Chuyện kháng chiến

Chuyện về những khẩu đại bác chiến lợi phẩm ở Nam Bộ

Cập nhật, 18:19, Thứ Hai, 31/01/2022 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

(VLO) Việc thu vũ khí địch để đánh địch của các lực lượng ta rất được khuyến khích trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược vừa qua. Có điều địa hình ở nhiều chiến trường Nam Bộ là đầm lầy, nhiều sông rạch nên những chiến lợi phẩm cồng kềnh như tàu, xe hay những loại khí tài nặng nề khác đều không thích hợp với việc cất giấu và sử dụng nên chúng có chung số phận nghiệt ngã là bị phá hủy tại chỗ khi lọt vào tay ta. Tuy vậy vẫn có những ngoại lệ, đó là trường hợp của các khẩu đại bác 105 ly dưới đây.

Kháng chiến chống Pháp: Khẩu đại bác 105 ly chiến lợi phẩm vang danh Đông Dương

Loại lựu pháo 105 ly, do nền công nghiệp quốc phòng Mỹ chế tạo và trang bị cho quân đội nước này sử dụng đầu tiên từ năm 1941. Do nổi tiếng về tính chính xác, uy lực mạnh và phù hợp cho bộ binh nên loại pháo 105 ly của Mỹ cùng các phiên bản cải tiến khác được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trong Thế chiến thứ 2.

Trong cuộc chiến tái xâm lược nước ta từ năm 1945, quân đội Pháp cũng thường xuyên sử dụng loại pháo này để đánh phá ta. Do pháo có thể bắn xa trên 11km và đầu đạn công phá rất mạnh, nên người dân và bộ đội ta rất dè chừng khi có chúng lâm trận và gọi chúng với cái tên nghe rất kêu là “đại bác” hay “cà nông”!

Nhưng có một thực tế là với các chiến thuật du kích trên địa hình sông nước Nam Bộ, hầu hết vũ khí đều ở trên vai, nên một khẩu súng dài gần 6m và nặng trên 2 tấn đó quả là một chiến lợi phẩm không mấy lý tưởng khi cướp được từ tay giặc, ngoại trừ trong trận đánh ngày 19/4/1948 trên lộ Tầm Vu (xã Thanh Xuân, huyện Châu Thành- Hậu Giang ngày nay).

Để chuẩn bị cho trận đánh này, bộ đội Quân khu 9 (Tây Nam Bộ) phải chuẩn bị chiến trường hàng tháng và có Khu bộ trưởng Trần Văn Giàu tham gia chỉ huy: Đầu tiên ta nã pháo cối gây thiệt hại cho đồn Bảy Ngàn, sau đó đưa quân chuẩn bị trận địa phục kích dọc lộ Tầm Vu là con đường đi qua đồn này để đón đánh bọn đi ứng cứu theo chiến thuật “công đồn đả viện”.

Có lẽ đã đánh hơi được gì đó nên đã qua 3 ngày rồi bọn địch ứng cứu vẫn chưa thấy tăm hơi, chỉ huy mặt trận ta bèn lập kế dụ địch vào bằng cách cho bộ đội ta phá hầm hào chiến đấu rồi rộn rã thổi kèn thu quân.

Thế mà địch mắc kế quân ta thật! Ngay chiều 18/4/1948, quân ta bí mật trở lại trận địa cũ theo như kế hoạch ban đầu. Đúng 15 giờ hôm sau chờ cho bọn địch đi ứng cứu trên đường từ Rạch Gỏi về Cần Thơ lọt hẳn vào đội hình phục kích, quân ta đồng loạt nổ súng xung phong và trận đánh kết thúc nhanh chóng.

Trận này, ta diệt trên 100 địch, bắt sống 80 tên khác, phá hủy 12 xe quân sự, thu trên 200 súng các loại, đáng chú ý là có 1 khẩu đại bác 105 ly.

Chuyện thu khẩu đại bác chiến lợi phẩm nặng nề này được người dân ngày đó rất khoái chí khi kể nhau nghe: Sau trận đánh, khẩu đại bác do xe kéo bị lọt xuống ruộng.

Để kéo nó lên lộ, bộ đội ta phải huy động hàng chục dân công cùng với sự góp sức của một đôi trâu cổ khỏe mạnh. Khi khẩu súng lên được mặt lộ thì cũng là lúc có con trâu ngã lăn ra chết vì ráng sức đến... đứt ruột (!)

Đây là khẩu đại bác 105 ly đã gây tiếng vang khắp chiến trường Đông Dương thời đó: lần đầu tiên quân kháng chiến thu được đại bác của giặc. Sau sự kiện này, ai đó rất nhanh nhạy sáng tác một bài thơ được lan truyền rộng khắp.

Độc đáo là lời thơ có thể dễ dàng dùng “nói thơ” theo điệu Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu rất phổ biến ở Nam Bộ thời đó: “Ngồi buồn kể chuyện đánh Tây/ Tầm Vu chiến trận diệt loài xâm lăng/ Sợ gì thiết giáp xe tăng/ Quân ta cướp súng thần công kẻ thù…”.

Kháng chiến chống Mỹ: Dùng pháo địch đánh địch

Không kể hàng trăm khẩu đại bác chiến lợi phẩm từ 105 ly trở lên- gọi chung là pháo- nằm trong khoảng 1.500 khẩu đại pháo các loại ta thu được của địch ở khắp nơi sau Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, những khẩu pháo chiến lợi phẩm- chủ yếu là pháo 105 ly- trong các trận đánh những năm tháng trước đó trên chiến trường sông nước Nam Bộ khiến ta gặp rất nhiều khó khăn trong cất giấu và sử dụng gấp nhiều lần so với thời đánh Tây như lúc thu được khẩu pháo ở Tầm Vu.

Có nhiều lý do, đầu tiên là kẻ địch của ta lúc này là đế quốc Mỹ giàu có, chẳng những có đủ pháo để bố trí các cụm pháo cố định có tầm bắn giao nhau mà còn có các đội pháo di động để hỗ trợ cho nhau khi cần thiết, đặc biệt hơn chúng còn làm chủ bầu trời với đủ loại máy bay sẵn sàng can thiệp bất cứ vị trí nào.

Vì vậy, có trận ta làm chủ trận địa chiếm được pháo, nhưng khi dùng pháo địch đánh vào các cứ điểm quân sự của chúng thì kết quả thường không như ý.

Điển hình như vụ binh biến ở Tầm Phương (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành- Trà Vinh) vào đầu tháng 8/1968: Chỉ huy trung đội pháo binh địch gồm 2 khẩu pháo 105 ly đóng tại đây là trung úy Huỳnh Chí Thiện- một cơ sở binh vận của ta- đã hiệp đồng với một đơn vị vũ trang địa phương làm binh biến.

Binh biến thành công, bộ đội ta dùng pháo địch ở đây bắn vào các căn cứ như: sân bay, tòa Hành chính tỉnh, Tiểu khu Trà Vinh và hậu cứ Trung đoàn 14 của Sư đoàn 9 quân Sài Gòn đóng tại đây, nhưng do sự cố kho đạn bị nổ buộc ta phải nhanh chóng phá hủy pháo trước khi rút lui.

Cũng có trận không cần binh biến, quân ta vẫn đánh chiếm được cứ điểm quân sự có bố trí pháo 105 ly như: Trận bộ đội Quân khu 8 (Trung Nam Bộ) đánh chiếm và bứt rút Yếu khu Ngã Sáu (xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè- Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang) vào đầu năm 1975.

Cái tên của yếu khu cũng đã nói lên sự quan trọng của cứ điểm quân sự này trên vùng giáp ranh 2 tỉnh Mỹ Tho và Sa Đéc cũ, buộc địch phải chú ý bố trí tại đây, riêng sắc lính bảo an đã lên đến cấp tiểu đoàn để trấn giữ.

Đó là đêm 10 rạng sáng 11/3/1975, Trung đoàn 24 nổ súng mở đầu đợt tiến công, ngay loạt súng cối 120 ly đầu tiên, ta đã làm 2 khẩu pháo 105 ly của yếu khu câm họng.

Cuộc chiến đấu trong lòng yếu khu diễn ra rất ác liệt. Chiến sĩ ta đánh lấn từng đoạn hầm hào, địch cố gắng cầm cự suốt đêm đó và cả ngày hôm sau.

Nhận định địch không thể hủy diệt căn cứ do tại đây còn tên tiểu đoàn trưởng bảo an chỉ huy yếu khu cùng 1 đại đội lính còn sót lại đang cố thủ, nên quân ta quyết bám giữ phần đã chiếm được trong yếu khu, không lùi một bước.

Ta cố đánh lấn tới, địch cố giữ với hy vọng được cứu viện. Nhưng đến chiều tối 11/3, tên tiểu đoàn trưởng sợ quá, bỏ lính vạch rào trốn thoát, bọn còn lại như rắn mất đầu không còn sức chiến đấu. Quân ta phát triển làm chủ hoàn toàn yếu khu, bắt tù binh, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 2 khẩu pháo 105 ly và một hầm đạn pháo.

Đây là trận đánh thắng lớn, trong 4 ngày đêm liên tục chiến đấu (từ 10- 14/3/1975) lần đầu tiên lực lượng vũ trang Quân khu 8 tiêu diệt căn cứ địch cấp tiểu đoàn là Yếu khu Ngã Sáu, sau đó trụ lại phối hợp đơn vị bạn đánh tan tác các lực lượng địch đi ứng cứu trên cánh đồng Bằng Lăng gần đó và cả bọn tái chiếm yếu khu lần thứ hai trong các ngày hôm sau khiến địch phải tháo chạy khỏi cứ điểm này kể từ đó.

Chiến thắng này đã mở được vùng giải phóng liên hoàn đi qua các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong và Mỹ Tho cũ.

Có điều, dù đã thắng lớn như thế nhưng quân ta vẫn phải phá hủy tại chỗ 2 khẩu pháo 105 ly chiến lợi phẩm mà địch bố trí tại Yếu khu Ngã Sáu. Tuy vậy, cùng thời điểm này vẫn có trận quân ta thu được pháo 105 ly còn nguyên vẹn với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Đó là trận Trung đoàn 3 (Quân khu 9) đánh chiếm Yếu khu Thầy Phó. Đây là một cứ điểm quân sự mạnh đóng ở xã Hựu Thành (Trà Ôn) với trên 300 quân đồn trú. Nó có vai trò rất quan trọng trong kế hoạch lấn đất giành dân với ta trên một vùng rộng lớn tiếp giáp các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và Càng Long, Cầu Kè (Trà Vinh).

Nó còn là lực lượng yểm trợ các đồn bót trên tuyến lộ 37 và lộ 167 để ngăn chặn sự liên lạc của các lực lượng ta trên chiến trường Vĩnh Trà, nên đây là lần thứ hai ta quyết định nhổ cái gai này để giải tỏa áp lực trên: Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, trong 2 ngày đêm liên tục chiến đấu từ đêm 8 đến 18 giờ ngày 10/1/1975, quân ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong yếu khu, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược…

Đặc biệt, trong trận này, ta thu 2 khẩu pháo 105 ly còn nguyên vẹn và trong lúc chiến đấu chiến sĩ ta đã dùng chính khẩu pháo vừa chiếm được bắn khống chế một số mục tiêu buộc địch không dám nống quân ra chi viện và đã dũng cảm hạ nòng pháo bắn trực diện vào khu chỉ huy trung tâm của yếu khu để diệt các tên đầu sỏ đang ngoan cố chống cự, tạo điều kiện cho đơn vị kết thúc nhanh trận đánh.

Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Vĩnh Trà quân ta thu được pháo 105 ly còn nguyên vẹn cùng một số đạn đáng kể, khiến kẻ địch ở địa phương và bọn chóp bu của Quân khu 4 vô cùng hoang mang. Được sự giúp đỡ của nhân dân, nhiều cuộc càn quét truy lùng các khẩu pháo này ở cấp tỉnh và cấp quân khu của địch liên tục nổ ra nhưng đều vô hiệu.

Điều thú vị là không lâu sau đó những khẩu pháo này lại gieo kinh hoàng cho địch khi đột ngột xuất hiện vào rạng sáng ngày 12/4/1975 nã những loạt đạn chính xác vào Trung tâm Huấn luyện quân sự Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long) và tư dinh của tướng Nguyễn Khoa Nam- Tư lệnh Quân đoàn 4- tại TP Cần Thơ để mở màn cho một đợt tiến công của các lực lượng ta đứng trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ cắt đứt QL4 (QL1A ngày nay) để hiệp đồng với chiến trường chung...

HỒNG VÂN