Bến vắng

05:05, 21/05/2023

Đọc tới đoạn thơ trong quyển nhật ký mà máu của người yêu thuở nào đã làm nhòa đi nét mực, dì Tư Thương thấy nỗi buồn dềnh lên, ngấm vào máu, tan ra từng thớ thịt, làm tê tái đến xé cả lòng!

Ôi! Mới đó gần mười năm rồi nhỉ

Không biết em giờ còn nhớ thương chi

Riêng anh đã qua bao mùa chiến đấu

Chốn cũ ân tình xưa vẫn vỗ về...

Đọc tới đoạn thơ trong quyển nhật ký mà máu của người yêu thuở nào đã làm nhòa đi nét mực, dì Tư Thương thấy nỗi buồn dềnh lên, ngấm vào máu, tan ra từng thớ thịt, làm tê tái đến xé cả lòng!

Đó, hai dòng nước mắt của dì lóng lánh lăn trên má, rớt nghiêng xuống miệng, rồi bỗng dưng chân tay nhủn ra, ngực ngắc ngứ, mắt hoa lên và hai thái dương nẩy rần rật!

Thôi chết! Dì Tư Thương xúc động quá đến sanh bệnh luôn. Cô giáo Thùy Trang- Hiệu trưởng của Trường Tiểu học B Mỹ Thuận, ngôi trường cao to vững chãi, thách thức sự hủy hoại của thời gian, mọc lên trên mảnh đất của dì Tư Thương hiến mấy nay tất bật làm công việc cấp cứu như mọi khi.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Xoa bóp, uống thuốc xong là dì Tư cạn bệnh và dần khỏe hẳn ra. Chỉ còn đôi mắt sao... là lạ: mênh mông dõi vào bầu trời chiều đang chuyển dần sang màu tim tím như đang chở nỗi buồn bàng bạc lan rộng trong tâm hồn những người luôn hoài niệm xưa.

Rồi ký ức của một thời thơ ấu, một thời cõng đạn bom sống dậy trong lòng dì mỗi lúc một mãnh liệt hơn.

Tuổi thơ của Tiểu đội trưởng du kích, kiêm Đội phó Đội đặc nhiệm chống tăng Lê Mua- người đã làm rụng cuống trái tim chớm mộng mơ của Hoài Thương, dì Tư Thương bây giờ, rồi vẽ nên một vết xước hoắm sâu, để suốt đời không chịu kéo da non; cô đơn buồn tủi tựa giọt nước trên chiếc lá sen trong ngôi chùa cổ.

Cha của Mua tham gia kháng chiến và hy sinh tại chiến trường miền Đông. Từ đó, gia đình càng lâm cảnh giật gấu vá vai mang công mắc nợ, mẹ đành bứt ruột gởi Mua về vùng quê xã Hòa Bình, để trông chờ vào sự đùm bọc của ông bà nội.

Nhưng quê nội là vùng căn cứ cách mạng, nơi trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Sự mất mát đau thương gặm nhấm từng nhà, từng người một và cái khó khăn hạn hẹp về cơm áo, gạo tiền hầu hết những gia đình có con em đi làm cách mạng đều vấp phải chớ không riêng chi gia đình ông bà nội Mua.

Do vậy, mới đội cái tuổi mười ba trên đầu, Mua phải đi giữ trâu mướn cho một gia đình khá giả và giàu lòng từ tâm ở trong làng, để đổi lấy miếng cơm manh áo.

Chuyện cắp sách đến trường chỉ là giấc mơ khi ngủ gà ngủ gật trong những buổi trưa ít nắng ngỡ man mác êm đềm nào ngờ bom đạn đầy trời, mặt đất vùng Bưng Sẩm, mặt nước sông Sa Rày mịt mù khói súng.

Có lần thả trâu ở một thửa ruộng xôn xao tiếng vịt chạy đồng, Mua đứng ngây người nhìn ngôi trường mái ngói phủ đầy rêu, ánh lên sắc xanh trong nắng hồng rực rỡ, thiên đường của những người văn hay chữ tốt, Mua thấy xa xôi với các cô cậu có của tiền như lúa trên đồng vậy.

Đứa bé trai nhỏ dại ngây thơ tiều tụy này chỉ gần gũi vui đùa và học chữ do Hoài Thương dạy thôi. Cô bé trang lứa tuổi với Mua, có đôi mắt dài đen láy, khuôn mặt đầy đặn với làn da trắng ngần, mỏng mịn và nụ cười tươi rói làm nên hai má lúm đồng tiền thật đẹp!

Hoài Thương là đứa con gái độc nhất con của ông chủ thuê Mua giữ trâu mướn. Ngày nào vắng cô, Mua cảm thấy buồn mênh mang dường như thiếu vắng một cái gì đó, bởi nó nôn nao chưa đủ cấp số nên Mua chưa giải thích được.

Một hôm trong mùa nước nổi. Trời đã về chiều, nắng vàng thưa thớt loang trong không khí, gió chạy hoang đuổi lá khô xào xạc trên cành.

Hoài Thương năn nỉ Tám Thừa, tía của mình ngày mai được nghỉ học nên theo bạn Mua để chăn phụ trâu, tiện thể bắt cua, ốc và hái rau đồng- những thứ thực đơn dai dẳng trong bữa cơm của người dân quê tay bùn chân đất.

Ỡm ờ hồi lâu, Tám Thừa- tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng thân hình còn vạm vỡ, to khỏe, nhìn ráng chiều rồi nhíu mày lại.

- Cha cha! Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa. Còn cái ráng này thuộc lưỡng khuyển chầu kê, vừa có màu mỡ gà vừa có màu mỡ chó. Ngày mai gió mưa kinh thiên động địa à nghe!

- Ừ, thì “ra dô” cũng nói mơi có bão mà ông. Nè, mơi nếu có gặp bão thì hai đứa cột trâu lại, vào chòi vịt mới gả bầy của mình để tránh mưa to gió lớn nghe các con! Vú của Hoài Thương nói thế rồi toét miệng cười, trông gương mặt bà vẫn còn phảng phất nét mặn mà của một thời xuân sắc.

Sáng lại, đôi bạn nhỏ đã sốt sắng cỡi trâu ra đồng để làm công việc đã tính sẵn. Trời đất cũng bắt đầu giở chứng thét gào ầm ĩ. Bầu trời đen xịt như sập xuống đè bẹp bờ tre, mái rạ và thảm cỏ đàn trâu lạ đang nằm. Mưa tuôn rào rào, dày đặc, xóa mờ cả cánh đồng lúa và xóm thôn.

Bão tới! Bọn trẻ vội vàng cột trâu, chạy miết vào chòi vịt, ngồi co ro trong một góc hẹp. Sấm chớp từ rền vang đến nổ lớn ầm ầm. Những giọt mưa to đùng xiên chéo bị gió hung tàn đánh tơi tả, đập vào mặt người rát rạt tợ những cái tát tay thẳng cánh.

Hoài Thương sợ hãi, mặt tím lại dăn dúm, khóc òa lên ôm Mua thật chặt. Đầu cô còn gục vào vai bạn, mái tóc rũ xuống nhưng cố gượng dậy sớn sác bay.

Cơn bão đi qua. Đôi bạn lại rôm rả nói cười, cùng níu tay nhau dung dẻ ra về, ngoài mấy chú trâu đen bóng béo tròn thảnh thơi đi trước ra còn ốc, cua và rau đồng bị cuồng phong, đứa con hoang của bão cướp sạch.

Thời gian qua nhanh đến sững sờ. Đôi bạn nhỏ ngày nào giờ đã bước sang cái tuổi bẻ gãy sừng trâu: mười bảy, cái tuổi tươi rói đẹp ngời ngợi như bông cẩm chướng.

Tình cảm của họ bắt đầu có sự chuyển màu rõ rệt, từ tình bạn đi đến tình yêu. Một tình yêu trong sáng ngọt ngào và toàn vẹn. Lẽ ra Lê Mua và Hoài Thương đã là vợ chồng, vì hai bên gia đình đều gật đầu đồng ý.

Nhưng chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, sự tàn phá càng lúc càng khủng khiếp hơn. Mọi cuộc đoàn tụ hoặc sinh sôi nó đều không dung nạp nên luôn rình rập triệt tiêu đến tận cùng.

Thế nên Lê Mua đành gác lại tình riêng trở về quê hương Mỹ Thuận, phụng dưỡng mẹ già và tham gia vào đội du kích xã, cùng các anh các chú chiến đấu kiên cường để bảo vệ quê hương.

Qua những tháng năm cọ xát với chiến trường đầy khói lửa, đôi lúc còn phải đối đầu với những sư đoàn vang danh ngạo mạn của địch. Lê Mua được cấp trên tin yêu đồng đội nể trọng.

Và anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trên giao. Đặc biệt là khi công tác ở Đội đặc nhiệm chống tăng, Lê Mua xông xáo đi đầu, quan tâm điều nghiên địa hình, tích cực cùng anh em trong đội gài mìn, bẫy chông tạo thành tuyến phòng thủ để bảo vệ căn cứ, đập tan mọi âm mưu thủ đoạn mở rộng vùng kìm của địch.

Chỉ trong thời gian ngắn, Lê Mua đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công lẫy lừng, làm rạng danh xứ sở nên anh được đơn vị cử về tỉnh dự đại hội mừng công và được tặng danh hiệu: “Dũng sĩ diệt xe tăng”. Tin vui này lập tức theo chân chị em hoạt động hợp pháp, rồi rụng vào tai Hoài Thương.

Ôi, niềm vui trong cô nở tung ra, say sưa, tràn đầy! Một cảm giác rất lạ, một chút bâng khuâng pha trộn với sự xao xuyến như con chim nhỏ nhảy nhót trong lồng ngực của người con gái đôn hậu, dịu hiền và dung dị này.

Rồi cô liền lội bưng, cắt đồng, sụp đìa bất chấp hiểm nguy, pháo rượt nã sau lưng, trực thăng quần tối tăm mặt mũi trên đầu để tìm gặp Lê Mua, làm người đưa tiễn.

Đêm ấy, rét ngọt và âm âm đâu đó tiếng động cựa rậm rịt của thời gian chuyển sang năm mới không át nổi tiếng máy bay trinh sát rè rè, tiếng phản lực gầm gào rót vào tai người ta một cảm giác khó chịu và căng thẳng. Con trăng còn non trôi lạc xuống thảm rạ mênh mông, đêm sáng đùng đục mù mờ.

Nếu không có ánh pháo sáng thì không soi rõ được cảnh vật xung quanh, kể cả những chiếc lá cây khép vào nhau vo tròn trong giấc ngủ trông ngộ nghĩnh dễ thương. Không gian buồn bã sặc mùi rơm tro đốt đồng khét lẹt.

- Sáng mai anh về tỉnh dự đại hội mừng công hả? Hoài Thương hỏi hơi run, vẻ cảm động, âm điệu trầm bổng, rồi ngượng ngùng lúng túng khiến đôi má đỏ lựng lên, đôi mắt dài đen láy cứ lúng liếng.

- Ờ, anh tranh thủ mây đâm ngang sẽ đến tỉnh. Còn bây giờ sẽ có quà cho em làm kỷ niệm, ừ ờ... mà quà gì cà? Đời lính súng chắc trên tay bồng bềnh trong nghèo túng.

Mới bẻ gãy trận càn của địch, đội đặc nhiệm của anh làm nổ tan xác chiếc xe lội nước M113, hư hại nặng một chiếc M118, diệt mười bảy tên, tụi nó hoảng hồn bỏ chạy. Ta thu được một bánh xe và nhiều đạn pháo, không lẽ tặng em cái bánh... xe! Ha, ha...

Mà nè, hồi anh còn học lớp công binh của tỉnh có gởi tặng em cái kẹp tóc có hình con bướm em cất đâu không thấy kẹp tóc?

- Mất rồi! Em chun trảng- xê trốn ô buýt làm rớt ở đâu tìm không gặp! Hoài Thương buồn so, rưng rưng nước mắt.

- Thôi, đừng khóc nhè mà cô giáo của anh. Anh sẽ tặng em cái khác, cái... nụ hôn! Hoài Thương quay ngang giả vờ né tránh. Lê Mua bạo dạn tiến tới gần cô, trống ngực anh đập mạnh, hơi thở anh hình như bị ngắt ra từng khoảng.

Anh ngập ngừng gắn lên đôi môi mọng đỏ của Hoài Thương một nụ hôn cháy bỏng. Ôi! Hoài Thương cảm thấy nụ hôn sao ngọt ngào mát lịm mơn trớn cõi lòng.

Bất chợt, chiếc máy bay Mỹ thừa thãi đạn bom ghen hờn vội phóng mấy quả rốc - két gần đó làm mặt đất rung chuyển dữ dội, gió ào ào như bão cuốn và đất đá bay rào rào trong không trung.

Kệ nó! Bây giờ họ chẳng sợ chi cả, cứ ôm ghì lấy nhau và đôi môi mọng đỏ chờ mãi nụ hôn của người lính không hề mệt mỏi.

Đó, đó! Đây là một tình yêu hạnh phúc, bởi cả hai người yêu nhau đều có niềm tin vào sự vĩnh cửu của tình yêu mình.

Nhưng chiến tranh khác gì cơn lốc cuốn đi gót chân người chiến sĩ viễn du khắp các chiến trường, nếu lỡ không có ngày trở lại nữa thì người thương sẽ héo hắt buồn đến sắc lại thành tượng đồng trinh.

Một bữa nọ, vào mùa hoa lục bình nở, dòng sông Mỹ Thuận tím cả màu hoa, mênh mang buồn tẻ. Biệt kích Ba Càng đột nhập vào căn cứ, Lê Mua chiến đấu dũng cảm, quyết tâm kìm chân địch để đồng đội rút lui.

Cuộc chiến không cân sức nên người con của đất mẹ anh hùng Mỹ Thuận, người chiến sĩ ưu tú của đội quân chân đất đầu trần đặc nhiệm chống tăng đã ra đi trong niềm kiêu hãnh cho đồng đội ngày sau mãi tự hào.

Sau khi đã hóa thân thành cỏ cây hoa lá để sự hy sinh trở thành bất tử, anh chỉ để lại cho người yêu quyển nhật ký còn hoen màu máu của mình và nụ hôn duy nhất trong buổi chia tay.

Từ đây, Hoài Thương nghĩ Lê Mua đã là chồng của mình rồi. Cô xin phép mẹ cha khăn gói về Mỹ Thuận mua và làm chục công ruộng, để lo cái ăn cái mặc và thuốc men cho mẹ chồng đến khi khuất núi.

Tới nay Hoài Thương vẫn ở vậy thờ Lê Mua. Và khi đã ở bên kia con dốc tuổi đời, đã là dì Tư Thương thì mới thấu hiểu đến khắc khoải niềm khát vọng được cắp sách đến trường của chồng bà thời thơ ấu nên tự nguyện hiến phân nửa phần đất mình đang sở hữu cho chính quyền sở tại, để xây trường cho bọn trẻ học. Nhằm khỏa lấp nỗi tủi buồn thời ấu thơ của người đã bỏ mình vì nghĩa cả.

Thấy cô giáo Thùy Trang tận tình chăm sóc chạy chữa thuốc thang cho dì Tư Thương khi trái gió trở trời hoặc đọc lại nhật ký của chồng rồi xúc động quá sanh bệnh, không ít người nhỏ to: “Dì Tư Thương cho rồi mới nhận về được đấy!” Không đâu!

Có đứt ruột mới thương người ruột đứt đó! Chiến tranh nổ ra ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Người yêu của cô giáo Thùy Trang gởi mẹ già lại cho cô phụng dưỡng, để tình nguyện lao thân vào trận mạc, rồi ngã xuống trước đạn pháo kẻ thù.

Ôi! Đất nước mình chiến tranh chồng chiến tranh. Và phải chăng gánh nặng của cuộc chiến tranh bao giờ cũng đè nặng trên vai người phụ nữ. Nhưng họ vẫn âm thầm tỏa sáng vẻ đẹp của mình như dòng sông quê vẫn thao thiết trôi chắt chiu bồi đắp đôi bờ?

NGUYỄN HỒNG SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh