Mặt trời còn thấp tè trên ngọn cây xa xa, nắng còn mong manh trên mặt sông dập dềnh sóng trắng thì cái xóm chợ nổi đã bắt đầu inh ỏi, kĩu kịt. Tiếng mũi ghe này cọ vào mũi ghe kia, tiếng máy nổ chan chát, tiếng thương hồ í ới gọi nhau đem trái khóm, trái ổi, bắp cải… treo lên cây bẹo ngoài mũi ghe thay cho lời rao.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Mặt trời còn thấp tè trên ngọn cây xa xa, nắng còn mong manh trên mặt sông dập dềnh sóng trắng thì cái xóm chợ nổi đã bắt đầu inh ỏi, kĩu kịt. Tiếng mũi ghe này cọ vào mũi ghe kia, tiếng máy nổ chan chát, tiếng thương hồ í ới gọi nhau đem trái khóm, trái ổi, bắp cải… treo lên cây bẹo ngoài mũi ghe thay cho lời rao.
Đó cũng là lúc tôi mở cửa ghe, leo lên trên mui bày biện mớ khóm, trưng trổ những trái khóm vàng ươm ướp nắng ra bên ngoài để thu hút ánh nhìn của khách du lịch.
Tàu ghé qua ghe tôi, mua hay không mua khóm, hào phóng trả tiền hay kì kèo trả giá, thì việc gọt một trái khóm chín thơm nức đãi khách, cho khách nếm được mùi vị ngọt ngào thanh tao của trái khóm xứ mình là chuyện nhỏ.
Trồng khóm lâu năm, từ khi còn đi trồng thuê cho người khác cho đến khi có được mảnh đất rẫy của riêng mình, tôi đủ hiểu được tâm tính của cái giống cây trồng không dễ cũng chẳng khó này.
Mỗi lần thu hoạch, tôi ước lượng sao cho khi cắt khóm rời khỏi thân cây, vừa chở khóm bằng chiếc ghe nhiều năm đi lại trên những dòng sông miệt châu thổ này đến chợ nổi là lúc khóm chín vàng, chín tự nhiên mà không hề bị ép buộc bởi con người.
Bán hết số khóm trên ghe, tôi lại dông ghe về xóm. Mỗi chuyến đi như thế có khi kéo dài mười ngày, nửa tháng hoặc hơn. Và dù có đi hay về thì tôi cũng lủi thủi một mình. Vài người bạn hàng nhìn tôi, lắc đầu, tặc lưỡi:
- Đàn bà mà chạy máy dầu đi bán hàng ở chợ nổi gọn bân à!
Tôi cười đáp lại:
- Không một mình thì đi với ai. Cái số nó vậy!
Mấy lần cu Bin kéo áo tôi mỗi khi thấy tôi hì hụp gom chén đũa, nồi niêu, áo quần xuống ghe chuẩn bị một chuyến đi dài đến chợ nổi, cu Bin khóc ròng:
- Má đừng đi bán khóm nữa, đừng ra chợ nữa. Thấy má cực, con thương.
Tôi ứa nước mắt nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh, điềm nhiên ôm con vào lòng, dỗ dành:
- Cu Bin ngoan, má đi vài bữa má về. Khóm nhà mình trồng nhiều, má không đi bán thì ai bán?
Thật ra lúc cu Bin còn nhỏ, tôi cũng đưa con đến chợ nổi cùng mình. Trong mui ghe tôi kín đáo, không dễ gì gió máy lọt vào được, tôi lại cẩn thật rào chắn chỗ cửa trước, cửa sau nên cu Bin chỉ việc ngồi trong ghe chơi siêu nhân, nhìn cảnh chợ nổi sầm uất qua ô cửa bé tẹo.
Nhưng rồi tôi thương con! Tuổi của cu Bin là tuổi chạy nhảy, đi đứng, tôi cứ bắt con luẩn quẩn trong cái ghe chật chội thì tội nghiệp. Vả lại, đời thương hồ trôi nổi trên sông, nhiều lần tôi chứng kiến cảnh tượng bi thương, một gia đình thương hồ đã để đứa con nhỏ rớt xuống sông khi đang tất tả làm việc.
Cái tiếng khóc tỉ tê trong những buổi chiều hay đêm khuya thanh vắng năm nào trên chợ nổi vẫn còn bám riết mãi tâm trí tôi. Tôi quyết định để cu Bin ở nhà với bà ngoại, một mình đi ghe. Cực thật! Nhưng tôi vốn quen với công việc bươn chải trên những dòng sông bạt ngàn sóng trắng này từ thuở còn thơ bé.
*
Đi chợ nổi nhiều năm, từ hồi tóc tôi còn đen mượt, dài chấm lưng, từ hồi cu Bin chưa xuất hiện trên cõi đời này, cho đến khi tóc tôi đã điểm nhiều sợi bạc, ngắn hơn ít nhiều.
Tôi nhìn thấy hình bóng của mẹ trong dáng hình của tôi. Tôi nhìn thấy cu Bin lớn lên từng ngày. Tôi chứng kiến cái chợ nổi này thay da đổi thịt, từ chợ dân sinh cho đến khi trở thành loại hình du lịch sông nước mang đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ.
Tuy tôi vẫn thích không khí của chợ nổi năm nào hơn, song tôi phải chấp nhận sự thay đổi ấy, bằng lòng với việc khung cảnh dân dã, rộn rã trên sông - một nét văn hóa đẹp của xứ sở - được bạn bè phương xa biết đến.
Bao nhiêu năm trôi qua, những cuộc đi xa và trở lại, những chia ly và hội ngộ vẫn âm thầm diễn ra trên chợ nổi. Tôi thường ngồi trước mũi ghe khóm trong những buổi chiều, hoàng hôn như tấm màn mỏng manh màu tim tím, đo đỏ, lam lam buông xuống dòng sông nước lớn.
Nhà cửa hai bên bờ sông đã lên đèn, từng đốm sáng in hình xuống nước, lung linh như những ngọn hoa đăng được thả trên bến chùa trong ngày rằm, vào những dịp lễ hội.
Nam thường nói với tôi, qua điện thoại hoặc trong những buổi hò hẹn cà phê ở chiếc quán giữa lòng thành phố đông đúc bên sông: “Nếu em vẫn muốn tìm một công việc cho phù hợp với chuyên ngành chúng mình được đào tạo, anh sẽ sẵn lòng giúp đỡ”.
Tôi gật đầu, tất nhiên lòng tôi vô cùng biết ơn Nam. Nhưng tôi vẫn chưa có quyết định tìm một công việc nhàn hạ, lương cao mà không phải lận đận trên sông như những người thương hồ không được đến trường, không có kiến thức.
Tôi và Nam cùng học nông nghiệp, có tấm bằng kỹ sư thuộc loại xuất sắc sau bốn năm nỗ lực hết mình. Nam vào làm nghiên cứu viên ở viện lúa, môi trường làm việc khá tốt, lương tử tế. Tôi… “về vườn”. Nam tiếc nuối:
- Học hành cực khổ, cuối cùng em lại lui về sống kiếp thương hồ gạo chợ nước sông. Có đáng hay không, Mai? Có đáng hay không khi em đang hy sinh, đang đợi chờ một kẻ bạc tình?
Tôi ngồi im lặng nghe Nam nói. Tôi biết Nam vẫn âm thầm thương tôi ngay từ cái thuở tôi và Chiến hò hẹn cùng nhau trong công viên trường ĐH những chiều tan lớp.
Nam vẫn đi theo và bảo vệ tôi, tìm cách giúp đỡ tôi khi Chiến đã rời đi sau một chiều hai đứa cùng đi ghe du lịch ra chợ nổi, thêu dệt biết bao là viễn cảnh đẹp về tương lai.
Nhà Chiến khá giả, anh có điều kiện nên sau khi tốt nghiệp ĐH, anh quyết định rời quê hương đi tu nghiệp ở “trời Tây” - xứ sở xa hoa trong mắt tôi. Chiến đi trước khi mùa mưa đến. Anh hẹn:
- Mai, sau này anh trở về, chúng mình sẽ cưới nhau, mình sẽ cùng nhau đi khắp đồng bằng châu thổ để nghiên cứu, giới thiệu những giống lúa mới có năng suất cao, những giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng xứ mình.
Tất nhiên là tôi gật đầu. Và đêm ngày mơ mộng, nuôi nấng hy vọng.
Chiến đi, để lại trong tôi một nỗi nhớ không hề nhỏ, một niềm hy vọng và một tình yêu ấp ủ trong tim. Khi tôi biết cu Bin lớn lên từng ngày trong bụng mình, niềm hy vọng càng dâng trào mãnh liệt.
Rồi một chiều mùa mưa năm ấy, cách ngày Chiến đi không xa, những trông chờ và hy vọng đã vỡ ra trong tim tôi, như chiếc ly thủy tinh vỡ ra trăm ngàn mảnh ghim vào thịt da đau điếng.
Đó là ngày Chiến nói lời chia tay tôi bởi có thể anh sẽ không trở lại quê nhà khi kết thúc khóa tu nghiệp. Anh sẽ ở lại đó để sống một cuộc đời an nhàn không có tôi bên cạnh.
Tôi không đi làm ở viện lúa. Cứ tưởng là tôi sẽ hận Chiến vì đã để tôi đơn độc, vì đã phủi bỏ những lời hứa năm nào. Nhưng khi cu Bin chào đời, mọi cảm xúc tiêu cực trong tôi đã tan biến.
Nhìn đứa con mỉm cười, khuôn mặt hồng hào, đôi mắt long lanh, tôi lại thấy cuộc đời này thật ý nghĩa biết bao. Tôi sẽ nuôi dưỡng cu Bin nên người, sống nghĩa tình và nhân hậu, lòng thênh thang như những dòng sông muôn đời làm nên cảnh sắc trù phú cho vùng đồng bằng châu thổ êm đềm này.
Bỏ qua mọi cơ hội mà Nam đã mở ra, tôi trở về xóm nhỏ, tôi bắt tay vào cải tạo lại mảnh đất sau nhà để trồng khóm. Người xứ tôi trồng khóm rất nhiều, song bao năm qua, giống khóm đang trồng vẫn chưa đủ độ ngọt, trái vẫn nhỏ và thịt khóm vẫn còn thô, chưa mọng nước.
Từ giống khóm cũ, tôi đã áp dụng những kiến thức được học ở trường ĐH cùng với tâm huyết cháy bỏng, tôi đã lai tạo ra giống khóm mới trái lớn, vỏ mỏng, mọng nước và ngọt mật.
Tôi tự hào san sẻ giống khóm ấy cho bà con xứ tôi, cùng nhau thực hiện “xóa đói giảm nghèo”, đưa cái xóm nhỏ nằm khuất sâu giữa đồng bằng sông nước phất lên từng ngày.
*
Một buổi chiều cuối xuân, đầu hạ, sau khi đã bán hết số khóm thu hoạch được lần này tại chợ nổi, tôi ngồi trên mui ghe hóng gió. Gió sông phần phật. Cái lành lạnh của mùa xuân đã biến tan, nhường chỗ cho cái nắng xâm xấp và ngọn gió mát lành lồng lộng qua sông.
Tôi ngồi nhìn sông nước mênh mông, nhìn những ghe thương hồ khác đang nổi lửa nấu cơm ở sau lái, khói bay lên hòa vào không gian sông dài trời rộng, nhìn cánh chim trời chao lượn trên ráng chiều đo đỏ, đẹp mê ly. Tôi nghĩ về mình, về cu Bin, về Chiến và về Nam.
Cu Bin đã lớn khôn, đủ để hiểu rằng mẹ nó đơn độc một đời dài để nuôi cu Bin và hoàn thành tâm nguyện lai tạo giống khóm mới cho một vùng quê nghèo khó. Chiến - chắc giờ này cũng đã ấm êm bên một người con gái da trắng, tóc dài và vàng ươm màu nắng. Tôi không hận anh.
Mọi thứ như một giấc mơ mà tôi đã tỉnh dậy từ nhiều năm trước. Còn Nam - anh vẫn dành cho tôi một tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng vô ngần. Anh đã từ chối những người phụ nữ khác, chỉ để đợi chờ một người - đàn - bà - trên - chợ - nổi.
Người đàn bà ấy - tôi tự nghĩ - có xinh đẹp, giỏi giang gì đâu? Chỉ là nông dân quê mùa, gần nửa đời người quẩn quanh trên rẫy khóm, trong xóm nhỏ, trên chiếc ghe xuôi dọc những dòng sông miền Tây, trên chợ nổi xô bồ, chộn rộn.
Người đàn bà ấy có xứng đáng gì đâu để nhận được một tình yêu thủy chung như phù sa với dòng sông bạt ngàn chảy về vô tận…
Có bận, cu Bin nói với tôi:
- Má, con muốn có ba.
Tôi vừa rưng rưng tủi phận, vừa thương cu Bin vô cùng:
- Trời, ba đâu mà ra? Có má thôi! Ba con đi theo sông ra biển, tấp vào một hòn đảo nào đó rồi ở lại luôn rồi - Tôi nói, dựa trên câu chuyện về Robinson mà tôi biết.
Cu Bin cười tít mắt:
- Có đó, má! Chú Nam đó! Lần nọ, chú kêu con gọi chú là “ba”.
Tôi trố mắt nhìn cu Bin. Rồi tự dưng nước mắt từ khóe mắt tôi chảy xuống, ròng ròng trên má. Tôi hiểu được lòng Nam. Nam vẫn không từ bỏ ước vọng sẽ cùng tôi xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Với một người đàn bà lỡ thì lỡ lứa như tôi, nhận được tình cảm cao thượng ấy là một niềm hạnh phúc vô biên.
Tôi ôm cu Bin vào lòng.
Hôm ấy, sông lặng sóng. Cánh chim trời vẫn mải miết bay. Chợ nổi về chiều vắng thinh, nhà ghe đã lên đèn và điệu đờn cò, đờn bầu của chú Hai ở chiếc ghe bên cạnh đã vẳng lên tự hồi nào không nhớ. Tự dưng tôi nhớ đến Nam. Tôi muốn gọi để nói điều gì đó với anh, hay nhắn câu gì đó cho Nam.
Tôi lấy điện thoại ra. Đèn online của Nam đang sáng. Tôi nhắn. Không biết rằng mình đang nhắn gì, nhưng có lẽ cả tôi và Nam cũng sẽ vui khi ngày mai mặt trời bừng tỉnh giấc…
HOÀNG KHÁNH DUY (TP Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin