"Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà / Miền Nam mong Bác nỗi mong cha", hai câu thơ trong bài "Bác ơi!" của nhà thơ Tố Hữu đã nói lên được nỗi niềm của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và tình yêu của Bác Hồ dành cho miền Nam "đi trước về sau"!
|
Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Bác. Ảnh: Tư liệu |
“
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà / Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”, hai câu thơ trong bài “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu đã nói lên được nỗi niềm của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và tình yêu của Bác Hồ dành cho miền Nam “đi trước về sau”!
Còn là câu chuyện mùa Xuân 1955 đồng bào miền Nam gửi tặng Bác Hồ một cây vú sữa, Bác hiểu đồng bào miền Nam mượn tên cây để gửi gắm tình cảm của mình đến Bác và Đảng ta, Bác cho trồng cây này ở Phủ Chủ tịch.
Năm 1958 khi Bác về làm việc ở nhà sàn, Người gợi ý chuyển cây về trồng bên nhà sàn làm việc của mình để hàng ngày Bác có thể nhìn thấy và chăm sóc cây vú sữa của miền Nam như được gần đồng bào và chiến sĩ miền Nam thân yêu!
Đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với Bác Hồ…
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, hai năm sau một phái đoàn của Mặt trận do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Tiếp phái đoàn, Bác Hồ rất xúc động khi nghe các đại biểu báo cáo về tình hình bất khuất, bám đất giữ làng của đồng bào các dân tộc ở miền Nam.
Giờ phút chia tay ai cũng bùi ngùi xúc động, sau khi nhận quà của đồng bào miền Nam Người nói: “Bác chả có gì tặng lại cho đồng bào miền Nam cả, Bác chỉ có cái này” Bác đặt tay lên trái tim mình và nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!”.
Nhiều lần trong thời gian chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Bác Hồ đề nghị Trung ương chuẩn bị cho Bác vào miền Nam thăm đồng bào, chiến sĩ, nhưng vì lý do an toàn và nhất là do sức khỏe của Bác khó đảm bảo trong chuyến đi nên Bộ Chính trị chưa thể sắp xếp theo như mong muốn của Người.
Trong quyển “Đại tướng Lê Đức Anh” do tác giả Khuất Biên Hòa biên soạn về cuộc đời hoạt động của ông, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2005, có đoạn kể về việc này: Sau sự kiện Mậu Thân 1968, các đồng chí Hoàng Văn Thái, Phạm Hùng và Lê Đức Anh là các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền ra Hà Nội báo cáo tình hình miền Nam với Bác và Trung ương.
Do bị bệnh ông Lê Đức Anh không được gặp Bác, phải đến đầu năm 1969 khi hết bệnh ông mới được Bác cho gọi lên để báo cáo tình hình về Tết Mậu Thân, sau đó được Bác mời cơm. Bữa cơm đó Bác Hồ ăn hết một chén cơm đầy và nói với ông: “Chú thấy Bác còn khỏe đấy! Chú hãy chuẩn bị cho Bác vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam”.
Ông Anh chỉ dám vâng dạ. Khi chào và chia tay Bác, Bác lại nhắc: “Chú về chuẩn bị cho Bác vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam!”. Ông Anh nhớ lại, câu này trong bữa cơm Bác đã nói đến hai lần và lúc chào Bác ra về Bác Hồ nói lần thứ ba!
Khi về miền Nam, ông Lê Đức Anh đem nỗi băn khoăn canh cánh này báo cáo với ông Phạm Hùng thì mới biết Bác Hồ cũng nêu đề nghị ấy một cách cương quyết với ông Phạm Hùng và ông ấy đã báo cáo với Bác: “Khó lắm thưa Bác!”.
Dù biết thế nhưng ông Lê Đức Anh vẫn đề đạt với ông Phạm Hùng rằng nếu được cấp trên đồng ý ông sẽ tổ chức được vì Bác tha thiết lắm!
Bởi lúc đó ông biết tình hình Campuchia còn bình thường, chưa có biến động đảo chính, nhiều cán bộ cao cấp của ta vẫn ra Bắc vào Nam bằng đường hàng không Phnom Penh - Hà Nội do Hãng hàng không Hoàng gia Campuchia đảm trách và ông cũng vừa về miền Nam bằng con đường đó. Khi về tới biên giới tỉnh Tây Ninh rồi sẽ đi vào chiến khu của ta dễ dàng…
Mãi đến lúc về công tác ở căn cứ của ta tại Quân khu 9, ông Lê Đức Anh vẫn cứ suy nghĩ làm sao tổ chức để đưa Bác Hồ vào miền Nam. Ông luôn cho rằng sau sự kiện Mậu Thân 1968, Mỹ thua đã rõ mà ta cũng có nhiều tổn thất, nhìn ở góc độ nào đó là có nguy cơ.
Lúc này mà có hình ảnh và lời động viên của Bác Hồ ngay tại chiến trường thì ắt hẳn tinh thần, tư tưởng, niềm tin và khí thế cách mạng của bộ đội và nhân dân sẽ trào dâng thành sức mạnh vô cùng to lớn. Sau này ông tâm sự: “Càng nhớ, càng suy nghĩ tôi càng thấy ân hận vì đã không cùng với các đồng chí của mình tổ chức đưa Bác vào miền Nam, thỏa mãn ước mong tha thiết của Người!”(1).
Câu trả lời về lời đề nghị của Bác Hồ mong muốn vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam của ông Phạm Hùng với ông Lê Đức Anh là thế, nhưng đó là vì sự nghiệp lớn của cách mạng và cũng từ tình yêu cùng sự lo lắng cho sức khỏe của Bác.
Ông Mai Chí Thọ (nguyên Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định từ 1965 - 1975, người được ông Phạm Hùng đặt cho bí danh này) kể lại: “Anh Phạm Hùng là con người dũng cảm, dạ sắt gan đồng, gian nan không lùi bước. Thế nhưng có hai lần anh ấy khóc mà tôi được biết, đó là lúc Bác Hồ kính yêu từ trần và ngày chiến thắng sau 30 năm đợi chờ”.(2)
|
Tiết mục ca cổ “Con mong Bác Hồ vào Nam” của Đoàn Văn công tỉnh Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu |
Xa quê hương Bác Hồ vẫn nhớ miền Nam…
Khi đó là mùa Xuân 1968, Bác Hồ đang dưỡng bệnh ở Bắc Kinh theo lời mời của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Trước khi vào Nam công tác, đồng chí Lê Đức Thọ(3) sang Bắc Kinh thăm Bác và nhận chỉ thị của Bác. Sau công việc, Bác nói: “Chú vào trong đó báo với chú Hùng (đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam) bố trí cho Bác vào thăm đồng bào miền Nam”.
Để từ chối, ông Thọ nêu lý do nếu Bác vào Nam chỉ có thể đi bằng đường hàng không từ Hà Nội sang Phnom Penh (Campuchia), mà như vậy Bác phải làm hộ chiếu và mọi người dễ dàng nhận ra Bác vì Bác để râu”. Nghe vậy Bác bảo: “Thì Bác cạo râu đi!” - “Nhưng Bác cạo râu đi thì đồng bào miền Nam không còn nhận ra Bác nữa!”, câu trả lời này của ông Thọ khiến Bác ngồi yên lặng hồi lâu và không giấu được nỗi buồn.
Lát sau Bác lại bảo: “Cho Bác đi đường biển, Bác sẽ cải trang thành thủy thủ hoặc dấu Bác dưới gầm tàu”. Và Bác vạch ra phương án lên đường rất chi tiết. Nhưng đồng chí Lê Đức Thọ biết sức khỏe của Người không cho phép, nên hứa là Bộ Chính trị sẽ cố gắng sắp xếp để đồng bào miền Nam sớm được gặp Bác.
Nhưng hơn ai hết Bác biết ước mong ấy khó có thể thực hiện, khi chia tay Người ôm đồng chí Lê Đức Thọ mà rơi nước mắt: Những giọt nước mắt dành cho đồng bào miền Nam yêu quý của Người!(4).
..............
(1) Quyển “Đại tướng Lê Đức Anh” trang 95, 96 và 97.
(2) Theo quyển “Phạm Hùng - người chiến sĩ dạ sắt gan đồng” của tác giả Nguyễn Chiến Thắng, trang 149, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản lần 2 vào tháng 5/2022.
(3) Ông Lê Đức Thọ (1911 - 1990): Năm 1948, ông vào Nam Bộ làm Phó Bí thư kiêm Trưởng Ban Tổ chức Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1955 tập kết ra Bắc, ông được bầu vào Bộ Chính trị. Từ 1955 - 1973 và 1976 - 1982 là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Năm 1968 ông vào Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam một thời gian ngắn. Sau sự kiện Mậu Thân 1968 ông được Bác Hồ gọi về Bắc (đây là giai đoạn Hoa Kỳ và nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa xúc tiến các cuộc thương lượng bí mật) để chuẩn bị sang Paris (Pháp) làm cố vấn cấp cao cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris.
(4) Theo báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu.
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin