Truyện ngắn

Dòng chảy từ tim

Cập nhật, 06:19, Thứ Bảy, 28/08/2021 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

(VLO) Ông Năm sắp đến tuổi sáu mươi, dáng người hãy còn chắc khỏe, rắn rỏi nhưng gương mặt dường như già trước tuổi, có lẽ do cuộc đời nhiều gian nan, cơ cực. Ông là cựu binh, từng chiến đấu trên nước bạn Campuchia, đã biết bao lần vào sinh ra tử. Ông hiện sống với mẹ, vợ và hai đứa con. Cô con gái lớn học đại học đã ra trường, có việc làm nên đỡ đần phần nào cho cuộc sống gia đình.

Trong mùa đại dịch bùng phát năm 2021, đôi lúc nhớ lại chuyện vừa xảy ra đối với bản thân và gia đình mà ông vẫn còn giật mình hoảng sợ.

Nếu có ai hỏi thì ông không ngần ngại, sẵn lòng kể lại rõ ràng cuộc chiến đấu đã qua. Đó là những chuỗi ngày “khủng khiếp” dù có đôi lúc bị gãy đoạn bởi không thể nào nhớ hết.

Thời điểm khởi đầu câu chuyện, gia đình ông ở trong khu vực cách ly đã được phong tỏa. Tối hôm đó, lực lượng y tế địa phương, thanh niên tình nguyện đến nhà lấy mẫu xét nghiệm.

Lúc này, mẹ ông, vợ ông với hai đứa con đã có triệu chứng sốt nhẹ, còn ông thì vẫn khỏe mạnh bình thường. Rồi chưa đến bốn giờ sáng hôm sau, có tiếng điện thoại reo vang. Đêm hôm, tiếng điện thoại nghe sao rùng rợn, như báo trước một điều chẳng lành.

Ông bắt máy, đầu dây bên kia có tiếng nói rõ ràng là toàn bộ gia đình chuẩn bị gấp để khoảng hai tiếng nữa theo xe vào bệnh viện. Thoạt đầu ông hơi hoảng. Sau đó, ông tự trấn an, nhưng chưa dám báo vợ con, để mẹ và vợ con ngủ được chút nào hay chút nấy, tự mình âm thầm chuẩn bị mọi thứ.

Rồi cả nhà cũng phải thức dậy chuẩn bị hành trang. Lúc ngồi trên xe cứu thương chở đi trong tiếng còi hụ inh ỏi, ông suy nghĩ mông lung và tự trấn an là khi hết thời hạn cách ly thì sẽ về, ông chỉ lo cho mẹ và vợ con, còn ông thì chắc không có gì.

Gia đình ông được đưa vào bệnh viện dã chiến, nơi này được dựng lên khoảng nửa tháng nay trong khu vực ký túc xá của một trường đại học kết nối với một bệnh viện gần đó. Đây là nơi tiếp nhận, sàng lọc, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân COVID-19 và người tiếp xúc gần với các ca bệnh.

Tùy theo triệu chứng, gia đình ông mỗi người được phân ra ở một khu vực khác nhau. Mấy ngày đầu nhập viện, ông Năm vẫn thấy khỏe mạnh nên càng an tâm hơn, tự tin hơn, thường điện thoại liên lạc với người thân, vợ con; với anh Tư, cô Sáu em ông ở dưới quê cách đó khoảng chục cây số.

Mấy đứa con cũng thường gọi hỏi thăm cha. Nhưng rồi sau đó vợ con ông không lên máy, có lẽ đã trở bệnh.

Suốt ngày không biết làm gì, ông cứ đứng ngoài hành lang nhìn ra sân, ra cổng. Có một góc sân vắng, thỉnh thoảng ông ra đứng dưới bóng cây liêu xiêu nhìn trời nhìn đất. Dù không để ý nhưng lúc nào cũng nghe tiếng xe cứu thương, tiếng còi hụ chở những ca F1 đến cách ly.

Xe chở người vào, rồi cũng có xe chở người ra. Tất cả đều tất bật, vội vã trong những rào chắn, những dây giăng như đang vào trận đánh.

Những bóng người trong bộ đồ bảo hộ trắng hay xanh liên tục di chuyển. Những nhân viên y tế tận tình hướng dẫn người bệnh vào khu cách ly, có người còn lỉnh kỉnh khuân vác phụ đồ đạc cho bệnh nhân.

Tội nghiệp nhất là những đứa trẻ, tuổi còn quá nhỏ để biết chuyện gì đang xảy ra đối với chúng. Ngoài cổng, ông thấy có những chiếc xe của những tổ chức từ thiện chở lương thực, thực phẩm, nước uống... đến hỗ trợ lực lượng tác chiến và người bệnh.

Những đoàn viên thanh niên trong chiếc áo màu xanh quen thuộc đang hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm lần hai đối với những người đã nhập viện trước đó.

Hỏi thăm ông mới biết đoàn Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa hàng trăm sinh viên tình nguyện hỗ trợ truy vết, lấy mẫu và họ cũng đến các khu cách ly để “chia lửa”.

Các sinh viên đến từ các khoa khác nhau như: Khoa Y, Khoa Răng hàm mặt, Khoa Dược, Khoa Điều dưỡng- kỹ thuật, Khoa Y học y tế công cộng...

Họ đã đồng lòng, tích cực đăng ký tham gia công tác chống dịch COVID-19. Nhìn họ, ông nhớ thời tuổi trẻ của mình cũng đã từng mạnh mẽ xung phong làm công tác xã hội, sôi nổi không kém gì mấy em hiện nay. 

Đó là những nhận biết của ông lúc mới vào. Lúc này, qua tin báo điện thoại, vợ con ông đều đã lâm bệnh. Rồi vài hôm sau, ông thấy mình có triệu chứng đau tăng tăng vòm đầu và sốt nhẹ.

Bác sĩ khám và cấp thuốc theo triệu chứng, theo thể trạng. Nhưng sau đó bệnh diễn biến nhanh đầy bất ngờ, không lường trước được.

Sau khi bị sốt một ngày, ông tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm và bác sĩ bảo ông phải chuyển sang phòng khác. Lúc này, ông dần cảm nhận rõ hơn sức tàn phá của vi rút. 

Nhưng với ý chí của người cựu binh, ông tự phấn đấu, cố gắng tự xoa bóp tay chân; rồi làm các động tác như tập thể dục để giãn gân cốt. Ông cố gắng đi tới đi lui dọc hành lang cho đỡ khó chịu vì mỏi, nhưng vẫn không đỡ. Tiếp theo đó là những cơn ho sù sụ, những cơn ho hành hạ cơ thể thật khủng khiếp.

Mỗi lần ho ông phải lấy cả hai tay giữ chặt ở ngực, lồng ngực như muốn bung ra, đầy đau đớn, sau từng cơn ho thì mặt mày nhăn ngược nhăn xuôi.

Nhưng rồi mọi việc không dừng lại mà có những ngày cơn ho đi chung với đờm dãi; càng lúc càng nhiều. Ông ho cả ngày lẫn đêm, lồng phổi như có ai xé ra, như muốn nát ra.

Tội nghiệp cho các điều dưỡng và nhân viên y tế, xử lý đờm nhớt như vầy sao cho an toàn là điều rất vất vả, công phu, bài bản và cũng đầy nguy hiểm.

Có đêm, ông không thể nằm được, vì nằm rất khó thở, khi ngủ ông phải ngồi trên ghế dựa, nhưng thường là phải ngồi tương đối thẳng, chỉ được dựa lưng vào thành ghế.

Nhớ lại mà thấy thương, thấy tội cho các lực lượng trực chiến, có những lần đến 12 giờ khuya mà các y- bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải luân phiên vỗ rung để long đờm, để ông dễ chịu hơn, đỡ mệt hơn. Còn nói về chuyện ăn uống thì cũng khó khăn không kém và cũng cực nhọc cho người phục vụ.

Ông cảm thấy mình là người đang nợ công, nợ nghĩa với những người chăm sóc mình, không biết bao giờ mới trả được.

Một buổi tối như bao buổi tối của những ngày dài nhập viện, bác sĩ Văn là người thường xuyên chăm sóc cho ông khi bệnh trở nặng, đến gặp ông nói những lời động viên: “Chú phải bình tĩnh để chiến đấu tiếp. Tinh thần rất quan trọng nghen chú, mình phải mạnh mẽ, tâm lý phải ổn định để vượt qua. Chúng cháu sẽ đồng hành cùng với chú.”

Có một sự thật mà bác sĩ Văn không nói ra, đó là phổi của ông qua ảnh chụp trong phim đã trắng xóa, tình hình hơi căng. Không còn thời gian để nói thêm, ngay sau đó, ông tức tốc được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực, nằm ở Phòng Chăm sóc đặc biệt.

Ông có dấu hiệu suy hô hấp nên được hỗ trợ thở oxy mask. Dù mệt, nhưng ông không thể nào quên hình ảnh các y- bác sĩ liên tục theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, các bác sĩ còn lấy mẫu máu xét nghiệm ở chân, ở tay; các chỉ số cho thấy nồng độ oxy trong máu thấp. Ông chỉ nhớ được bấy nhiêu thôi rồi sau đó thì không còn biết gì hết, ông đã rơi vào hôn mê.

Cuộc chiến đấu chống COVID-19 chuyển sang giai đoạn mới, ác liệt hơn. Mạng sống lúc này như chỉ mành treo chuông.

Suốt mấy ngày đầu sau khi rơi vào trạng thái hôn mê là giai đoạn căng thẳng nhất. Trong thời gian này, ông phải thở máy ECMO (là phương pháp cấp cứu hô hấp, tuần hoàn khi tim hay phổi hoặc cả hai đều không thể hoạt động bình thường).

Các bác sĩ phải sử dụng kỹ thuật này để đảm bảo cho cơ thể người bệnh có đủ oxy hầu duy trì sự sống. Tuy kỹ thuật ECMO không chữa lành bệnh tim hoặc phổi nhưng giúp người bệnh vượt qua nguy kịch, qua đó để có thời gian tìm ra nguyên nhân hoặc thời gian chữa trị, thời gian hồi phục. 

Bác sĩ Văn phải điều chỉnh từng thông số trên máy dựa trên diễn biến của bệnh. Thậm chí có thời điểm mọi hỗ trợ của ECMO và thở máy đều được thực hiện ở công suất tối đa. Bác sĩ Văn phải thường xuyên có mặt để quyết định mọi diễn biến khẩn cấp.

Vì còn phải lo cho các bệnh nhân khác, nên bác sĩ Văn nếu có đi sang phòng khác thì cũng có màn hình theo dõi và liên lạc nhanh qua điện thoại hoặc hệ thống âm thanh nối các phòng.

Các bác sĩ vô cùng lo lắng khi biết phổi của ông có lúc tổn thương lên đến trên dưới 90%, bội nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, khả năng đáp ứng điều trị kém...

Đó là những tín hiệu, những chỉ báo đầy nguy hiểm về tình trạng sức khỏe của ông lúc này. Các y- bác sĩ từng nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng, còn nước còn tát...

Thời điểm này, vợ ông và hai đứa con đã được về nhà tự cách ly; hai hôm sau đến lượt mẹ ông cũng về dù cũng có lần cấp cứu bằng thở máy. Điện thoại gọi cho ông không còn liên lạc được nhiều ngày nay. Mọi người chỉ biết theo dõi thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong thời dịch bệnh, ai cũng biết mỗi ca dương tính đều có mã số do Bộ Y tế thông báo theo số thứ tự người bệnh. Mã số của ông Năm người ngoài không biết là ai, chỉ biết là ca bệnh với mấy con số thứ tự kèm theo, nhưng người trong gia đình, anh em, dòng họ, bạn bè chí cốt đều biết.

Diễn biến bệnh của ông Năm được báo, đài đưa tin hàng ngày trên những dòng tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, cả nhà lo lắng theo dõi. Nhiều người nói ông Năm khó qua khỏi. Lối xóm dưới quê gần nhà ông Tư, em ông Năm đến động viên gia đình. Có người trấn an:

- Mấy anh biết có trường hợp sản phụ vượt cạn khi đang mắc COVID-19. Vừa phải cấp cứu mẹ, vừa phải khẩn trương mổ lấy con dù chưa đủ ngày. Người mẹ sau khi mổ lại phải thở máy xâm nhập vì phổi tổn thương nặng, nhưng rồi họ cũng đã vượt qua, mẹ tròn con vuông. Trường hợp của anh Năm cũng sẽ qua thôi.

Lối xóm nói thì nói vậy, nhưng anh em ông Năm lo lắm. Không lo sao được khi vợ con và mẹ ông đã xuất viện về tự cách ly tại nhà, trong khi ông đã hôn mê biết bao nhiêu ngày rồi. Trong nhà bắt đầu bàn đến tình huống xấu nhất: lo chuyện hậu sự cho ông.

Ở bệnh viện, cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Sự tận tình chăm sóc của đội ngũ y- bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã có kết quả bước đầu, đến cuối ngày thứ 4 thì có tín hiệu khả quan. Các tổn thương ở phổi của ông Năm dần được cải thiện, hồi phục, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát. Tuy vậy, ông vẫn còn hôn mê.

Phải đến buổi sáng ngày thứ 9, ông mới tỉnh dậy sau bao mong đợi của mọi người. Mắt ông từ từ hé mở, nhấp nháy rồi mở hẳn ra.

Thoạt đầu ông nghĩ là mình vừa ngủ dậy, nhưng sao không nhớ được gì, hụt hẫng như từ trên trời rơi xuống mà lại mệt kỳ lạ, chỗ nằm sao lạ lẫm, như đang còn trong mơ.

Nhìn lên trên, nhìn chung quanh thấy đủ loại máy móc, màn hình, rồi thấy trên người gắn đầy đường dây ống nhợ, rồi thấy những bóng người áo xanh, áo trắng thì... dần dần ông nhớ lại. Ông nhớ là mình đang nằm viện vì COVID- 19.

Bác sĩ Văn đứng kế bên theo dõi thần sắc của ông, chờ cho ông tỉnh hẳn mới hỏi:

- Chú có biết mình đang ở đâu không?

Ông trả lời, tiếng khàn đục, khều khào:

- Tôi đang nằm viện.

Bác sĩ hỏi bệnh gì, đang nằm ở bệnh viện nào, ông trả lời đúng. Y- bác sĩ gần đó đều mừng, vì đây là một sự hồi phục thần kỳ, bởi không ai nghĩ ông qua khỏi sau những ngày chống chỏi đầy khó khăn với dịch bệnh. Ông hồi phục từng bước nhưng vẫn nằm trên giường bệnh vì thể trạng còn rất yếu.

Nghe bác sĩ nói đã hôn mê 9 ngày thì ông vô cùng ngạc nhiên khi biết mình hôn mê lâu và bị nặng như vậy. Lúc mới tỉnh dậy, ông dần hình dung được không gian, còn thời gian thì trôi đâu đâu đó trong tiềm thức, mờ mờ, ảo ảo. Ông tâm sự với các y- bác sĩ, khi tỉnh dậy sau những ngày hôn mê kề cận cái chết, chẳng khác nào mình được sinh ra lần thứ hai.

Mấy hôm sau, khi tình trạng tiến triển tốt hơn, bác sĩ Văn đến hỏi thăm tình hình sức khỏe. Giai đoạn nguy kịch đã qua, nhưng chặng đường phía trước dường như cũng còn khó khăn lắm.

Đó là việc phục hồi thể trạng. Hôm sau, ông được chuyển sang phòng Phục hồi chức năng. Bác sĩ Khải, người đã từng sát cánh với bác sĩ Văn chữa trị cho ông, đến nói:

- Ngày mai, chú bắt đầu tập đi nghen.

Đang nằm trên giường bệnh, ông rất phấn khởi và nghĩ thầm trong bụng “Đi đứng là chuyện bình thường, nếu có tập thì cũng dễ thôi.” Sáng hôm sau, ông được dìu xuống giường.

Ông tự tin, chậm rãi và thận trọng bước đi, nhưng chỉ đi được năm bảy bước mà ông đã thở không ra hơi, tay chân bủn rủn. Bác sĩ và các điều dưỡng lại phải đưa ông lên xe đẩy vào trong rồi dìu lên giường.

Cứ như vậy, mỗi ngày ông tập một chút theo sự hướng dẫn bài bản của bác sĩ Khải và cô điều dưỡng tên Hồng Cúc.

Lúc này thì mọi việc chăm sóc cho ông do cô Cúc đảm nhiệm. Qua hỏi thăm những người chung quanh, ông mới biết cô Cúc là nữ điều dưỡng đã từng ngất xỉu tại hành lang bệnh viện vì làm việc quá sức.

Cô trạc tuổi con gái của ông, nhìn đội ngũ y- bác sĩ ở đây, ông dạt dào lòng biết ơn và cảm mến. Những ngày này, ông biết đội ngũ phục vụ ở đây không ai về nhà; có trường hợp một nữ bác sĩ tranh thủ mấy phút rảnh rỗi gọi điện về thăm con nhỏ mới mấy tuổi, đứa bé nhớ mẹ mếu máo khóc om lên một hai đòi mẹ về...

Vài hôm sau, khi có kết quả âm tính lần 2, ông được xuất viện với lời dặn tự cách ly tại nhà và lời khuyên tiếp tục tập đi đứng, thể dục, tập thở... như đã được hướng dẫn.

Ngày về, ông chào tất cả mọi người đã gặp trên đoạn đường từ nơi làm thủ tục ra đến nơi đậu xe. Nói sao cho hết nỗi vui mừng của ông và gia đình.

Ông giống như người từ cõi chết trở về. Gia đình lại đề huề sum họp, mừng vui như ngày hội. Hầu hết các báo đều đưa tin về trường hợp này vì đây là một trong những ca trở nặng, trong số đó có những ca không vượt qua được. Nhiều cuộc điện thoại của người thân, bè bạn gọi đến chúc mừng.

Ông Năm kể cho cả nhà nghe những việc mắt thấy tai nghe tại bệnh viện. Những người ông biết, ông đều nêu tên và mô tả sự cực nhọc của họ trong việc điều trị, chiến đấu với dịch bệnh. Nghe ông nhắc đến tên Hồng Cúc, đứa con gái nói với ông Năm:

- Cô điều dưỡng tên Hồng Cúc chăm sóc cha, nó là bạn học của con thời phổ thông. Lên đại học nó theo ngành y, còn con thì theo ngành quản trị kinh doanh. Hôm rồi con rất xúc động khi thấy hình ảnh nó ngất xỉu trong bệnh viện vì làm việc quá sức.

Rồi cô con gái ông Năm thực hiện ngay việc mà cô ấp ủ trong lòng mấy hôm nay, đó là viết một bức thư cám ơn. Thư được gửi đến lãnh đạo bệnh viện và đội ngũ y- bác sĩ, nhân viên và tất cả những người phục vụ. Thư có đoạn viết:

“Bức thư này là những dòng chữ, dòng chảy không chỉ xuất phát từ trái tim em mà là còn từ gia đình em và cả những người bệnh được các cô chú, anh chị tận tình thăm khám, săn sóc, chữa trị...

Nhìn thấy các cô chú, anh chị lúc nào cũng tất bật với công việc, mỗi ca trực phải kéo dài nhiều giờ, thời gian ăn nghỉ hạn hẹp làm em vô cùng xúc động.

Mọi người càng xúc động hơn khi thấy những hình ảnh các anh chị ngả người trên ghế, trên hành lang, trên nền gạch... để tạm chợp mắt trong phút giây để rồi bật dậy tiếp tục công việc.

Nhỏ bạn em trong bộ đồ bảo hộ kín mít cũng đã từng ngồi ăn vội vã miếng cơm bên lề cỏ, cũng đã từng ngất xỉu vì kiệt sức. Đoàn viên thanh niên và nhiều lực lượng khác đã truy vết lấy mẫu, hỗ trợ xét nghiệm ngày đêm cho kịp thời gian như cùng chạy đua với vi rút.

Giữa những ngày nắng đổ lửa, bộ đồ bảo hộ giữ nhiệt nóng bỏng làm nhiều người da bị phồng rộp, nhăn nhúm, cả người lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi, nhưng anh chị em vẫn lăn xả vào cuộc chiến.

Bức thư ngắn này không thể nói hết lòng yêu thương, trân trọng, cám ơn của em, của những người bệnh dành cho đội ngũ y bác sĩ và tất cả các anh chị em vòng trong, vòng ngoài bệnh viện.

Từ ngày về nhà, cha em cứ nhắc đến các cô chú, anh chị ở bệnh viện. Ông nói lúc làm bộ đội giúp nước bạn Campuchia, có mấy lần bị sốt rét, rồi mấy lần bị thương cũng nhờ y- bác sĩ chăm sóc mà có ngày về.

Ông nhớ lời dạy, lời dặn của Bác Hồ về y đức “Thầy thuốc như mẹ hiền”, cha em nói câu này sao hay quá; “Bởi chỉ có mẹ hiền mới chăm sóc ta như vậy, mới sinh ta ra lần thứ hai”.

Đây là những dòng chảy từ trái tim em, xin gửi đến các cô chú, các anh chị em và những người bạn đang trên tuyến đầu chống dịch những tình cảm dạt dào thương yêu nhất.”

Vĩnh Long, ngày 20/7/2021

VĂN HIẾN VĨNH