Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người luôn nặng lòng với nhân dân và quê hương

05:11, 01/11/2022

Dù khi còn là Thủ tướng hay đã về hưu cho đến cuối đời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn dành mối quan tâm đặc biệt cho nhân dân và nặng lòng với quê hương. Tôi may mắn và hạnh phúc có mấy lần được gặp, phục vụ khi Thủ tướng về thăm và làm việc ở tỉnh Vĩnh Long nên thấy rõ điều đó.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (người đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh, cán bộ tuyên giáo, văn hóa, nhà báo tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TL
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (người đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh, cán bộ tuyên giáo, văn hóa, nhà báo tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TL

(VLO) Dù khi còn là Thủ tướng hay đã về hưu cho đến cuối đời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn dành mối quan tâm đặc biệt cho nhân dân và nặng lòng với quê hương. Tôi may mắn và hạnh phúc có mấy lần được gặp, phục vụ khi Thủ tướng về thăm và làm việc ở tỉnh Vĩnh Long nên thấy rõ điều đó.

Sau khi đất nước được thống nhất, đồng chí Võ Văn Kiệt giữ những trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước - là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng vẫn đau đáu một nỗi bận tâm là mãi bộn bề với bao nhiệm vụ, vẫn chưa đóng góp được gì cho quê hương Vĩnh Long.

Trong những năm công tác, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Thủ tướng vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng và tâm huyết cho quê hương, xứ sở.

Với tư duy năng động, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng đã gợi ý lãnh đạo tỉnh nhà trong việc chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng.

Cụ thể, Thủ tướng đề nghị giảm diện tích đất trồng lúa, phát triển diện tích vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phát triển đàn bò thịt, trồng nấm rơm, quảng bá trái cây đặc sản của tỉnh nhà như: thương hiệu bưởi Năm Roi (Bình Minh); cam sành (Tam Bình),…

Đối với những vấn đề lớn của tỉnh như: xây dựng các khu công nghiệp, kết nối Vĩnh Long với các nhà đầu tư, quy hoạch phát triển TX Vĩnh Long lên thành phố, xây dựng cầu Mỹ Thuận,… cũng được Thủ tướng nghiên cứu rất kỹ và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.

Những việc cụ thể, thiết thực như xây dựng tuyến dân cư vùng ngập lũ, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất và vốn vay cho các hộ sản xuất, kinh doanh,… đều được Thủ tướng quan tâm góp ý.

Mỗi chuyến về thăm quê hương Vĩnh Long, Thủ tướng đều đề nghị đi cơ sở như thăm nông dân sản xuất giỏi xã Chánh An, huyện Mang Thít; thăm hỏi bà con lao động TT Vũng Liêm; đến tận nơi khảo sát việc phòng, chống lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái các xã cù lao Minh; nghe chuyện cặp bờ sông Cổ Chiên phát triển lò gạch, gốm sứ, xí nghiệp đóng tàu...

Tại Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ Vĩnh Long lần thứ VI (nhiệm kỳ 1996 - 2000), Thủ tướng không về dự được nhưng đã gửi thư, ân cần động viên: “... Xin chia sẻ với tất cả các đồng chí niềm vui về những thành tựu đã đạt được, đồng thời cùng chung lo với các đồng chí những vấn đề lớn phía trước, những nhiệm vụ lớn Vĩnh Long phải quyết phấn đấu thực hiện để đi lên…

Duy trì nền kinh tế thuần nông là chủ yếu, hoặc không tìm ra con đường năng động đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Vĩnh Long chẳng những không phát triển nhanh được, mà sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu… Các đồng chí phải tự tìm ra câu trả lời, không ai làm thay các đồng chí được…

Biết dựa vào dân giải quyết những vấn đề nhân dân mong đợi, luôn luôn gắn bó với dân như những năm còn đánh giặc, biết khuyến khích và nâng niu từng sáng kiến của nhân dân trong thực hiện sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh…”

Đối với thế hệ trẻ, trong thư Thủ tướng nhấn mạnh: “... Tôi rất mong có nhiều đồng chí cán bộ trẻ được bầu vào cấp ủy trong Đại hội Đảng bộ kỳ này, mong các đồng chí ấy sẽ xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh.

Tôi khẩn thiết mong các đồng chí lão thành và các đồng chí thế hệ đàn anh có sự nhất trí cao về lòng tin vào lớp trẻ, cổ vũ lớp trẻ đem hết nhiệt tình cách mạng, sự năng động và khả năng sáng tạo của mình tận tụy phục vụ những trọng trách đảm nhiệm sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà…”.

Có lần, theo kế hoạch, Thủ tướng về thăm huyện Bình Minh. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy chuẩn bị cờ xí, đèn hoa, khẩu hiệu đón tiếp từ trước rất là trọng thị, chu đáo.

Ai dè, Thủ tướng không theo đường QL1 mà đi ca nô từ hướng sông Hậu, vào sông Cái Vồn rồi đi lên các cơ quan huyện. Hóa ra, trước đó Thủ tướng đã đi thị sát dọc tuyến sông, địa điểm xây cầu Cần Thơ và thăm người dân cù lao Mỹ Hòa.

Làm việc với Huyện ủy Bình Minh, Thủ tướng căn dặn: Cố giữ và phát triển vườn bưởi Năm Roi Mỹ Hòa vì đây là vốn quý, không phải nơi nào cũng có được. Các công trình có thể xây dựng chỗ nào cũng được nhưng vườn bưởi xanh tốt, cho chất lượng cao, mùi vị đặc trưng thì chỉ ở Mỹ Hòa mới có.

Khi đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, nhưng trong các dịp lễ, ngày truyền thống, Thủ tướng vẫn thường xuyên về thăm quê hương, thăm đồng đội cũ và những gia đình nuôi chứa, chở che cho mình trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến.

Có lần, Thủ tướng kể trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từng ở bến phà Bình Minh, sát bên đồn quân cảnh, từng được một sĩ quan công binh của ngụy chở đi thị sát TP Cần Thơ bằng chiếc xe Honda 67.

Nghe lời Thủ tướng, chúng tôi cùng anh em Sở Văn hóa - Thông tin tìm đến gặp ông Hai Nghiệp - vị sĩ quan năm xưa, con của ông Mười Tép, một cơ sở, đường dây bí mật quan trọng của ta và thấy chiếc xe còn được gia đình bảo quản cẩn thận làm kỷ niệm.

Là người có nhãn quan tinh tế trong việc cảm thụ và lao động nghệ thuật, Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa tỉnh nhà.

Thủ tướng trăn trở về xây dựng “Bảo tàng Nông nghiệp” và công viên “Khởi nghĩa Nam Kỳ” tại Vũng Liêm để nhớ ơn người xưa tay lấm chân bùn, nghèo khổ vì chén cơm manh áo; nhớ ơn biết bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Hai công trình như để đền ơn đáp nghĩa và những gì Thủ tướng muốn góp sức với quê hương, đồng thời để thế hệ sau hiểu về cội nguồn truyền thống.

Mỗi bận về thăm quê, Thủ tướng đều ngỏ ý muốn tiếp xúc với anh em làm công tác tuyên giáo, báo chí, văn hóa, văn nghệ.

Trong bầu không khí cởi mở, chân tình, Thủ tướng ân cần căn dặn: “Làm báo không chỉ tìm viết những bài to tát; có những sự kiện, những mẩu chuyện tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa cũng nên viết, xã hội ta có nhiều tấm gương vượt khó rất đáng phát huy”.

Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ Vĩnh Long, Thủ tướng căn dặn cần phải đi tìm cái điển hình, cái hay, cái đẹp, cái cao cả để xây dựng hình tượng trong tác phẩm của mình, hướng công chúng đến với chân - thiện - mỹ.

Điều quan trọng của cả công tác tư tưởng, báo chí hay văn hóa, văn nghệ là đều phải nhằm tuyên truyền, định hướng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa chủ trương đường lối đi vào đời sống và nhất là phải nhằm mục đích phục vụ nhân dân.

Thắp hương kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Thắp hương kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

Năm 2000, tỉnh tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa khá lớn, nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi khắp nơi trong tỉnh, trong đó có buổi lễ hoành tráng tại hội trường Huyện ủy Vũng Liêm.

Thủ tướng bấy giờ đã nghỉ hưu về rất sớm. Ông về nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, đi thăm bà con nhân dân, trong đó có những người đã từng nuôi chứa, vào sinh ra tử với ông trong khởi nghĩa Nam Kỳ hoặc gia đình con cháu của họ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhắc nhiều đến sự hy sinh cao cả của người dân Vũng Liêm trong Nam Kỳ khởi nghĩa và qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để có độc lập tự do như hôm nay.

Thủ tướng nhắc nhở trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền địa phương là phải lo phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt.

Riêng về việc tổ chức buổi lễ kỷ niệm, Thủ tướng đề nghị thay đổi cách làm, không cứ họp mặt dân lại nghe đọc “discourse”, diễn văn ôn lại truyền thống, nghe đảng ủy, chính quyền dặn dò, chỉ đạo rồi về mà phải tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa để người dân phấn khởi, làm cho ngày lễ trở thành ngày hội của toàn dân.

Đó là cách thiết thực nhất để người dân nhớ đến công lao, sự hy sinh của cha ông mình, từ đó càng thêm tin Đảng, Nhà nước.

Lần khác, Thủ tướng về nghe thuyết minh quy hoạch và định hướng phát triển đô thị Bình Minh. Sau khi nghe Sở Xây dựng trình bày trên bản đồ và bản thuyết minh quy hoạch chi tiết dày cộm, Thủ tướng góp ý: Lợi thế của Bình Minh là nằm bên bờ sông Hậu với hệ thống chi lưu rất là thuận lợi.

Quy hoạch gì thì gì cũng phải biến Bình Minh thành một đô thị hiện đại, hữu tình của vùng sông nước miệt vườn. Hơn nữa, quy hoạch phải khả thi, hướng đến cuộc sống của người dân.

Người dân phải vui mừng, tự nguyện tham gia xây dựng quê hương mình ngày càng tươi đẹp. Đối với việc cụ thể, Thủ tướng cho rằng trung tâm TT Cái Vồn và chợ Bình Minh như chiếc áo đã quá chật, không theo kịp sự phát triển, cần phải mở rộng.

Chỉ tay lên bản đồ, Thủ tướng gợi ý: Từ rạch Cái Vồn (ranh giới của trung tâm thị trấn với các vùng xung quanh), dọc theo sông Cái Vồn - Từ Tải và quốc lộ cũ, các đồng chí cứ mở rộng ra để Bình Minh khai thác mặt tự nhiên trên bến dưới thuyền, phù hợp với tập quán giao thương của người miền Tây Nam Bộ.

Người dân lâu nay sống chen chúc trong những căn nhà lụp xụp của vùng ven, nay giải tỏa có nơi ăn, chốn ở, làm ăn buôn bán thoáng rộng hơn, cuộc sống khá giả hơn thì sẽ ủng hộ thôi. Vốn thực hiện thì tranh thủ vận động nhà đầu tư ở TP Hồ Chí Minh, với uy tín của mình, tôi sẽ hỗ trợ địa phương.

Thực hiện lời chỉ bảo của Thủ tướng, các thế hệ cán bộ và nhân dân Bình Minh đã, đang và tiếp tục xây dựng thị xã bên bờ sông Hậu ngày càng giàu đẹp hơn. Có điều ý tưởng phát triển TX Bình Minh dọc theo sông Cái Vồn - Từ Tải - sông Hậu còn phải đang nỗ lực nhiều hơn nữa.

Các câu chuyện trên đây cho thấy tầm nhìn sâu rộng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Điều nổi bật là từ việc lớn đến việc cụ thể, Thủ tướng đều có sự quan tâm đặc biệt đến nhân dân, coi dân là gốc của mọi hoạt động, là lẽ sống của mình.

Là người mang trọng trách của đất nước, Thủ tướng luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, lấy cái chung làm quan trọng để lo cho cái riêng, không vì cục bộ địa phương mà có sự ưu tiên nào.

Nặng lòng với quê hương, Thủ tướng luôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn để cán bộ và nhân dân quê hương Vĩnh Long chủ động, sáng tạo phát triển trong tổng thể chung của vùng ĐBSCL và cả đất nước.

Học tập và noi gương Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các thế hệ cán bộ đảng viên và nhân dân Vĩnh Long đã và đang ra sức xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, đáp ứng lòng mong mỏi của Thủ tướng lúc sinh thời.

NGUYỄN SAN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh