Truyện ngắn

Trên bến sông Xuân

Cập nhật, 05:23, Chủ Nhật, 30/01/2022 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Chiếc ghe cộc cạch xuôi dòng sông trong một chiều tà dương chưa tắt.

Trên ghe chở đầy bông: vạn thọ, cúc vàng, bông giấy, vài chậu mai,… Những chậu hoa kiểng được xếp đặt khéo léo khiến đám trẻ con bên bờ sông nô nức khi thấy chiếc ghe chạy ngang qua. Chiếc ghe nhỏ xíu, cũ kỹ nhưng hình như đã mang cả mùa xuân về xóm Tràm Đước.

Dòng sông dài ngoằn, chiếc ghe chầm chậm, người đàn ông trên ghe đưa mắt nhìn quanh quất, hễ thấy cái bến nước nào có ba bốn người túm tụm lại trò chuyện thì ông chạy chậm hơn nữa, gọi vống vào trong ghe:

- Thà ơi, ra coi coi, má bây có ở cái bến đó hay không?

Từ trong mui ghe, Thà lom khom bò ra ngoài mũi, dụi mắt nhìn, gió lòa xòa tóc:

- Không phải, tía. Lạ hoắc!

- Ừ, vậy thôi! - tía Thà nói gọn một câu.

Chiếc ghe chở bông lại chầm chậm trôi.

*

Mấy năm trời lang bạt, đến đâu anh Năm cũng tìm, hỏi có ai biết chị Năm ba mươi lăm tuổi, mặt đẹp, dáng người cũng đẹp. Người ta cười bảo tìm vậy cả đời chắc gì tìm được, ít ra cũng phải cho biết chính xác tên, tuổi, cớ gì lại lưu lạc… chớ còn “mông lung quá, tìm vậy khác gì mò kim đáy bể”- một người góp lời.

Anh Năm tiu nghỉu, “phải chi kể được chắc tui cũng kể rồi, giấu chi cho nặng lòng”.

Hai tía con lại đi. Từ xóm này qua xóm nọ cách nhau một quãng sông. Sông này nối tiếp sông khác dài dằng dặc như cuộc đời. Thà đếm đốt ngón tay lẩm bẩm tính.

Một năm… hai năm… đã bảy năm ròng Thà ăn trên ghe, ngủ trên ghe, Tết cũng quanh quẩn trên ghe. Đời hai tía con Thà không ở yên một chỗ mà cứ nay bến này, mai lại dời sang bến khác. Vô định.

Đôi lần Thà buồn khi nhìn thấy những cô gái cùng trang lứa cắp sách đến trường, ướm lên mình màu áo trắng tinh khôi. Biết Thà như mầm non cần được sống trên mảnh đất tươi tốt, anh Năm định bụng gửi con lên nhà bà nội để Thà đi học.

Dẫu sao Thà cũng là con gái, ở một chỗ có lẽ sẽ tốt hơn cho Thà, huống hồ sống với tía trong cảnh đời gạo chợ nước sông khó nhọc trăm bề. Tình thương của người cha làm sao bằng tình yêu của người mẹ, nhất là khi Thà đang tuổi lớn, giọng nói đã thanh mảnh hơn rất nhiều.

Nhưng Thà nói “tía ở đâu con sống đó, con thiếu má rồi không lẽ giờ bắt con thiếu tía nữa sao?”. Anh Năm cười mà lòng anh xao xác như tàu lá bị gió xé… “Ừ, thôi con muốn sống với tía thì tía cho. Tía con mình cùng tìm tới khi nào gặp má thì thôi”.

Ngày thường, chiếc ghe của tía con Thà là cái cửa hàng tạp hóa lưu động trên sông. Năm bữa nửa tháng anh Năm ra chợ bổ hàng rồi hai tía con chạy rong ruổi trên những dòng sông len lỏi giữa miệt rừng tràm, rừng đước,… đôi khi ra tận xóm biển để bán hàng.

Ngày Tết, chiếc ghe chở đầy hoa, những chậu vạn thọ rực rỡ, những cội mai búp độ chừng đêm ba mươi mai sẽ nở rộ đón xuân sang.

Ở xứ này người ta thường ít mua hoa, hoặc có mua cũng chỉ là năm ba chậu vạn thọ để trước nhà cho có không khí Tết. Xóm Tràm Đước nằm giữa rừng tràm, rừng đước cũng là cái xóm rộng nhất miệt này. Thi thoảng hai tía con vẫn thường về ngang qua đây.

Anh Năm không hiểu vì sao nhưng cái xóm này đã đọng lại trong lòng anh nhiều dấu ấn. Cả Thà cũng vậy! Chiều cơm nước xong, Thà ngồi sau lái rửa chén còn tía thì đang lặn xuống coi lại cái vết trầy dưới ghe. Thà buột miệng:

- Mình dừng ghe ở xóm này nữa, nghen tía?!

- Ừ, tía cũng định vậy. Năm nào mình cũng dừng ở đây. Năm nay cũng vậy. Biết đâu…

Anh Năm dừng lại. Thà tiếp lời khiến anh Năm bỡ ngỡ và rồi lặn thêm một hơi nữa xuống lòng sông để giấu nỗi buồn:

- Biết đâu gặp má, phải không tía? Má đi cũng sáu, bảy năm trời rồi. Tết nào con cũng mơ má về, mà riết con quen. Hai tía con sống cũng ổn. Nếu má thương con, thương tía thì má đâu có bỏ mà đi? Má kỳ thiệt, hen tía!

Thà nói như sợ ai đó giành nói với Thà…

Lòng người đàn ông hanh hao, lạnh hơn nước lòng sông trong một chiều cuối năm gió thốc. Thà cũng thấy mắt mình ươn ướt. Thà ôm rổ chén chui vào trong ghe úp lên cái chạn để mau ráo, kéo ống tay áo chùi nước mắt.

*

Anh Năm không còn nhớ rõ buổi chiều mà chị Năm bỏ ra đi, nói đúng hơn là không muốn nhớ. Nhưng không nhớ không được, cái ký ức ấy như ngọn gió, dù anh Năm đã rào chắn lòng mình thế nào thì nó cũng len lỏi vào bên trong. Hanh hao. Xa xót.

Đó là một buổi chiều cuối năm, khi hơi xuân đã lan tràn về xóm Mũi đìu hiu. Vài cây tra bông vàng đã trổ rộ ngoài đầu xóm. Anh Năm để vợ với con Thà ở nhà, nấn ná làm thêm để đủ tiền sắm cho chị Năm đôi bông tai.

Bà con xóm Mũi vẫn hay ghẹo chị Năm “có số hưởng, chắc kiếp trước tu nên kiếp này lấy được anh Năm thương chị đến từng cái móng chưn”…

Anh Năm cười cười không đáp. Cái thương của anh Năm cũng lạ, có bao giờ mà anh thổ lộ bằng lời. Thương thì anh để trong bụng, rồi lẳng lặng, âm thầm lo lắng cho chị. Trong căn nhà nhỏ, chưa bao giờ anh Năm để chị phải động móng tay.

Chiều hôm đó, có chiếc ghe lạ neo ở đầu xóm Mũi. Người trong xóm kéo nhau ra ghe mua gạo, nếp, nước mắm, bột ngọt, vải vóc… chuẩn bị đón Tết. Bến sông rộn rã hơn mọi khi.

Chủ ghe là một người đàn ông mà đám con nít hay kêu là “ông bụng phệ”, thường ra đứng ở mũi ghe ngóng vào trong xóm.

Không ai biết rằng trong xóm cũng có một người phụ nữ ngóng ra chiếc ghe, ước mơ được bước chân lên chiếc ghe, cùng “ông bụng phệ” rời khỏi cái bến buồn tẻ và tù đọng đó.

Chiều cuối năm, chiếc ghe của “ông bụng phệ” rời khỏi xóm Mũi. Tiếng tành tạch của chân vịt xé nước mang theo người phụ nữ xõa tóc ngồi mơ về một khoảng trời xa xôi, rực rỡ. Chiếc ghe đi, bỏ lại khoảng trống trong lòng anh Năm không ai có thể lấp đầy được.

Chiều cuối năm, khi những ngôi nhà khác đang rộn ràng đón Tết, chuẩn bị cúng giao thừa, thì nhà anh Năm vắng tanh, con Thà ngồi trước sân khóc ròng đòi má. Anh Năm nóng ruột rầy con, Thà càng khóc dữ hơn. Anh đứng bên bến sông như một kẻ vô hồn nhìn theo dòng nước chảy.

Trong xóm, nhà ai gói bánh tét nhân mỡ, nhà ai nổi lửa bập bùng…

*

Ngồi cắt mấy cọng chỉ thừa trên tấm áo mới cho tía, Thà lí nhí hỏi:

- Tía, vậy chớ tía có hận má con không? Vậy chớ gặp lại má con, tía có bỏ qua cho má không, hay tía buồn má nữa?

Anh Năm cười hiền:

- Tha thứ chớ con. Hận sao được con. Tía thương má mầy không hết, lấy đâu mà giận, mà hận? Nếu giận hờn thì tía con mình đâu có ròng rã đi tìm má, sáu bảy năm rồi chứ ít ỏi gì nữa đâu!

Nghe tía nói vậy, tự dưng Thà thấy lòng mình bình an lạ lùng. Thà múc nước sông tưới mấy chậu hoa cũng đưa mắt tìm má. Thà ra lái ghe ngồi chải đầu hay rửa chén, nghe tiếng ai cười nói trên bờ cũng ngó lên coi phải má hay không? Mà nếu gặp má thì Thà sẽ làm gì ha…

Xóm Tràm Đước Tết này cũng như những cái Tết xưa, cũng rộn rã nói cười, chiều cuối năm cũng tiếng lửa reo trong lò, nước sôi trong nồi nấu bánh tét nhân chuối, nhân mỡ thơm nức nở. Nhưng đã lâu rồi Thà không được hưởng cái Tết trọn vẹn là Tết.

Tết với Thà là những ngày ngồi trên ghe ngó lên bờ qua ô cửa nhỏ, rồi cười, rồi khóc. Chỉ có hai tía con nên trên ghe cũng không bày biện gì, chỉ đợi đêm Giao thừa tía ra mũi ghe cúng sông nước,…

Tía nói: “Tía con mình nương nhờ trên sông đợi đến khi tìm thấy má con thì thôi, bởi vậy nên tía con mình nợ sông rất nhiều”.

*

Một ngày đầu năm, trời nắng nhạt. Những ngọn nắng ban mai nhảy múa, nắng ướp lên mấy cành hoa mai trong cái chậu để trước mũi ghe. Tía con Thà vẫn cập lại ở cái bến quen mà năm nào họ cũng cập để đón Tết. Bến nằm ở giữa xóm Tràm Đước, trên bờ, không ai gieo trồng mà vạn thọ, sao nhái mọc đầy rồi nở rộ, đẹp lắm.

Thà tự hỏi rằng đã mấy lần tía con Thà dừng lại đây đón Tết trong đơn chiếc. Đã mấy mùa xuân Thà ra đứng trước mũi nghe lóng ngóng đợi chờ một bóng hình để gọi tiếng “má ơi!”. Cái tiếng ấy có khó khăn gì đâu, mà sáu bảy năm rồi Thà vẫn chưa được gọi…

Tiếng mái dầm vỗ nước. Nhẹ dần. Nhẹ dần. Cho đến khi chiếc xuồng cùng chiều cập lại ghe Thà, hỏi đường về cuối xóm Tràm Đước.

- Sáng mùng một mà gió dữ quá, rát hết mặt.

Giọng than vãn của một người đàn bà.

- Ừ, gió thiệt! Chèo hoài hướng này là về cuối xóm Tràm Đước thôi! Mà chị đây, sáng đầu năm không ở nhà ăn Tết mà đi đâu vậy? Mà tui nghe giọng chị quen dữ lắm à nghen- anh Năm đáp lại.

Người đàn bà vịn vào thành ghe của tía con Thà, thở dài thườn thượt:

- Hơi, tui đi tìm chồng tui.

- Lạ chưa, chồng chị đi đâu mà tìm?

Chị nói nhỏ, giọng trầm, lòng đầy gió:

- Hồi đó tui lỡ dại bỏ chồng tui, giờ tui phải đi tìm lại chồng con… Tui nhớ tía con nó dữ lắm! - Trong ghe im lặng, chị không nhận lại được từ anh Năm một lời hồi đáp nào ngoại trừ tiếng sóng nhịp nhàng trong một sáng đầu xuân… - Ủa, sao im re vậy cà?

… Không đợi ba bước ra, như một mũi tên, từ trong mui ghe Thà trờ thật nhanh ra ngoài, chắc Thà sợ mình chậm chạp thêm một giây phút nào nữa thôi thì người đàn bà sẽ chèo xuồng đi mất.

Trên bến sông xuân, sáng đầu năm có một cuộc đoàn viên sau sáu, bảy năm trời xa cách.

Sóng rào rạt sóng. Mùa xuân, bến sông rực rỡ bông vàng.

Thà ngồi tựa đầu vào vai mẹ, bất giác Thà rúc người xuống để được nằm gọn trong lòng của mẹ như hồi Thà còn nhỏ xíu. Tay chị Năm mềm vuốt lên tóc Thà, chị nhận ra con gái chị sắp thành thiếu nữ, đẹp như hồi chị còn trẻ và hiền như mặt nước sông quê.

- Má đừng đi đâu nữa nghen má!

- Ừ, má ở với hai tía con luôn.

Ngày đầu năm, anh Năm ngồi trước mũi ghe rít điếu thuốc, khói tỏa ra bay bay trong gió xuân:

- Tui tính rồi, qua Tết tui bán chiếc ghe này, mình về lại vườn cũ cất nhà ở luôn, nghen má con Thà!

Chị Năm “ừ”, ngọt lịm. Tết năm ấy có lẽ là cái Tết trọn vẹn nhất của tía con Thà. Tết năm ấy, anh Năm chẳng có gì ngoài sự thứ tha, Thà chẳng có gì ngoài đầy tràn hơi ấm của người mẹ. Trên bến sông xuân, sớm nay rộn rã nói cười…

Mùa xuân năm 2022

HOÀNG KHÁNH DUY