Anh hùng Lao động Lê Minh Đức, một trong những người con ưu tú của quê hương Bình Minh (nay là Bình Tân), tỉnh Vĩnh Long. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã có những cống hiến to lớn cho quê hương, đất nước đặc biệt là cho ngành đường sắt Việt Nam.
Lê Minh Đức là thợ sửa đầu máy xe lửa (1957). |
(VLO) Hai mươi năm trước, trong quá trình sưu tầm tư liệu viết lịch sử xã Mỹ Thuận, tôi đặc biệt chú ý những người tổ chức nhân dân làm cuộc Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền ở địa phương, thành lập chi bộ đầu tiên của xã và lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp trên quê hương Bình Minh như Lê Minh Đức, Đồng Thị Xê Ích, Huỳnh Văn Chiêm,...
Mấy năm sau này, nhân dịp lễ, tết, họp hội đồng hương, tôi được phân công đi thăm một số cán bộ lão thành cách mạng quê hương Vĩnh Long đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, trong đó có Anh hùng Lao động Lê Minh Đức.
Anh hùng Lao động Lê Minh Đức, một trong những người con ưu tú của quê hương Bình Minh (nay là Bình Tân), tỉnh Vĩnh Long. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã có những cống hiến to lớn cho quê hương, đất nước đặc biệt là cho ngành đường sắt Việt Nam. Ông sinh ngày 17/3/1922 tại xã Mỹ Thuận trong một gia đình nghèo, mẹ đi ở mướn để nuôi thân và nuôi con.
Ông kể: Tôi sinh ra ở làng Mỹ Thuận, huyện Bình Minh. Tôi luôn tự hào về quê mình, bởi đây là một cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, phần hạ lưu trù phú của dòng Mekong chảy qua năm quốc gia. Tình yêu và lòng tự hào ấy, khiến ông luôn nhớ và thuộc lòng bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của Hoàng Hiệp:
Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà
Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi
Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy
Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già
Sông vẫn in màu mây
Vẫn khi vơi đầy vẫn mang phù sa
Làm đẹp thêm làng quê yêu dấu
Sông vẫn như thuở ấy
Vẫn con đò ngang đón đưa người sang
Và từng đêm hát ru đôi bờ
Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình
Tim tôi gắn bó với dòng sông tuổi thơ
Con sông tôi tắm mát
Con sông tôi đã hát
Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà
Sông cũng như người ấy
Có khi vui buồn có khi hờn ghen
Chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy
Ôi những con thuyền giấy những năm tuổi thơ
Đã đi về đâu?
Để mình tôi nhớ nhung bây giờ...
Nói về cuộc đời và thân phận khốn khổ của mình cũng như bao người dân thời thực dân, phong kiến, ông kể: Mới khi cất tiếng khóc chào đời, số phận dường như đã đặt tôi vào một hoàn cảnh hẩm hiu, bi kịch... mà nếu không có sự dạy dỗ của ông bà ngoại, đặc biệt là của người mẹ tuyệt vời thì đời tôi chắc không biết no ấm là gì...
Cha tôi tên là Lê Bá Phước, con của một hương quản làng, gia đình trung nông lớp trên tại xã Long Tuyền, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.
Cha tôi được ông nội cho ăn học đàng hoàng, làm thầy giáo trường làng. Năm 1919, cha tôi sang dạy Trường Trà Kiết, xã Mỹ thuận, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) là quê của má tôi. Má tôi tên Trương Thị Dực (tục gọi Hai Hoe), con của một gia đình thợ máy nghèo. Cha tôi thương má tôi nên xin ông bà ngoại cho được kết hôn.
Năm 1920, má tôi sanh con gái đầu lòng. Năm 1921, khi má tôi có thai tôi được ba tháng thì ông bà nội kêu cha tôi về quê cưới vợ khác vì không môn đăng hộ đối.
Cha tôi buộc phải vâng lời, chuyển về dạy ở một trường làng khác tại Kinh Xáng-Xà No. Từ đó má tôi vò võ một mình mang bầu, sanh con rồi nuôi con trai khôn lớn. Nhà rất nghèo, nhưng má tôi quyết chí cho đi học trường làng.
Là một người con hiếu thảo và ham học, năm 10 tuổi thi đậu học bổng 4 năm tại Trường Primaire tỉnh Cần Thơ, năm 15 tuổi thi đậu học bổng 3 năm tại Trường Kỹ Nghệ thực hành Sài Gòn. Năm 1940, vì chống Tây nơi làm việc nên bị bắt đi lính thợ tại sân bay Biên Hòa để bồi thường những năm học.
Năm 1943, mãn hạn lính về làm công nhân cho Hãng rượu Mazet chợ Quán, nơi đó ông tham gia cùng thợ thuyền đình công, bỏ việc về làm thợ sắt tại hãng xáng Mỹ Tho. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Tây, chiếm hãng xáng thì ông không làm cho Nhật mà trở về quê xã Mỹ Thuận.
Sau ngày 25/8/1945, ông tham gia tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc của xã Mỹ Thuận và làm nhân viên Ủy ban kháng chiến Liên thôn Mỹ Thuận, Thành Lợi và Tân Quới, huấn luyện du kích để chuẩn bị chiến đấu.
Năm 1946, làm thư ký Ủy ban Việt Minh xã Mỹ Thuận rồi làm ủy viên quân sự (xã đội trưởng) xã Mỹ Thuận. Sau những trận chống càn của giặc Pháp, vì tự vệ không có súng, ông tổ chức lập một xưởng làm súng tiểu liên, súng lục Roulaeu.
Để thực hiện, ông mượn súng tiểu liên của chỉ huy tự vệ huyện Châu Thành, Sa Đéc, đem tháo ra, vẽ liền tại chỗ trong một buổi, trả lại súng cho họ đi chiến đấu. Nguyên, vật liệu thì đi xin sắt thép, các song sắt, khóa, cửa sổ, cửa cái của nhà giàu, lấy thanh đố làm báng súng, bốn trụ giường làm thân súng tiểu liên.
Tháng 8 năm 1948, xưởng được giao thành lập Công an xưởng tỉnh Vĩnh Long, phụ trách phó quản đốc kỹ thuật, nghiên cứu và tổ chức đào tạo thợ làm súng. Năm 1952, được điều động về làm quản đốc Công an xưởng phân liên khu miền Tây Nam Bộ.
Ông kể lại: Nhật đảo chính Pháp, tôi nghỉ làm hãng xáng, trong tay chỉ có một cây thước thụt (pied à coulisse) và một cây thước thau 10 tấc xếp lại. Tham gia cách mạng, tôi chỉ có tấm lòng, nghề nghiệp và hai cây thước đó.
Nhờ đó mà tôi đo vẽ các chi tiết của súng rất chính xác, các chi tiết của súng làm đúng bản vẽ lắp vào là bắn được.Trong kháng chiến tôi chỉ có hai bàn tay trắng, nhờ một cái lò rèn của tư nhân, tôi rèn được tất cả đồ nghề cho các loại thợ, làm được các chi tiết của một cây súng để sau đó là làm nguội, bào, tiện... Nhờ vậy, mình tôi lập ra một xưởng thô sơ ban đầu thuận lợi.
Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 17/12/1954, ông xuống tàu cùng với 80 anh em công nhân trong chi đội 2, mang theo dụng cụ, máy móc của Quân giới miền Tây Nam Bộ tại bến Chắc Băng, tập kết ra Bắc.
Từ biệt quê hương nghèo khó nhưng vô cùng yêu dấu, từ biệt những tháng năm tuổi thơ hẩm hiu, từ biệt dòng sông thơ ấu với bao buồn vui đói khổ, từ biệt bà con, đồng chí hết lòng vì kháng chiến, ông ra Bắc với niềm tin là sau hai năm sẽ hiệp thương, thống nhất Tổ quốc. Nào có ngờ đâu, đúng hai chục năm sau mới trở về...
Anh hùng Lao động Lê Minh Đức (thứ hai từ phải qua) tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 2 (tháng 7/1958). Ảnh tư liệu |
Ở miền Bắc, được phân công phục vụ ở ngành đường sắt, với tinh thần lao động miệt mài, sáng tạo, ông đã có nhiều cải tiến kỹ thuật quan trọng đảm bảo hệ thống xe lửa của nước ta vốn bị hư hỏng nặng do chiến tranh, thiếu trang thiết bị và đội ngũ chuyên gia, thợ lành nghề để sửa chữa... vẫn có thể vận hành an toàn, thường xuyên, kịp thời, giúp cho xe lửa trở thành hệ thống giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của miền Bắc cũng như nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Với những thành tích trên, ông được tuyên dương Anh hùng Lao động vào năm 1958.
Ông tâm sự: Trong Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 2 tại Hà Nội ngày 7/7/1958, Bác Hồ đã ký phong tặng cho tôi danh hiệu Anh hùng Lao động và Bác còn cho tôi một cây viết hiệu Hero, loại tốt nhất lúc bấy giờ. Đó là danh dự và hạnh phúc lớn nhất cho tôi.
Một công nhân Nam bộ đầu tiên được Bác Hồ khen tặng “Vì đã có thành tích nêu gương dũng cảm lao động sản xuất trong phong trào thi đua yêu nước trong 3 năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa”.
Cây viết này là một vật báu thiêng liêng đối với tôi, làm tôi luôn nhớ lời dạy của Bác: Rèn luyện, học tập, lao động, sản xuất, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.Và cây viết này cùng đồng hành với tôi, tiếp sức cho tôi làm việc hăng say, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho tôi ở ngành đường sắt.
Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, Anh hùng Lao động Lê Minh Đức với cương vị vừa là đại biểu Quốc hội vừa là Tổng cục Phó thường trực của Tổng cục đường sắt, đã trực tiếp phụ trách tổ lái, chỉ đạo việc sửa chữa đầu máy, toa xe, đường ray, hệ thống cầu... đảm bảo ngành đường sắt vẫn hoạt động xuyên suốt, trong điều kiện bị máy bay của kẻ thù bắn phá ngày đêm, nhằm chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.
Tháng 4/1975, ông được Trung ương điều động tiếp quản ngành đường sắt miền Nam với nhiệm vụ khôi phục nhanh chóng và nối liền đường sắt Bắc - Nam.
Cuối năm 1976, đường sắt Thống Nhất được khánh thành chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và ông vinh dự được bầu làm đại biểu đi dự Đại hội. Sau đó, ông được phân công về TP Hồ Chí Minh, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng trên cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cho đến ngày nghỉ hưu.
Như vậy, tổng cộng ông có 22 năm phục vụ miền Nam, 21 năm phục vụ miền Bắc. Nơi nào ông cũng được sự giúp đỡ, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, đồng đội. Nhờ thế, ông đã hoàn thành nhiệm vụ, có thành tích ở mọi miền, xứng đáng là một anh hùng của đất nước, người con ưu tú của quê hương Mỹ Thuận, Bình Tân, Vĩnh Long.
NGUYỄN SAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin