Tạp bút

Nhớ quay quắt mâm cơm của mẹ

Cập nhật, 13:01, Thứ Hai, 22/05/2023 (GMT+7)

(VLO) Trưa hè đứng gió, thành phố mất điện. Trong căn phòng 4m2, chiếc máy lạnh cũ lên cơn ho khục khặc, gắng sức thả chút hơi lạnh cuối cùng rồi tắt ngúm. Tiếng trẻ sơ sinh khóc ré lên vì nóng, tiếng người than vãn. Giữa những âm thanh ồn ào, một giọng hát ru ngọt ngào cất lên:

Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra

Bậu ra bậu lấy ông câu

Bậu câu cá bống, chặt đầu kho tiêu

Kho tiêu, để mỡ, để hành

Để ba miếng thịt, để dành cho em…

Quanh quẩn giữa những ngôi nhà chung vách là lời ru trúc trắc của người mẹ trẻ, nhưng có vẻ nó “hiệu nghiệm” vì tiếng khóc nhỏ dần, trả lại không gian yên tĩnh.

Bằng cách này hay cách khác, tình yêu bao la của người mẹ luôn dễ dàng xoa dịu nỗi bất an trong lòng người con. Tình yêu đó có thể được lan tỏa gián tiếp thông qua lời ru, cử chỉ âu yếm, hay thậm chí là hương vị bữa cơm mẹ nấu đã in sâu vào trong ký ức.

Lời ru ngày nào gợi cảm giác thèm được hít hà cái mùi thơm lừng của những món ăn mẹ nấu, hương thơm lặng lẽ lan tỏa khắp căn nhà rồi như thủ thỉ vào tai con “đã đến giờ cơm, có mẹ đang chờ”.

Trong nhiều món ăn, tôi lại nhớ đến món sở trường của mẹ, đó là món cá bống dừa kho tiêu. Món này không yêu cầu nguyên liệu hay kỹ thuật phức tạp, nhưng nó đã lưu lại trong tôi một mùi vị đặc biệt khó quên. Chỉ cần một nồi cá bống kho tiêu là tôi có thể ăn ngon lành mấy chén cơm.

Mùa nóng, mẹ thường đi chợ khi trời tảng sáng để kịp đón mua mớ cá đồng, rau dại mới hái từ vườn để chế biến thành món kho, món canh “giải nhiệt”.

Loại cá đồng thường nhảy xoi xói trong chiếc giỏ đi chợ của mẹ là cá bống dừa, đây là loại cá có mặt quanh năm suốt tháng tại các con sông, kênh rạch nhỏ nhưng lại hay “cháy hàng” nên có giá khá cao.

Nhìn mớ cá bống dừa ngâm đen, mẹ lấy tay ướm thử thì con nào con nấy cũng núc ních, chiều ngang lớn chừng 2 ngón tay.

Sau khi làm sạch mớ cá bống, mẹ ướp chút hành, tiêu, nước mắm, rồi để khoảng 2 tiếng, nếu hôm nào trời có nắng thì mẹ mang cá ra phơi, đây là mẹo giúp thịt cá có màu trong và cứng hơn khi kho. Muốn kho cá ngon thì phải để lửa riu, phải kiên nhẫn canh lửa.

Lửa nhỏ giúp hỗn hợp gia vị thấm đều vào thịt cá, nước trong nồi cạn dần chuyển sang màu nâu vàng óng, trước khi tắt bếp, nhanh tay cho thêm ít tốp mỡ béo ngậy, hành, tiêu, ớt, rồi đậy nắp để đó.

Đến giờ cơm, không đợi mẹ gọi, mà tự bản thân mùi cá kho thơm lừng sẽ dẫn dắt những chiếc bụng thèm ăn mon men đến gần bếp để thò tay ăn vụn.

Cá bống kho tiêu phải ăn kèm với cơm nóng, nhai cả xương, thịt cá kho kỹ nên dai, có vị mặn ngọt vừa phải, cắn trúng hạt tiêu đen cay nồng, ngon tê lưỡi.

Bên cạnh nồi cá bống kho tiêu là một ít con bống được mẹ đem đi nấu canh mướp, nước canh trong vắt, có vị ngọt tự nhiên, mẹ rắc thêm chút tiêu vào nồi canh để tăng thêm công dụng giải cảm khi cơn mưa đầu mùa bất chợt đổ xuống giữa trời nắng nóng.

Mâm cơm đạm bạc của mẹ thường không tốn nhiều thời gian nấu nướng, càng không thích bày vẻ phức tạp như ngoài hàng quán. Vì có mẹ nên căn bếp luôn ấm cúng, bữa cơm gia đình mới được tròn vị.

Đối với những đứa con xa nhà, mâm cơm của mẹ luôn có một sức hút khó cưỡng và hương vị cơm mẹ nấu thì không trộn lẫn vào đâu cho được.

Người ta có thể quên cách mẹ nấu, nhưng mà khó quên hình ảnh quây quần cùng mẹ bên mâm cơm có canh, có cá.

Phải chăng, trong nồi cá bống kho tiêu, tô canh mướp của mẹ đã ướp thêm vào gia vị của tình yêu, sự ân cần chăm sóc dành cho các con, nên chỉ cần nếm một miếng là trong lòng lại thấy vui sướng lạ thường.

Ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp của mẹ mỗi khi nhìn chúng tôi ăn ngon, như nhắc nhở tôi không biết bao lâu tôi còn được ăn cơm mẹ nấu, có mẹ chung mâm.

NÓN LÁ