Hình ảnh làng quê những ngày gần đây khiến lòng người đau xót. Sự bình yên vốn có bị xáo trộn khi COVID- 19 xâm nhập, dây phong tỏa giăng lên ở vài ngôi nhà.
(VLO) Hình ảnh làng quê những ngày gần đây khiến lòng người đau xót. Sự bình yên vốn có bị xáo trộn khi COVID- 19 xâm nhập, dây phong tỏa giăng lên ở vài ngôi nhà.
Những ánh mắt lo lắng, ngơ ngác nhìn nhau như chưa tin đó là sự thật. Người con xa quê đau đáu mong ngóng tin nhà, mong người thân bình an, quê nhà sẽ trở lại bình yên như từng có bao ngày.
Làng quê tôi vốn dĩ yên bình. Nơi con đường làng quanh co- những bàn chân nhỏ xinh nhảy chân sáo đến trường ngày ngày. Nơi đồng ruộng thẳng cánh cò bay, có gốc lúa, bờ tre và những dòng kinh nhỏ xinh hồn hậu. Dòng sông uốn khúc trước nhà là nơi tắm mát tuổi thơ bao đứa trẻ…
Dịch COVID-19 bùng phát và về đến làng quê- không ai ngờ quê mình có ngày tổn thương đến vậy. Sáng sáng, ngoại không thể cùng bà Út, bà Tư gần nhà đi bộ.
Rau sau nhà lên xanh um, ngoại hái chia cho hàng xóm quanh nhà không hết nhưng không thể cắt đem ra chợ bán như lúc trước. Những người trẻ là công nhân tạm nghỉ việc ở nhà. Mấy em nhỏ vui chơi trong nhà, ở mấy góc phòng, hí hửng được ra sân khi trời
tắt nắng…
Cậu Ba lội xuống kinh hái mớ rau muống đồng và lục bình nấu canh chua cá lóc. Những ngày giãn cách, mảnh vườn với các loại rau xanh, ao nhỏ với bông súng đồng và vài ba loại cá là nguồn cung cấp chính cho bữa ăn hàng ngày.
Trái cây thì có ổi ngoài vườn, xoài, cóc bên hông nhà. Giải nhiệt thì có dừa non trên cây luôn sẵn có. Cuộc sống gói gọn trong khuôn viên nhà mình, muốn có màu sắc tươi vui hay ảm đạm u buồn là do mình chọn lấy và xoay chuyển nó.
Ở trong nhà, dì Út ngày thì nấu súp, nấu nui, cháo cá với rau xanh… cho bé ăn đổi món. Rảnh rỗi, cả nhà róc lá chuối gói bánh tét, bánh ít, róc lá dừa gói bánh dừa, hái lá mít để làm bánh lá…
Em nhỏ được khuyến khích tham gia làm “nhân công” gói bánh, làm các việc nhỏ trong nhà để bớt “dán mắt” vào smartphone, ti vi hay điện thoại, vừa học được kỹ năng làm việc nhà, hiểu thêm nhiều về các món bánh dân gian… Cả nhà quây quần, động viên nhau ở yên trong nhà để chấp hành giãn cách, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Ngày nắng mới sang, mấy khóm rau bên nhà sau đợt cắt bắt đầu đâm tược mới tươi non, cây mít đã ra hoa và bắt đầu trổ trái. Trước sân nhà, hoa mười giờ đủ sắc màu nở tươi, chộn rộn. Mấy bé xúm xít ra sân phơi nắng sáng- chơi nhảy lò cò, bắt rượt, phang lon…
Gạt sang bên những lo lắng, muộn phiền, người lớn chuẩn bị những bữa ăn, dọn dẹp, sửa sang các góc nhỏ quanh nhà cho tươi mới lại. Những người mẹ, người chị tranh thủ dạy em nhỏ học bài, rồi xúm xít cùng nhau gói bánh… Cứ thế, thời gian giãn cách trôi qua từng ngày, từng ngày hữu ích và ấm áp.
Quê nhà tôi ơi, khi xa quê, luống rẫy, bờ ao, bến nước trước nhà… cũng trở thành nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy càng da diết hơn khi có bóng dáng của bà, của mẹ, của em thơ. Xin gửi những nhớ thương và lời động viên cho quê nhà yêu dấu: “Cố lên nha, bình an nhé quê nhà tôi ơi!”
SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin