Tản văn

Liệu cơm gắp mắm

Cập nhật, 15:45, Chủ Nhật, 19/02/2023 (GMT+7)

(VLO) Ông bà ta đã rút ra kinh nghiệm và khuyên chúng ta phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Xem cơm bao nhiêu mà gắp mắm để ăn vừa đủ, đừng để gắp mắm ít ăn cơm bị nhạt, hay gắp nhiều mắm mặn quá mất ngon. Ngụ ý phải biết tùy theo tình hình khả năng thực có mà làm, sử dụng hay xử lý công việc gì sao cho đúng mức, cho thích hợp.

1. Chị tôi mấy ngày trước khoe, con trai ra trường đi làm được mấy tháng rồi. Kinh tế nhẹ bớt phần nào, giờ chỉ lo cho em gái nó đang học lớp 12. Nay lại nghe chị than với thở về thằng quý tử của chị. Nó nằng nặc đòi chị mua xe mà mua xe Vario 160 mới chịu à nghen.

Không phải vì chiếc Wave đang chạy bị hư mà vì không thể thua kém bạn bè, nhất là “đối thủ” tình yêu. Nghe đâu, “đối thủ” tình yêu của nó khá giàu mà biết cách ga lăng ga lắc lắm nên nó sợ “vuột” đi cô bạn gái.

Nó nghĩ sai hay tại tôi “cù lần lửa” mà nghĩ thế, chứ “trái tim” quan trọng hơn chứ. Và phụ nữ luôn cân nhắc đong đo những giá trị bền vững của đời mình.

Thỉnh thoảng tôi “bị” nghe từ nhà đối diện, lời bài hát có những câu như thế này: “Tiền là hư vô xin lỗi em không cần/ Chỉ cần yêu nhau em chấp nhận thương đau”… mới đó rồi thì “Đừng giận em nhe em chọn tiền nhe anh/ Tiền thắng tình thua đời có mấy ai chê tiền/…/ Nghèo tiền như anh xin lỗi em không cần/ Giàu tiền như ai em chấp nhận yêu sai”. Diễn biến câu chuyện nhanh quá, thay lòng đổi dạ, trở như trở bánh tráng vậy.

Bao người khen bài hát hay, bài hát thực tế quá. Tôi chẳng thích và cũng chẳng thích bài vọng cổ “con cua cái, con cua đực” mà thỉnh thoảng lại “bị” nghe. Phụ nữ đâu dễ thay lòng vậy đâu trời. Một vài người thôi.

Trong cuộc sống hiện thực số đông những người phụ nữ, họ rất hay trong việc kiềm chế mọi nhu cầu và khả năng để sống đúng là phụ nữ như bà, như má chúng ta đã từng sống như thế.

Nên nghĩ nếu trái tim cô gái có cùng nhịp đập và hòa hợp với đứa cháu tôi thì đối thủ kia dù đi xe du lịch cô gái ấy cũng chẳng màng.

Còn nếu cô gái bước lên xe du lịch mà không ngồi lên xe gắn máy của cháu tôi nữa thì cháu tôi cũng nên lẹ hết buồn đi. Níu kéo làm chi, níu kéo cũng có được gì. 

Và phải xem túi tiền của ba mẹ để liệu cơm gắp mắm, bớt sự đua đòi để gia đình không lâm vào hoàn cảnh túng bấn.

2. Chị bạn của tôi có tật, mà nói đúng hơn là cái tính hay so đo. Chị bảo “người ta bằng tuổi tao đã có xe hơi đi rồi. Không thì cũng mua vài công đất để cho mướn rồi.

Còn tao giờ chưa có gì, lương chẳng bao nhiêu, cứ tháng nào xài hết tháng đó”. Kỳ ghê. Chị thấy vậy phải tự phấn đấu lên chứ trách ai giờ.

Trách trời hay trách đất. Mà tôi thấy chị bạn đã thay đổi theo chiều hướng tích cực rồi đó chứ. Chị đã cố gắng đi làm tự nuôi bản thân, không xin tiền mẹ chị như lúc trước, vậy cũng “ok” rồi.

Đã tiến bộ hơn trước nhiều rồi đấy. Chị phải thấy được sự tiến bộ của chị và tự khích lệ để tiến bộ hơn nữa chứ. Tự mình khen mình có thể trở thành động lực của rất nhiều hành trình đi tới.  

Cứ hay đố kỵ, so đo nên đến giờ chị vẫn còn mình ên. Quen người này chị lại so với người khác. Người yêu của người bạn đồng nghiệp chiều chuộng bạn thế này thế kia, sao mình chẳng được.

Chị ơi, ông bà ta đã có lời khuyên:“Liệu cơm mà gắp mắm ra/ Liệu cửa liệu nhà, em lấy chồng đi/ Nữa mai quá lứa lỡ thì/ Cao thì không tới thấp thì không thông”. Hãy nhìn thực tế, nhìn ngang mà sống chớ nhìn cao quá rồi với không tới lại thêm buồn.

Dục vọng của con người, sự đố kỵ với người hơn mình. Không ít người là thế và họ cho rằng đó là sự hiển nhiên trong mỗi con người.

Chẳng như người có nước da ngâm nhìn thấy người nước da trắng lại thèm thuồng. Nhìn thấy đồng tiền lúng liếng trên má người khác, rồi trách sao má sinh mình ra lại không có đồng tiền giống như vậy. Người được trời ban cho nhan sắc thì mong được giàu có.

Và ngược lại thôi, người giàu có mong được sắc đẹp. Xem bản thân mình thích và mình được, đừng so đo, đừng đố kỵ. Hạn chế sự đố kỵ và thèm khát để hạn chế sự hờn ghen, để nhìn thấy cuộc đời hài hòa để sống vui. 

Liệu cơm mà gắp mắm ra!

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG