Hái lộc đầu năm

Cập nhật, 07:00, Thứ Năm, 27/01/2022 (GMT+7)

 

Hái lộc đầu năm cầu mong mọi điều may mắn tốt đẹp trong năm mới.
Hái lộc đầu năm cầu mong mọi điều may mắn tốt đẹp trong năm mới.

Hái lộc đầu năm là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc ta với mong muốn cầu những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới.

Gia đình anh Văn Sâm (50 tuổi) luôn giữ thói quen từ nhiều năm nay, cứ sáng mùng 1 Tết Nguyên đán là cả nhà đều đi đến các chùa xin lộc đầu năm. Vì làm kinh doanh nên anh rất tin tưởng và tâm niệm việc đi chùa và hái lộc đầu năm mới sẽ đem về nhiều may mắn, tốt đẹp cho gia đình.

“Trong ngày mùng 1 dù có bận tiệc tùng họp mặt gì thì cả nhà tôi cũng ưu tiên cho việc đi chùa xin lộc đầu năm. Chúng tôi đi từ sáng sớm, đến hết buổi sáng là về nhà họp mặt gia đình. Đây là tục lệ từ lâu đời của gia đình mà mọi thành viên đều thành tâm yêu thích và tin tưởng. Trong không khí xuân mát mẻ, trăm hoa đua nở, đến những nơi trang nghiêm thanh tịnh để viếng cảnh chùa cầu mong cả nhà bình an, xin lộc may mắn về nhà, chúng tôi cảm thấy rất an nhiên, vui vẻ”- anh Văn Sâm chia sẻ.

Nhóm bạn trẻ Huỳnh Nhi thì lại thích đi xin lộc vào thời khắc ngay sau giao thừa. “Nhóm chúng tôi thường hẹn hò vào đêm 30 Tết sẽ đi cà phê, ăn uống và sau khi xem bắn pháo hoa đón chào năm mới, chúng tôi sẽ đi xin lộc ở các chùa. Nhóm chúng tôi ai cũng thích đi xin lộc đầu năm cầu mọi chuyện tốt đẹp, đâm chồi nảy nở trong năm mới”- Huỳnh Nhi cho biết.

Hái lộc đầu năm là việc hái cành lá sau đó mang về nhà để cầu mong cho những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ. Những cây được chọn để hái lộc đầu năm thường là những loại cây quanh năm tươi tốt với ý nghĩa tượng trưng là mang chồi lộc, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà. Lộc ở đây không chỉ là tài lộc, còn là may mắn bình an, của sinh trưởng dồi dào, tượng trưng cho những gì tươi mới được hình thành.

Bên cạnh đó, theo quan niệm dân gian, nếu thành tâm xin một cành lộc nhỏ ở đền, chùa sẽ được thần Phật phù hộ, ban cho tài lộc và may mắn trong suốt cả năm. Người dân có thể đến đền, chùa, nhà thờ, công viên, hoặc sân vườn nhà mình để hái chút cành lá về cắm trong nhà hoặc trên bàn thờ. Cành lộc có nhiều loại tương ứng với ý nghĩa khác nhau.

Nhưng hái lộc có rất nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Sau khi đi giao thừa hoặc đi viếng chùa, miếu đầu năm, người dân có thể mua các chậu cây nhỏ như là một hình thức hái lộc. Nhiều người cho rằng nếu bạn hái lộc vào lúc giao thừa thì cần chú ý lựa chọn cẩn thận để không mang cành lá héo úa hay cành có gai nhọn vào nhà, vì làm thế sẽ mang theo sát khí không tốt cho gia đình. Và không phải cứ hái cành to, cành đẹp thì càng có lộc nhiều. Chỉ cần một cành nhỏ tượng trưng là đủ.

Từ bao đời nay hình ảnh nam thanh nữ tú ngày đầu xuân đi viếng cảnh chùa, cầu may mắn, cầu duyên lành tốt đẹp trong năm mới đã trở thành hình ảnh đẹp được lưu giữ. Nam thanh nữ tú trong khi dạo chơi nơi danh lam thắng cảnh hay trong vườn xuân vừa cầu duyên vừa xin chút lộc mang về. Tâm trạng chung của những cô gái, chàng trai khi đi cầu duyên, hái lộc là niềm hân hoan trong lòng. Nhưng điều mà họ cảm thấy được rõ nhất chính là sự bình yên thoải mái trong tâm hồn. Từ đó, họ tin vào điều mình nguyện cầu sẽ thành sự thật.

Hái lộc đầu xuân là một việc như sự giao hòa giữa con người, trời đất và thiên nhiên. Việc hái lộc quan trọng là ở ý nghĩa. Hái lộc mà không thương tiếc cho cây cối, phá hoại cảnh quan môi trường thì cũng không tốt. Người hái lộc phải có cái tâm hướng thiện, tâm hồn thanh tịnh và thuần khiết, lòng vui vẻ lạc quan thì cành lá bé nhỏ là đủ mang xuân, mang phúc lộc về nhà. Muốn có cuộc sống tốt đẹp, hưởng lộc nhiều, phước nhiều cần phải gieo nhiều nhân lành. Ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên sẽ đến.

Bài, ảnh: LAM NGỌC