"Đề cương văn hóa Việt Nam" - những giá trị cốt lõi

Cập nhật, 05:58, Thứ Sáu, 17/02/2023 (GMT+7)
Đề cương văn hóa Việt Nam.Ảnh: Tư liệu
Đề cương văn hóa Việt Nam.Ảnh: Tư liệu

(VLO) Cách đây 80 năm, trong tình thế nước sôi lửa bỏng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã ra đời. Bản đề cương được ví như bản cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng ta.

Đề cương đã thể hiện một tầm nhìn xa rộng, tư duy lý luận sắc bén, sự đúc kết thực tiễn sâu sát của một Đảng non trẻ mới có 12 năm kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng.

Cho đến nay, nhiều luận điểm, nguyên tắc và tinh thần chính của bản đề cương vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện của Đảng về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Về cơ bản, có thể đúc kết những giá trị cốt lõi của bản đề cương như sau:

Một là, đề cương đã đặt nền móng lý luận căn bản cho nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần thống nhất tư tưởng, nhận thức, định hướng học thuật cho những người làm văn hóa, văn nghệ.

Đó trước hết là những vấn đề căn cốt như: Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật (nghệ thuật vị nhân sinh); sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; nguyên tắc và cách thức đấu tranh cho một nền văn hóa độc lập, tự chủ, khoa học, đại chúng,...

Chính vì vậy, bản đề cương không chỉ có ý nghĩa thời sự, cấp bách, đáp ứng nhu cầu cách mạng khi đó, mà còn trở thành kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển dài lâu của văn hóa Việt Nam.

Hai là, bản đề cương đã khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản (khi đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) đối với công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới: “Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện phát triển. Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.

Tại thời điểm đó ở Việt Nam có nhiều đảng hoạt động như Đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng, phái Việt Nam Cách mạng Đồng Minh... nhưng đều không đủ sức tập hợp toàn dân và lãnh đạo cách mạng.

Nhiều chí sĩ yêu nước kiệt xuất đã tìm mọi con đường khác nhau để giải phóng dân tộc và phát triển văn hóa như Phan Đình Phùng với phong trào Cần Vương; Hoàng Hoa Thám với khởi nghĩa Yên Thế; Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng với phong trào Duy Tân,... nhưng đều thất bại.

Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể đảm đương được sứ mệnh này, và đã thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám cũng như dẫn dắt toàn thể dân tộc trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Ba là, đề cương đã thể hiện khả năng dự báo chính xác, tầm nhìn vượt thời gian khi khẳng định tiền đồ, tương lai của văn hóa Việt Nam: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.

Điều đó sau này đã trở thành hiện thực, Cách mạng Tháng Tám đã khai sinh một nhà nước độc lập và nền văn hóa Việt Nam thực sự được tự do và cất cánh.

Bốn là, với những nội dung, quan điểm, vấn đề quan thiết như vậy, bản đề cương đã có sức lôi cuốn, quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ tích cực tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.

Nhiều hồi ký, phát biểu, suy ngẫm của giới văn nghệ sĩ đều cho thấy sự thuyết phục, sức lôi cuốn, dẫn dắt của bản đề cương giúp họ khai mở nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập, ý chí tự cường để giải phóng dân tộc và sáng tạo một nền văn học, nghệ thuật mới.

Năm là, đề cương có giá trị thực tiễn quan trọng ở chỗ đã xác lập rất chuẩn xác 3 nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.

Không những thế, bản đề cương còn chỉ ra những nhiệm vụ cần kíp, các cách thức, giải pháp cụ thể để đạt được những mục tiêu đó.

Thực tế đã chứng minh, 3 nguyên tắc nêu trên có tác dụng lớn lao biến nền văn hóa Việt Nam từ một nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân, nô dịch trở thành một nền văn hóa độc lập, tự cường, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Ra đời trong bối cảnh cam go “độc lập hay là chết” khi đó, Đề cương văn hóa Việt Nam có một thái độ cách mạng triệt để, không khoan nhượng nhằm huy động tổng lực sức mạnh của toàn dân tộc vào cuộc chiến sinh tử cuối cùng.

Sau này, khi đã giành được độc lập cho đất nước, cùng với sự phát triển ngày càng đi lên và khơi sâu của nhận thức và tư duy khoa học, nhiều nội dung trong đề cương đã được Đảng ta nhận thức lại, điều chỉnh, mở rộng và phát triển thêm.

Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận và thực tiễn của đề cương đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

GS.TS TỪ THỊ LOAN (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam)