Tạp bút

Ký ức tuổi thơ

Cập nhật, 06:09, Chủ Nhật, 23/10/2022 (GMT+7)
Câu cá mùa nước nổi. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Câu cá mùa nước nổi. Ảnh: PHƯƠNG NAM

(VLO) Tôi sinh ra tại một vùng quê hẻo lánh, nơi đó chỉ có ruộng vườn và sông nước. Mỗi lần muốn ra thị trấn là phải đi mất gần chục cây số, đường đi rất khó khăn. Cứ ngỡ như đang có một cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài....

Nhiều khi tôi cảm thấy rất ghét cái nơi mình sinh ra, mệt mỏi kiếm ăn hàng ngày, cuộc sống đồng ruộng, chăn bò, bắt cua, bắt cá… Mơ ước rời khỏi nơi đây, đến một nơi sầm uất, khám phá cuộc sống giàu sang. Thế nhưng, sao bây giờ lại khao khát, nhớ quê hương đến như thế…

Sống ở cái nơi gọi là nghèo về vật chất nhưng tình cảm thì chẳng nghèo. Vì ai cũng thương quý nhau. Có gì cũng chia sẻ, hỏi han nhau. Dường như, có như thế là quá đủ rồi.

Tuổi thơ của tôi không có cái gọi là công viên, không có nhiều tiền để mua quà vặt, không có quần áo đẹp, không biết rạp chiếu phim là như thế nào... Chỉ có đồng ruộng, vườn tược và sông nước mênh mông…

***

Nhớ hồi đó, lúc còn con nít lên bảy, lên tám đã biết tập tành chơi trò “cô dâu, chú rể”. Đứa nào cũng nhao nhao, “tao, tao làm cô dâu cho”, “để tao làm chú rể”. Vậy mà, khi “bắt cặp” thì đứa nào cũng ngại ngùng, e thẹn.

Rồi tổ chức “đám cưới”, cô dâu thì mặc… tấm trải bàn, còn chú rể thì “mượn đại” cái áo sơ mi người lớn. Cả bọn nghêu ngao “cô dâu, chú rể… làm bể bình bông... đổ thừa con nít...”. Chơi vui lắm dù chẳng đứa nào hiểu được ý nghĩa của nó là gì.

Nhớ những buổi trưa hè nắng gắt, cả đám í ới gọi nhau đi tắm sông, một đám cả trai lẫn gái, không biết mắc cỡ là gì. Cứ thế mà vừa bơi lội vừa vui cười sảng khoái. Lúc đó cả bọn nghịch lắm.

Có lần tôi xém bị chết đuối, rất sợ lũ bạn về méc má. Tôi năn nỉ ỉ ôi mãi, bọn chúng mới chịu im luôn. Lúc nhỏ, đứa nào mà không biết bơi là cứ đi tìm bắt con chuồn chuồn cho nó cắn rốn. Cắn càng đau, càng bơi giỏi. Thật ngu ngơ làm sao!

Những buổi chiều, bọn con nít rủ nhau ra ruộng bắt ốc, bắt cua, đem về luộc sả một nồi to. Hè về thì rủ nhau đi hái me, lột vỏ me, cân me hơn mấy ký, đem bán lấy tiền. Đủ cho cả đám ăn kem.

Bọn con nít chúng tôi cứ đến mùa xoài thì đi lượm trái rụng. Một chén nước mắm đường ngòn ngọt đặc quánh, vài trái xoài chua cũng đủ đã thèm lắm rồi. Có khi chơi dại, sẵn tay hái trộm, bị chó rượt, chủ nhà la chửi, về còn bị đòn…

Xúm nhau coi cá lia thia. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Xúm nhau coi cá lia thia. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Lúc nhỏ, ôi thôi! Đủ thứ trò. Chơi bắn đạn cu li, đánh trổng, tạt lon, nhảy dây, đánh đũa, đá dế, đá cá lia thia, đánh banh, thả diều… Chẳng phân biệt trai gái, chơi vui là được. Thân nhau lắm.

Nhớ cái lần mới biết đánh bài tiến lên, má kêu trông nhà cho má đi ruộng, nhưng vài phút sau, tôi bỏ nhà sang hàng xóm ngồi đánh bài với các bạn. Tôi đang chơi hăng say, mấy đứa kia tự nhiên im lặng, mặt lấm lét, chả hiểu chuyện gì. Ai dè, má tới đứng đằng sau, phết cho mấy roi, khóc cả buổi chiều.

Thích nhất là chơi “năm mười”, mỗi lần chạy đi trốn là cởi áo nhau ra đổi, phải nói là đứa nào mà bị bắt nhắm mắt thì coi như bị suốt cả buổi chơi.

Có lần, tôi bị bắt nhắm mắt đọc năm, mười, mười lăm… lúc sau mở mắt đi tìm các bạn mà chẳng thấy đứa nào, ngồi chờ cả buổi, ai dè mấy đứa nó cùng rủ nhau đi tắm sông. Tức giận cả ngày, tôi không thèm chơi với chúng nó nữa. Mà giận chán thì chạy ra chơi chung thôi…

Ở quê con nít thì nhiều, nên bọn tôi tụ tập ở bãi đất trống dùng làm sân lúa phía sau nhà ông Tám. Không phân biệt trai gái, tuổi tác; cứ kêu nhau mày, tao. Chiều nào cũng chia phe đá banh, người lớn thì ngồi xem, cổ vũ, tiếng cười nói râm ran...

Khi mệt chúng tôi nghỉ ngơi, cả đám xúm lại nghe ông Tám kể chuyện đời xưa, khoái nhất là chuyện ma. Cả bọn cứ luôn miệng nói “tao không sợ”, cả bọn cứ cười tí tởn. Thế nhưng, mỗi khi tiếng chó sủa, tiếng chim cú kêu thì giật mình, co rúm lại…

***

Đã gần hai mươi năm rồi còn gì! Chúng tôi bây giờ đã lớn, đứa lập gia đình, đứa đi làm ăn xa, đứa thì học rồi làm ở tận thành phố… sống một cuộc sống nhộn nhịp, hối hả, biết nhiều cái mà hồi nhỏ chỉ được nghe trên ti vi. Khác rồi, khác xưa lắm rồi.

Giờ thèm lắm cảm giác quê nhà, với lũ trẻ, với mùi vị quê hương, tuổi thơ tuy thiếu thốn nhưng đầy ắp kỷ niệm, nhớ những câu ru “à ơi ví dầu” của má, nhớ cả khi bị đòn thật đau.

Những trưa hè tắm sông, tát mương bắt cá, bắt cua, bắt dế, bắt ve về chơi. Những lúc đi thật xa đến tận trường học ở thị trấn để hái hoa phượng, chơi đá gà. Những khi đi đào củ khoai, củ mì về nấu ăn. Những trái xoài chua với chén mắm đường…

Nhớ những khi giận hờn, cách nhau một cái hàng rào mà chẳng thèm nhìn mặt. Nhớ cái mùi vị của kẹo kéo, cái lạnh của cây cà rem; nhớ gói xôi bắp, xôi vò, cục kẹo dừa thêm nữa là những trái ổi, trái me hái trộm. Nhớ những con cá lòng tong câu được ở dòng sông trước nhà, những con cá bống dừa, cá rô câu ở mương vườn…

Nhớ những lúc trời mưa to, cả bọn gọi nhau í ới cùng tắm mưa. Những miếng cơm cháy chấm mắm nêm, ăn vụng. Chơi lò cò, búng thun, đi vô vườn nhà ông Hai hốt ổ bắt chim con về nuôi, đi ra ruộng bắt cào cào về cho chim ăn.

Rủ nhau tụ tập ở bãi đất trống làm sân lúa để cùng nhau chơi trò đánh giặc, rượt giỡn, vui đùa. Hay ngồi chụm lại nói chuyện ước mơ sau này làm nghề gì… Mà lạ thật, đứa nào cũng thích được làm bác sĩ, thầy giáo, cô giáo…

Hồi nhỏ cứ thích thề non, hẹn biển. Nói thương ai là thương cả đời… rồi móc ngoéo tay với nhau. Cứ thế mà tin, đứa nào cũng sợ mình phản bội lời thề, sẽ bị nhiều chuyện không hay. Nhớ lắm!

… Giờ lớn rồi, mỗi lần nhắc lại chuyện cũ thì “mắc cỡ” lắm. Nhưng mà hiếm khi được gặp nhau, ai cũng có công việc riêng, đi làm ăn xa… lâu lâu mới gặp, cũng chỉ nói được vài câu rồi thôi.

Cuộc sống đổi thay. Lòng người có hay chăng cũng thay đổi. Những khoảnh khắc ấy, tuổi thơ… đã xa rồi... Thời gian quay lại có tìm được không?

Tuổi thơ, dù đầy mơ mộng hay buồn tẻ thì vẫn hằn in trong tiềm thức mỗi người. Thời gian dù có bôi xóa đi nhiều điều, nhưng vẫn gìn giữ vẹn nguyên một thời thơ ấu... Đời người ngắn lắm, quỹ thời gian tưởng chừng vô hạn nhưng thật ra lại rất hữu hạn, hãy trân trọng ký ức, sống và hướng đến những điều tốt đẹp nhất để có một cuộc đời trọn vẹn, an yên.

QUỐC CHIẾN