Giữ hồn quê Việt qua khúc dân ca

Cập nhật, 05:54, Thứ Bảy, 22/10/2022 (GMT+7)
Hội diễn đờn, hát dân ca Nam Bộ đã được tổ chức 2 lần nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca.
Hội diễn đờn, hát dân ca Nam Bộ đã được tổ chức 2 lần nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca.

(VLO) Dân ca là một phần tạo nên tâm hồn và cốt cách con người Việt Nam. Chẳng biết từ bao giờ, những câu hò, điệu lý ngân nga đã vun đắp, nuôi nấng tình yêu thương cho biết bao thế hệ người dân Nam Bộ. Thế hệ hôm nay còn nhiều trăn trở và nỗ lực để giữ gìn tiếng hát có vị trí quan trọng trong tâm thức và tình cảm của người dân nơi đây.

Tiếng lòng nơi dân dã

Theo ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa - TT - DL, dân ca là những câu ca, điệu hát được lưu truyền trong dân gian, xuất xứ từ trong cuộc sống, tồn tại cùng con người và là món ăn tinh thần phản ánh tình cảm của con người.

Trên khắp 3 miền đất nước Việt Nam, những câu hò, điệu lý vẫn luôn vang lên làm say đắm lòng người, nó có sức sống trường tồn và trở thành một trong những nét tinh túy của văn hóa dân tộc. Trong kho tàng dân ca Việt Nam, dân ca Nam Bộ có những nét đẹp tuyệt vời không lẫn vào đâu được.

Nói đến Nam Bộ, chúng ta nghĩ đến một vùng đất màu mỡ có phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp hữu tình; con người Nam Bộ với tính tình cởi mở, hào hiệp, nặng nghĩa, nhiều tình... Những đặc tính đó càng khơi nguồn cho những làn điệu dân ca Nam Bộ thêm giàu chất trữ tình, thi vị và dạt dào hơn.

Tiếng hò trầm bổng, nhặt khoan, khi thì êm dịu, trữ tình, lúc lại tươi vui, náo nhiệt… trong những buổi cấy trên đồng, chèo ghe dưới sông, đùa ghẹo, gợi duyên trong những cuộc hò hát của trai gái thanh xuân. Gắn liền với đời sống sinh hoạt, câu hò trở thành một kiểu giải trí bình dân mà điệu nghệ.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nam Bộ đã thống kê có khoảng hơn 200 điệu lý đã được thu thập ở miền Nam. Nhạc điệu của chúng dựa trên thang âm ngũ cung của âm nhạc cổ truyền Nam Bộ, thêm vào đó là những tiếng luyến láy, tiếng đệm làm cho giai điệu thêm phong phú.

Lời lẽ điệu lý thường chân thật và mộc mạc, không văn chương bóng bẩy, nhưng diễn tả được tình cảm, thể hiện được cá tính bộc trực, phóng khoáng của người Nam Bộ.

Khi em bé khóc nhè đòi ngủ và được đặt lên võng đong đưa hoặc bế lên tay thì tự nhiên lời hát ru cất lên qua giọng êm đềm của mẹ, như vỗ về, ôm ấp đưa trẻ vào giấc ngủ say: “Ầu ơ... Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi / Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời…” 

Âm hưởng du dương dịu dàng của hát ru là sợi dây giao cảm diệu kỳ của người mẹ đến với tâm hồn con trẻ. Chiếc võng đong đưa, chiếc nôi kẽo kẹt, với bàn tay âu yếm, lời ru ngọt ngào... trẻ lớn lên thêm yêu ngôn ngữ, tiếng nói dân tộc mình, yêu quê hương xứ sở.

Những tình cảm và triết lý nhân sinh từ lời ru từng chút, từng chút một được bồi đắp, trao truyền nối tiếp quá khứ và hiện tại.

Là người yêu thích và hò những câu hò mái dài đầy ngọt ngào, Nghệ nhân ưu tú Trường Út chia sẻ: “Hò có 3 loại: hò huê tình, hò cấy và hò mái dài.

Mỗi điệu hò có giai điệu, cách thể hiện riêng trên nền những câu từ rất đẹp. Hơn 40 năm theo nghiệp hát, chẳng có bí quyết gì để hò hay, hát giỏi, chúng tôi đặt hết tình cảm của mình vào câu hò mà thôi. Hãnh diện lắm vì có thể cất câu hát mà nhớ nội, nhớ má, nhớ cả một quãng đời người”.

Giữ gìn tiếng hát dân tộc

Tiếng ru ầu ơ mang tình cảm và triết lý nhân sinh nuôi lớn bao thế hệ.
Tiếng ru ầu ơ mang tình cảm và triết lý nhân sinh nuôi lớn bao thế hệ.

Trong dòng chảy hiện đại, thế hệ hôm nay có nhiều cách sáng tạo để giữ gìn những câu dân ca. Dân ca trở thành kho tàng bất tận cho cảm hứng sáng tạo trong âm nhạc.

Nhiều thế hệ nhạc sĩ đã chắt lọc tinh hoa, mang giai điệu ngọt ngào của dân ca vào ca khúc hiện đại nhưng mang đậm bản sắc văn hóa để phục vụ thời đại mới.

Có thể kể đến nhiều bài hát nổi tiếng như: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường) với điệu hò miền Đông và hò Trà Vinh, điệu lý “Con chim manh manh” vào ca khúc “Anh Ba Hưng” (Trần Kiết Tường), điệu vè “Bậu lỡ thời” trong ca khúc “Bài ca may áo” (Xuân Hồng), “Kiên Giang mình đẹp lắm” (Lư Nhất Vũ) theo điệu lý “Chèo đưa cá ông”...

Đội ngũ kế thừa bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, dân ca Vĩnh Long cũng phát triển không ngừng, trong đó nổi lên các tài tử trẻ như: Nguyễn Thế Tâm, Huỳnh Duy Không, Mai Tú Hảo…

Theo học ngành Kịch hát dân tộc- Trường Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, Mai Tú Hảo chia sẻ: “Ông nội là nhạc công Mai Hồng Chiến nên từ nhỏ tôi đã được nội chỉ từng nhịp hát.

Rồi không biết từ khi nào, câu hò, điệu lý, những câu hát đờn ca tài tử thấm vào máu thịt. Để thể hiện tâm tư, tiếng lòng của người Nam Bộ, câu dân ca hát lên phải thật tình cảm, giản dị, mộc mạc. Thế hệ trẻ hôm nay cũng mang trách nhiệm phải làm sao để giữ gìn, quảng bá và truyền lại tài sản vô giá của ông cha”.

Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng chia sẻ trăn trở, những người yêu văn hóa dân gian dân tộc đều gửi gắm tâm tư, nguyện vọng bảo tồn, để làm sao tiếng hát ru con, điệu hò trên sông nước còn mãi mãi.

Bởi xuất phát từ tình hình bây giờ những bà mẹ trẻ không còn biết ru con, trên sông nước không còn tiếng hò, trên đồng ruộng không còn tiếng hò cấy. Chúng ta phải giới thiệu và cùng nghĩ ra cách nào đó để bảo tồn tiếng hát quê hương.

Ông Lê Thanh Hiền cũng cho biết, trong những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Long nỗ lực tìm kiếm thế hệ kế thừa từ phong trào quần chúng. Hội diễn đờn, hát dân ca Nam Bộ đã được tổ chức 2 lần nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên không chuyên được giao lưu, học tập, chăm bồi những hạt nhân đờn, hát dân ca hay từ trong phong trào quần chúng, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương.

Điệu lý, tiếng ầu ơ… tiếng hò ơi… chính là câu ca đậm tình xứ sở, là cội nguồn dân tộc, như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi lớn đời ta. Trước lo ngại rằng những câu dân ca sẽ lạc nhịp giữa đời sống hiện đại, thế hệ trẻ càng phải có trách nhiệm hơn để dân ca sẽ còn ngân mãi trong bản hòa ca của dân tộc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ