văn học ở Trường THCS Lê Quý Đôn. Vừa qua, chúng tôi tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, cuộc thi viết cảm nhận về sách. Những “đốm lửa” nho nhỏ đó sẽ thắp lên tình yêu và hào hứng để thế hệ trẻ yêu văn học và bắt đầu sáng tác. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin