Nhỏ Út Hồng ở đầu xóm Trạm Bơm về quê trước Tết hẳn 3 tháng. Điều này chưa từng có tiền lệ trong hơn 10 năm "đi xì phố" của Hồng.
(VLO) Nhỏ Út Hồng ở đầu xóm Trạm Bơm về quê trước Tết hẳn 3 tháng. Điều này chưa từng có tiền lệ trong hơn 10 năm “đi xì phố” của Hồng.
“Đi xì phố” là tiếng gọi mà người dân quê hay dùng để nhắc lớp thanh niên đi mất hút khỏi xóm. Chục năm trước, khi “sắp nhỏ” lũ lượt tốt nghiệp cấp 3 thì xóm bắt đầu vắng hoe. Đứa học giỏi thì đi học đại học, đứa muốn ra đời kiếm sống thì lên TP Hồ Chí Minh làm việc ở nhà máy, khu công nghiệp.
Hành trang về quê ăn tết mấy năm qua của vợ chồng Út Hồng luôn “tay xách nách mang” bánh trái, quần áo mới cho cha mẹ, họ hàng.
Năm nay dịch bệnh bùng phát, nhà máy đóng cửa, Út Hồng quyết định về quê cho hết cái tết rồi mới “đi xì phố”. Hành lý không có bánh mứt mà gói ghém tất cả “tài sản” của vợ chồng: quần áo, vật dụng cá nhân và… chú chó đốm.
Ông nội thương yêu của Út Hồng ra đi trong đợt dịch. Chiếc ghế của ông nội bỏ trống, đồ đạc của ông vẫn còn nguyên chỗ cũ nhưng vắng bóng người.
Tấm hình ông trên bàn thờ đang nhìn Út Hồng mỉm cười, những đóa hoa trắng muốt lặng thinh… dịu dàng như muốn ôm lấy, lấp đầy một khoảng trống vừa tạo ra trong trái tim đứa cháu mà ông thương nhứt. Út Hồng mất cả tháng để có thể chấp nhận và quyết tâm vì ông nội mà sống tốt hơn.
Còn 60 ngày nữa đến Tết, vợ chồng Út Hồng hì hụi gieo hột vạn thọ. Việc làm đầu tiên thay ông nội chăm lo cho mùa xuân này là phải có chậu vạn thọ rực rỡ để cầu mong sức khỏe và may mắn cho các thành viên trong gia đình. Trước rằm tháng Chạp thì cả nhà xúm nhau lặt lá để hàng mai của ông nội trồng có thể trổ bông vàng cả góc sân như mọi năm.
Thời buổi hiện đại, muốn ăn bánh tét giờ nào hổng được, “a lô” gọi điện ra chợ là dì Ba giao tận nhà. Nhưng Út Hồng nhớ lời nội dạy, chịu khó gói ghém để đến Tết là phải xách nước đầy lu, nhổ cây cải tùa xại bự tổ chảng để làm dưa, có cặp dưa hấu, có mâm ngũ quả, tự tay gói đòn bánh tét cúng ông bà.
Ăn bánh tét không phải “ăn cho vui”, mà là món ăn tinh thần nhắc nhở con cháu sum vầy, trân quý hạt nếp, miếng thịt mà cả năm vất vả làm ra. Tết là ngày đoàn viên, là dịp quý báu để được tiếp nối giá trị truyền thống của gia đình.
Mùa đoàn viên thì nghĩa xóm giềng làm sao thiếu được. Chậu bông tết, ổ bánh mì, con cá, mớ rau, mớ trứng theo tiếng í ới mà sẻ chia. Chạy vội ra đã thấy cô Tư, thấy thằng Tí treo lủng lẳng bánh trái trên hàng rào.
Về nhà- không phải là câu chuyện của xu hướng mà là hiện thực xã hội đáng khắc ghi và suy ngẫm. Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thì quê nhà không chỉ là nơi trú ngụ mà là chốn bình yên, chỗ dựa tinh thần để con người cảm thấy được xoa dịu.
Cuộc trở về- dù sớm hay muộn thì xem như là một khoảng dừng để nghỉ ngơi giữa hành trình bao nhiêu năm bôn ba. Ăn cái tết đặc biệt, dù có thể giản dị hơn những năm trước nhưng ấm nóng tình xóm giềng, tình thân, nghĩa cộng đồng…
Sẽ có những khoảnh khắc mãi mãi không bao giờ trở lại. Sẽ có những giây phút mình chỉ còn ao ước được gặp lại một lần. Và có những người chỉ có thể ở với mình cái tết ấy rồi thôi… Nên sự đoàn viên là một lời nhắc, một tiếng gọi thức tỉnh quan trọng trong cái tết này.
Phải sống sao cho trọn vẹn mỗi khoảnh khắc và khiến những giây phút bên người mình yêu trở nên quý giá hơn bao giờ hết.
Khi đất trời đến thời khắc giao mùa cũng là lúc những ồn ào, bon chen của đời thường tạm gác lại. Mùa đoàn viên là lúc nhân lên sức mạnh của sự gắn kết và chia sẻ. Suy cho cùng, tất cả cố gắng của ngày thường cũng là mong đến được đích hạnh phúc, đoàn viên.
“Sắp nhỏ” ngày ấy “đi xì phố”, nay đã trở về. Hừng sáng là nghe Út Hồng bật nhạc Bùi Công Nam vang vọng: “Năm qua tôi có được gì/ Sau những lần chia tay/ Và năm qua tôi có được gì/ Sau những phút giây quay lại… Dù là như thế nào, dù mọi điều đã có ra sao/ Chỉ cần ngoảnh lại một nụ cười vẫn nở trên môi/ Thành công thất bại chỉ là chuyện năm cũ thôi/ Đón chào năm mới”.
Nắng xuân phả không khí ấm áp lan tràn ra vạn vật. Nhành mai ủ kín những nụ hoa chuẩn bị mở ra, rực rỡ trong đó những mầm sống mới. Con trai của Út Hồng hơn 2 tuổi, bắt đầu ê a tiếng gọi mẹ, gọi cha. Bánh mứt ngọt đầu lưỡi. Một mùa xuân mới lại bắt đầu…
PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin